ClockThứ Năm, 24/10/2019 13:30

Luôn học hỏi điều mới

TTH - Dành cả cuộc đời để học tập và nghiên cứu khoa học, PGS. TS. Hoàng Thị Kim Hồng, Trưởng bộ môn Sinh học ứng dụng, Khoa Sinh học, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế là nhà khoa học, giảng viên cao cấp với nhiều thành tích cống hiến đáng ghi nhận trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

PGS. TS. Hoàng Thị Kim Hồng (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn sinh viên thực hành thí nghiệm

Hiếu học

Gia đình đông anh chị em và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, từ thuở nhỏ, cô Hồng đã chịu khó rèn luyện để vươn lên trong học tập. Từ khi học lớp 5 cho đến hết lớp 12, cô là học sinh chuyên toán của tỉnh Bình - Trị - Thiên, được Nhà nước cấp học bổng và lương thực trong suốt 8 năm học.

Đến khi thi đại học, cô chuyển hướng chọn thi ngành sinh học của Trường ĐH Tổng hợp Huế (nay là Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế). Cô Hồng chia sẻ: “Sinh học là bộ môn thú vị, luôn có những điều mới mẻ để tìm hiểu, khám phá, càng học lại càng thấy bể học thật mênh mông”.

Miệt mài học tập và nỗ lực không ngừng, cô tốt nghiệp xuất sắc và được tiếp nhận ở lại trường làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Sinh học. Với đam mê học tập, cô Hồng tiếp tục vừa làm, vừa học và đã nhận thêm 1 bằng cử nhân ngoại ngữ, chuyên ngành tiếng Anh; 2 bằng thạc sĩ chuyên ngành hóa sinh - sinh lý thực vật từ Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế và chuyên ngành công nghệ học hệ thống (System Engineering) từ trường ĐH RMIT (Royal Melbourne Institute of Technology University) ở Úc; cùng bằng tiến sĩ do Trường Đại học Kagoshima, Nhật Bản cấp.

Trong suốt quá trình công tác tại Khoa Sinh học, cô còn tham gia các khóa đào tạo sau tiến sĩ tại các trường Đại học Quốc tế, như Đại học Saga ở Nhật Bản;  Đại học BOKU ở Áo; Đại học Vrije (VUB) ở Bỉ và Đại học Reno Nevada (UNR) ở Mỹ...

Điều thú vị là cả hai lần tham gia học tập ở Nhật Bản, cô Hồng đã hai lần may mắn được trải nghiệm sinh con ở Nhật. Cô tâm sự, nghiệp học và con cái đến với cô bằng cái duyên. Thời gian đó, cô không được hưởng các chế độ nghỉ thai sản như ở Việt Nam mà luôn ở trong tình trạng học xong lại về chăm sóc con mọn. Điều may mắn, trong suốt thời gian này, cô có người chồng luôn đồng hành, động viên, san sẻ, và cùng cô vừa chăm sóc gia đình vừa hoàn thành việc học ở Nhật.

Đam mê nghiên cứu khoa học

Sau những giờ miệt mài với công tác giảng dạy, cô còn dành nhiều thời gian vào nghiên cứu khoa học và hướng dẫn cho các em sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Bên cạnh những khó khăn mà nam giới gặp phải trong công tác nghiên cứu, cô Hồng và những người nữ cộng sự làm nghiên cứu khoa học đôi khi phải đương đầu với những rào cản từ chính hoàn cảnh riêng của mỗi người. Cô cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa bao giờ là dễ dàng, đòi hỏi niềm đam mê, không ngừng tìm tòi, học hỏi và đầu tư chất xám.

Để có thể phát triển các hướng nghiên cứu khoa học mới và mở rộng kiến thức chuyên môn, cô Hồng luôn tìm kiếm cơ hội để được sang nước ngoài học tập thêm, được làm việc với các giáo sư đầu ngành, được tiếp cận với các nguồn thông tin mở, được làm việc trong các phòng thí nghiệm có đầy đủ trang thiết bị hiện đại... Sau những chuyến du học, công tác ở xứ người, ngoài việc củng cố kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực nghiệm cho bản thân, cô còn mở rộng mối quan hệ với các giáo sư nước ngoài, từ đó tư vấn, giới thiệu sinh viên trong khoa có cơ hội được du học ở một số nước, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ.

Cô đã tham gia các lĩnh vực nghiên cứu về bào quan thực vật, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong nghiên cứu về ty thể, lục lạp ở các loài thực vật CAM (Crasssulacean acid metabolism) và triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trên các đối tượng khác nhau như lúa, nha đam, lan hồ điệp, sen... Đến nay, cô đã có hơn 100 bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Cô đã chủ trì thành công 1 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp tỉnh, 2 đề tài Nafosted, đã và đang tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của địa phương. Kết quả nghiên cứu của các đề tài này đã được dự thi và được nhận giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế trong các năm 2012, 2016, 2017, 2018 và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo.

PGS. TS. Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, nhận xét: “PGS.TS. Hoàng Thị Kim Hồng là một trong những tấm gương sáng về học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế”. Đạt được học hàm, học vị và các công trình nghiên cứu hiện nay là cả một quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi của cô gần 30 năm qua. Những thành tích của cô về nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những công bố quốc tế, đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng uy tín, thương hiệu của Khoa Sinh học và Trường ĐH Khoa học Huế. Làm được nhiều việc nhưng cô vẫn luôn khiêm tốn và ham học hỏi những điều mới, đây là một đức tính rất quý và rất cần thiết đối với một nhà giáo và một nhà khoa học.

Bài, ảnh: Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghiên cứu khoa học không chỉ tính bằng tiền

Ở Thừa Thiên Huế, đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học không chỉ tính bằng tiền mà giá trị mang lại đã thể hiện chất xám, trí tuệ được cộng hưởng gấp bội lần để làm giàu cho xã hội không chỉ ở phạm vi địa phương…

Nghiên cứu khoa học không chỉ tính bằng tiền
Tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và quản lý giáo dục

Đó là chủ đề hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 30/11 tại TP. Huế do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Công ty TNHH Giáo dục FPT tổ chức nhằm cung cấp, chia sẻ kiến thức về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực giáo dục và thảo luận, phân tích những thách thức khi triển khai công nghệ AI trong quản lý và giảng dạy. Dự kiến có khoảng 450 - 500 người tham gia hội thảo này.

Tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và quản lý giáo dục
ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

TIN MỚI

Return to top