ClockThứ Sáu, 11/11/2022 07:03

Mở đường cho sản xuất lớn

Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên 15 lần so với hạn mức được giao; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất hàng năm, là những nội dung Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và được thảo luận sôi nổi tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đất là là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, không thể thay thế. Vì vậy vấn đề sở hữu đất đai có ý nghĩa quyết định trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Dưới chế độ phong kiến, đất đai chủ yếu tập trung vào tay các quan lại, địa chủ, đại đa số nông dân không có ruộng, phải thuê lại của địa chủ và bị bóc lột địa tô nặng nề. Khẩu hiệu “dân cày có ruộng” đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng.

Từ sau Cách mạng Tháng 8/1945 đến nay, vấn đề quản lý, sử dụng đất đai của nước ta có nhiều thay đổi, từ chia ruộng đất cho dân đến sản xuất hợp tác xã, chính sách khoán 10, khoán 100, giao quyền sử dụng đất cho nông dân… Tuy cách thức quản lý khác nhau, nhưng đều nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của đất trong từng giai đoạn và điều kiện, trình độ sản xuất của nền kinh tế và người dân.

Luật Đất đai năm 2013 quy định, “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định luật này”. Thực tế qua gần 20 năm thực hiện Luật Đất đai 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế khiến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững.

Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Với định hướng, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là vấn đề cấp thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh. Phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Trong Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, dư luận và người dân, doanh nghiệp mong mỏi là tháo gỡ được các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế trong lĩnh vực đất đai phù hợp với cơ chế thị trường; mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tháo gỡ các điểm nghẽn này sẽ đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn và mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khai thông được vấn đề này sẽ tạo tiền đề, mở đường cho sản xuất lớn, nhất là sản xuất quy mô lớn, hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao để tăng năng suất, giá trị hàng hóa nông sản, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang Tết đến cho người lao động

Các cấp công đoàn đang ra sức triển khai nhiều chương trình thiết thực để mang đến cho người lao động một mùa xuân trọn vẹn và ấm áp khi Tết đang cận kề.

Mang Tết đến cho người lao động
Khẩn trương thực hiện cho vay nhà ở theo Nghị quyết 33

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 55/NHNN-TD gửi chín ngân hàng thương mại yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ.

Khẩn trương thực hiện cho vay nhà ở theo Nghị quyết 33
Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất

Nhằm nâng cao hiệu quả canh tác và phát triển ngành nông nghiệp địa phương, thời gian qua, UBND huyện A Lưới thường xuyên phối hợp với Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) kiểm tra, rà soát và bố trí kinh phí để từng bước đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn.

Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất

TIN MỚI

Return to top