ClockThứ Ba, 04/04/2023 14:54

“Cỏ thơm có giống thạch xương bồ”

TTH - Nghe nói ở đầu nguồn tả, hữu trạch có loài cỏ thạch xương bồ rất thơm mọc dưới nước nên nước sông Hương có mùi thơm (sông Hương - sông Thơm). Bấy lâu nay tôi chỉ nghe nhắc đến loài thảo hương này gắn liền với truyền thuyết nguồn gốc tên gọi sông Hương, chứ chưa hề tận mắt nhìn thấy chúng.

Huyền thoại cỏ thơm thạch xương bồ

leftcenterrightdel
 Ngày càng nhiều người đam mê sưu tầm, trồng cỏ thạch xương bồ. Ảnh: Bảo Phước

Cụ Vân Bình Tôn Thất Lương (1887 - 1951) là một vị hoàng tộc uyên thâm sử học và văn học cổ điển Việt Nam có viết trong bài Hành Hương giang rằng: "Sông Hương phát nguyên từ hai nguồn tả, hữu trạch, nguyên từ miền thượng lưu tỉnh Thừa Thiên, quanh co gành bãi ruộng vườn, chảy qua kinh thành, đến cửa Thuận An rồi ra Đông Hải, hai bên bờ tả, hữu trạch có giống "thạch xương bồ", là một vị thuốc trường sanh, có mùi thơm, mọc hai bên bờ khe, nước khe lần hóa ra thơm. Hương giang (sông Thơm) bởi đó mà có danh vậy. "Cỏ thơm có giống thạch xương bồ/ Sinh ở hai miền tả, hữu trạch/ Hơi thơm dầm nước, nước trong veo/ Hợp thành sông thơm chảy róc rách".

Ấp ủ ước mơ được một lần chiêm ngắm loài cỏ kỳ thú này mà mãi vẫn chưa có dịp. Tuy nhiên, lần này tôi đã tình cờ được chiêm ngắm chúng trong một ngôi chùa cổ cách trung tâm thành phố chừng 7km. Thầy Thích Chánh Đức, một người tu hành ở chùa Khánh Vân thuộc làng Lựu Bảo là vị sư trẻ nhưng rất chăm lo tu tập, rèn luyện kinh sách. Cách nay hơn 10 năm, thầy bắt đầu trồng loài thảo linh này trong những viên đá tổ ong. Thầy cho biết, trồng loài cây này không khó lắm, chỉ cần bỏ một chút bùn vào khe viên đá tổ ong, rồi lấy thân cây có rễ dính vào đó. Một thời gian, rễ cây bám vào đá và hút nước để sinh tồn. Cây sống chỉ nhờ đá và nước, không quá bám chấp, đời sống không cầu kỳ nhưng lại cao khiết. Màu xanh của lá hiền hòa, mát mắt, hương thơm dịu nhẹ gợi cho những ai có dịp tiếp xúc dấy lên những suy nghĩ nhẹ nhàng, thiện tâm. Người tu hành vốn quen thanh bạch, thích những điều bình dị, sống tối giản nên thầy nghĩ loài cây này thích hợp để trồng trong chùa.

Những chậu thạch xương bồ hiện diện khắp nơi trong vườn chùa, gây sự tò mò cho rất nhiều tín đồ phật tử. Nhiều người giống như tôi đều tỏ ra thích thú khi được cho biết đây là loài cỏ thạch xương bồ và bày tỏ: "Nghe tên lâu rồi nhưng nay mới được gặp!".  Xin phép thầy cho tôi được ngắt một nhành lá nhỏ, thử vò nhẹ trên tay thì thấy một mùi hương dịu dàng rất riêng, phảng phất mùi quế và lưu hương rất lâu. Thạch xương bồ có tên khoa học là Acorus gramineus, còn được biết đến là loài thảo dược dùng để an thần, giảm sốt, điều trị các chứng phong thấp, tẩy uế, trục đờm. Theo đông y, lá thạch xương bồ phơi khô, gặp người ngất xỉu chỉ cần hơ nóng rồi để người bệnh hít vào sẽ tỉnh lại ngay... Thân có nhiều đốt, lá xanh dạng kim, buổi sáng thường rất thơm và thích nghi với nước để sống.

Thạch xương bồ ở chùa Khánh Vân được thầy trồng trên những viên đá tổ ong, đặt trong những chiếc chậu với nhiều kiểu dáng khác nhau. Phải chăng loài linh thảo này vốn mang truyền thuyết thiêng liêng của dòng Hương, hay do được bàn tay người tu hành thiện tâm thổi hồn vào từng nhánh lá nên tôi nghe như trong gió có dòng sông dịu dàng lững lờ uốn quanh, mang theo mùi thơm từ những nhành cỏ xanh hiện hữu trong mỗi chậu thạch xương bồ.

Thú chơi thạch xương bồ có từ thời Minh Mạng nhưng sau đó mai một dần và chỉ phổ biến lại thời gian gần đây, nhưng người biết đến loài thảo linh này chưa nhiều. Thạch xương bồ là loài cây đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mẩn, nhưng tôi nghĩ điều này có khi lại hóa hay bởi vì nó tập cho ta tính nhẫn nại, ôn nhu, kỹ lưỡng. Ngày xưa loài linh thảo này được các bậc vua chúa, sĩ phu, văn nhân rất yêu chuộng và chọn cây này để trang trí trong hoa viên, thư phòng. Những người vốn thích gần gũi thiên nhiên thì đây là loài cây thích hợp để tạo cho không gian thêm hài hòa, cho tâm hồn an nhiên thư thái. Nếu được uống trà bên cạnh chậu thạch xương bồ dung dị nhưng thanh cao, thiết nghĩ còn thú chơi nào trên đời tao nhã hơn nữa.

Rời chùa Khánh Vân, chúng tôi mang theo hình ảnh người tu sĩ trong áo nâu sòng ân cần chăm sóc những chậu thạch xương bồ. Có lẽ hàng ngày được thấm nhuần lời kinh tiếng mõ, được tưới tắm dưới ánh từ bi nơi cửa thiền nên những chậu linh thảo này luôn xanh tốt, đầy sức sống chăng?

Dừng chân ngang bến sông trước chùa Thiên Mụ, ngắm dòng Hương trôi lặng lờ như một dải lụa mềm mại uốn mình quanh thành phố, tôi và người bạn không ai bảo ai vốc một ngụm nước sông, uống cạn. Một thoáng chúng tôi lặng im nhìn nhau, nghe trong từng mạch nguồn xúc giác những gì thơm tho nhất, tinh túy nhất của loài cỏ cây gắn với truyền thuyết sông Hương chảy tràn qua huyết quản. Không hẹn mà chúng tôi đều thốt lên: Sông Hương của mình đẹp quá, và thơm thật là thơm!

TRANG THÙY
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”
Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

TIN MỚI

Return to top