ClockChủ Nhật, 17/09/2023 13:16

Dành cả cuộc đời gắn bó với zèng

TTH - Nhắc đến nghệ nhân Mai Thị Hợp (sinh năm 1963, dân tộc Tà Ôi, quê xã Lâm Đớt, huyện A Lưới), người ta thường biết đến bà như một người lưu truyền và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thông qua zèng. Và cả cuộc đời bà cũng đã gắn bó với những câu chuyện thú vị xung quanh sản phẩm thủ công độc đáo này...

Người trẻ và ZèngThổ cẩm xanh Aza Kooh & hành trình mới của dệt zèngCô giáo khởi nghiệp với zèng

 Ngoài 60 nhưng đôi bàn tay của bà Hợp vẫn còn khéo léo, nhanh nhẹn và tỉ mỉ trong từng chi tiết

Ly kỳ “của hồi môn” của mẹ

Theo phong tục của người Tà Ôi trước đây, mỗi dịp lễ cưới hỏi, nhà gái bắt buộc phải trao từ 1 đến 2 tấm zèng cho con gái trước khi về nhà trai. Những tín vật này thường được đính rất nhiều cườm, bởi người xưa quan niệm, tấm vải zèng càng đính nhiều cườm thì được xem là gia đình có điều kiện, cha mẹ thường có nhiều của để dành. Zèng được xem là “của hồi môn” mà người mẹ trao cho con gái trước khi về làm dâu xứ người.

Không ngoại lệ, khi vừa bước sang tuổi đôi mươi, bà Hợp cũng được mẹ dệt cho tấm vải zèng làm “của hồi môn” sang nhà chồng. Nhớ lại câu chuyện xưa, bà Hợp mở tủ lấy cho tôi xem tấm vải zèng, rồi hồ hởi kể: “Ngày xưa mà có được tấm zèng làm “của hồi môn” là quý lắm, giá trị một tấm zèng thời ấy bằng cả một con trâu, con bò. Khi mẹ trao nó cho tôi, tôi đã đem nó thờ trước ông bà tổ tiên, hứa sẽ giữ trọn đời bên mình. Đến nay cũng ngót nghét hơn 40 năm”.

Theo lời bà Hợp, tấm vải đặc biệt này được làm từ sợi của cây bông, do một tay mẹ bà kéo sợi. Sợi zèng được nhuộm thủ công từ những nguyên liệu có trong tự nhiên, chứ không phải nhuộm bằng các loại hóa chất như bây giờ. Nó được bà mang đi triển lãm ở khắp các hội chợ trên cả nước. Khi biết được giá trị thật sự của nó, có những du khách người Nhật Bản, Canada hỏi mua với giá cao nhưng bà nhất quyết không bán. Bởi đối với bà Hợp, nó không chỉ mang giá trị vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần to lớn trong cuộc đời của bà.

 Chị Blup Thị Hà, Giám đốc HTX Thổ cẩm xanh azakooh với những sản phẩm zèng từ truyền thống đến hiện đại

Bà Hợp kể: “Năm 1995, một cán bộ phòng công thương ở huyện mượn “của hồi môn” của tôi để trưng bày tại khu triển lãm ở một hội chợ tại Đắk Lắk. Lúc ấy cứ nghĩ là chỉ trưng bày thôi nên tôi vô tư cho mượn mà không suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, khi được hỏi mua, vị cán bộ này đã bán luôn với giá 1.000.000 đồng”.

Từ đó, những câu chuyện kỳ lạ bắt đầu xảy ra với bà. “Kể từ hôm bán tấm vải zèng đó, tôi nằm chiêm bao có người báo mộng, nhắn rằng tôi phải giữ lấy những bộ phận trên thân thể mình, nếu không sẽ phạm tội tày trời. Sau khi tỉnh giấc, tôi chỉ nghĩ đó là giấc mơ thông thường, và tiếp tục làm việc như mọi ngày”, bà Hợp nhớ lại.

Mãi về sau, bà mới được nghe vị cán bộ kể lại rằng, có người đã mua tấm vải zèng đó, nhưng không hiểu vì lý do gì, vị khách này đã đem trả lại ngay từ sáng sớm hôm sau. “May mắn là đến hiện tại, tôi vẫn giữ được “của hồi môn” mà mẹ trao cho đến bây giờ. Kể từ lần đó, tôi tự hứa luôn giữ tấm zèng đặc biệt này bên mình, không cho bất kỳ ai mượn nữa”, bà Hợp tâm sự.

Câu chuyện cuộc đời trên tấm zèng

“Hình này là tượng trưng cho lá đoác, hình này là hoa sim, còn hình này là ký hiệu của núi đồi, nhà cửa truyền thống của đồng bào Tà Ôi…”, bà Hợp chỉ từng họa tiết trên những sản phẩm zèng của mình giải thích. Người Tà Ôi dường như đã quá quen thuộc với những tấm vải zèng, những bộ trang phục zèng theo họ từ lúc làm nương rẫy, đi rừng, cho đến những dịp lễ hội, cúng bái hay dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Từ bao đời nay, zèng đã đi sâu vào văn hóa, phong tục, tập quán của người đồng bào nên các đường nét, họa tiết đính trên zèng cũng gắn liền với đời sống thường nhật của họ.

Bà Hợp cho biết: “Trước đây, sợi zèng được kéo từ sợi của cây bông. Màu sắc của zèng thời ấy chỉ có 5 màu chủ đạo: màu trắng – nguyên bản, màu xanh nước biển, màu đỏ, màu đen và màu vàng. Người đồng bào xưa thường mặc trang phục zèng màu trắng là chủ yếu. Phải những ai có điều kiện mới được mặc những bộ trang phục có màu đen - đỏ”.

Theo lời kể của bà Hợp, để dệt được một tấm vải zèng thời xưa rất khó, phải trải qua nhiều công đoạn. Từ lúc lấy sợi từ cây bông, kéo sợi cho đến giai đoạn cuộn sợi, xâu cườm, lên khung, dệt sợi… Để cho ra một tấm vải zèng với kích thước 0.7x3m, có khi phải mất từ 4 tháng đến nửa năm. Màu nhuộm thời ấy cũng không đa dạng như bây giờ, chủ yếu từ các loại cây, củ có trong tự nhiên. Ví dụ: màu vàng được lấy từ củ pa-rát, màu đen và xanh nước biển được lấy từ củ tà-rồng, màu đỏ lấy từ củ a-chất…

Vừa trò chuyện, bà Hợp vừa “biểu diễn” dệt zèng để chúng tôi dễ hình dung hơn về cách làm ra chúng. Qua bàn tay khéo léo, bà đã “kể” bao câu chuyện về cuộc sống thường nhật của dân làng lên những tấm zèng độc đáo.

Bà Hợp chia sẻ: “Giờ đây, nhờ có những cách làm mới mà dệt zèng đã trở nên dễ dàng hơn. Vì thế mà tôi cũng có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ, sáng tạo ra những họa tiết, hình thù mới cũng như cách để đưa zèng đến gần hơn với cuộc sống của mọi người. Đối với tôi, điều làm tôi hứng thú, say mê nhất là được sống cuộc đời với zèng. Được tự tay đính cườm, sáng tạo nên những hoa văn theo trí tưởng tượng, bằng tiếng lòng của mình. Từ đó, những sản phẩm của tôi luôn mang đậm dấu ấn riêng”.

Năm 12 tuổi bập bẹ tập dệt zèng, đến năm 15 tuổi thành thạo với khung dệt. Kể từ đó cho đến nay, hàng trăm sản phẩm zèng độc đáo ra đời từ chính đôi bàn tay điêu luyện của bà Hợp. Đến tháng 5 năm 2013, bà Hợp được công nhận là một trong 2 nghệ nhân dệt zèng nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Cùng với nghệ nhân Ra Pat Thị Nhàn, bà Hợp đã truyền lại kinh nghiệm dệt zèng “xương máu” cho biết bao nhiêu thế hệ sau.

Để zèng vươn xa

Bà Hợp nhận định: “Zèng là một sản vật vô giá đối với dân tộc Tà Ôi, nhưng không vì thế mà nó chỉ quanh quẩn xung quanh cuộc sống của người đồng bào và chỉ có người Tà Ôi biết đến nó”.

Bằng tất cả những tâm huyết với sản phẩm của đồng bào mình, cùng với những trăn trở làm sao để đưa zèng vươn xa, năm 2012, bà đã tập hợp các mẹ, các dì, các chị ở các thôn, xã thành lập hợp tác xã (HTX) dệt zèng với 16 thành viên ban đầu. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, hiện nay số lượng thành viên HTX đã lên đến 120 người, trong đó có hơn 50 thành viên hoạt động tích cực.

Bà Hợp tâm sự: “Để mọi người thực sự biết đến zèng, tôi cùng các thành viên trong HTX luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm mới, chất lượng và gần gũi với người dân để khi mua về, người ta dễ dàng sử dụng và nhớ đến nó”.

Vì tuổi đã cao, bà Hợp đã giao cho chị Blup Thị Hà (sinh năm 1992, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế) làm Giám đốc HTX với nhiệm vụ đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng các kênh bán hàng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Chị Blup Thị Hà, Giám đốc HTX Thổ cẩm xanh azakooh cho biết: “Tôi đã trực tiếp tham khảo ý kiến của khách hàng khi tham gia triển lãm tại các hội chợ, để từ đó tìm ra hướng đi mới cho zèng. Cùng với những trang phục truyền thống, hiện nay, HTX cũng đã sáng tạo hơn 30 sản phẩm lưu niệm từ zèng như túi xách, giày dép, kẹp, cài tóc, khuyên tai, ví… với mức giá chỉ từ 50.000 đến 500.000 đồng, để mọi người có thể dễ dàng mua làm quà tặng người thân, bạn bè”.

“Trong thời gian tới, tôi cũng sẽ tích cực tìm hiểu, học hỏi thêm những kinh nghiệm về bán hàng online, mở rộng kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử để zèng ngày càng vươn xa, ngày càng được nhiều công chúng đón nhận”, chị Hà chia sẻ.

Bài, ảnh: Bạch Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gen Z dệt zèng

Những hoa văn trên thổ cẩm zèng qua đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Tà Ôi được nhóm các bạn trẻ nghiên cứu và số hóa thành tác phẩm nghệ thuật. Tất cả hiện ra lung linh, huyền ảo như kết nối giữa truyền thống với công nghệ của thời đại số.

Gen Z dệt zèng
Mang trên người thổ cẩm gấm hoa

Từ một nghề thủ công gắn liền với đồng bào vùng cao, dèng trở thành sản phẩm khởi nghiệp, kinh doanh của nhiều bạn trẻ. Khoác lên mình trang phục truyền thống, giờ đây người A Lưới tự hào khoe với bạn bè bốn phương bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Mang trên người thổ cẩm gấm hoa
Người trẻ và Zèng

Những hoa văn, họa tiết trên Zèng hay những sản phẩm nhỏ nhắn được làm ra từ Zèng của các nghệ nhân người Tà Ôi ở vùng cao A Lưới chưa khi nào cuốn hút như bây giờ. Không chỉ cầm trên tay sản phẩm, những người đem lòng yêu nét đẹp truyền thống này còn tìm đến những bản làng xa xôi để diện kiến quy trình ra đời của chúng.

Người trẻ và Zèng
Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

Hàng chục sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang từ TP. Hồ Chí Minh đã có những ngày trải nghiệm thú vị khi được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới).

Sinh viên TP Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

TIN MỚI

Return to top