ClockThứ Ba, 31/10/2017 16:37

Giải quyết việc làm trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0

TTH.VN - Đó là nội dung bài phát biểu của ông Phan Ngọc Thọ, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2017, kế hoạch năm 2018 diễn ra chiều 31/10.

Quốc hội tiến hành phiên thảo luận về kinh tế- xã hội ngày 31/10

Mở đầu bài phát biểu ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, những khó khăn của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2017 là thách thức trong điều hành nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% vào cuối năm 2017. Đồng thời cho biết, cử tri vui mừng với những kết quả khởi sắc, khá toàn diện của các chỉ tiêu phát triển trong quý 3, tạo cơ sở phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững, ông Phan Ngọc Thọ nêu rõ: Cơ cấu lại nền kinh tế bước đầu phát huy hiệu quả thể hiện rõ nét trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ nét, do đó cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ trong cơ cấu lại ngành gắn với phát triển bền vững nông nghiệp, lấy giá trị sản xuất trên diện tích canh tác để đánh giá hiệu quả sử dụng đất, thích ứng với cơ chế thị trường.

Dư địa tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo sẽ không còn nhiều, nếu không tiếp tục tập trung cơ cấu lại nhằm khơi dậy nguồn lực trong dân và doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ đang là cơ hội nâng cao giá trị gia tăng trong lĩnh vực chế tạo, chế biến hiện còn nhiều bỏ ngõ ở nước ta. Chính phủ cần có lộ trình cụ thể, khả thi xử lý dứt điểm các dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, không có khả năng cơ cấu lại nhằm hạn chế hậu quả lâu dài, nâng cao năng lực ngành sản xuất chế tạo, chế biến.

Chất lượng tăng trưởng là mục tiêu xuyên suốt

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội  tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại Quốc hội chiều 31/10

Khẳng định chất lượng tăng trưởng phải là mục tiêu xuyên suốt, trước mắt cũng như lâu dài, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, việc giải quyết việc làm cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm. “Phải tính yếu tố lâu dài cho chất lượng tăng trưởng là năng suất lao động và nguồn nhân lực. Những nhân tố này không những bảo đảm chất lượng tăng trưởng kinh tế mà còn là yếu tố ổn định xã hội thông qua tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Cần rà soát tổng thể chương trình giải quyết việc làm gắn liền với giải pháp nâng cao năng suất lao động, đảm bảo sự đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Tạo việc làm và tăng năng suất lao động là trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt vai trò của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh”- ông Phan Ngọc Thọ nêu.

Có giải pháp khắc phục những bất hợp lý trong cơ cấu lao động, cơ cấu đào tạo đại học và dạy nghề. Không có thương hiệu, thiếu sáng tạo, chất lượng lao động, hàm lượng công nghệ trong sản xuất thấp… là những nguyên nhân làm cho giá trị sản xuất của lực lượng lao động ở Việt Nam khó cải thiện, năng suất lao động khó bắt kịp các nước phát triển trong khu vực. “Tăng năng suất lao động đang là thách thức của nền kinh tế Việt Nam, cần thay đổi quan niệm về lợi thế của lao động giá rẻ khi chúng ta đang ở giữa cuộc cách mạng 4.0”- ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Phát huy vai trò chính quyền phục vụ trong cung cấp dịch vụ công

Khẳng định cung cấp dịch vụ hành chính công là trách nhiệm quan trọng của các cấp chính quyền đối với người dân và doanh nghiệp, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng: Cải cách hành chính đang được Chính phủ tập trung chỉ đạo, tuy nhiên sự phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa được đồng bộ đã làm hạn chế hiệu quả tổ chức thực hiện. Công tác hiện đại hóa nền hành chính nhằm thúc đẩy kết nối, chia sẽ thông tin phục vụ liên thông giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) chưa được thật sự quan tâm đã làm cản trở quá trình, hiệu quả giám sát thực thi công vụ, giảm chi phí không chính thức- một mục tiêu quan trọng của quá trình đơn giản hóa giải quyết TTHC cho công dân, doanh nghiệp.

Ông Phan Ngọc Thọ đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh Nghị định 09 về cơ chế một cửa, một của liên thông, nhằm khẳng định mô hình Trung tâm Hành chính công cấp huyện, cấp tỉnh đã được triển khai trong thực tiễn nhằm thực hiện 3 mục tiêu: Người dân, doanh nghiệp muốn giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của các cơ quan tại địa phương chỉ cần đến một nơi để nộp và nhận kết quả bao gồm thủ tục thuộc thẩm quyền của địa phương và cơ quan trung ương trên địa bàn; chính quyền địa phương giám sát khách quan, độc lập hoạt động giải quyết TTHC của cơ quan, đơn vị từ thời điểm người dân đến giao dịch tại Trung tâm; đẩy nhanh và đồng bộ quá trình số hóa, tạo lập hồ sơ điện tử công dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao tỷ lệ tham gia giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hướng tới mục tiêu công dân, doanh nghiệp chỉ nộp giấy tờ hành chính một lần khi tham gia giải quyết TTHC tại địa phương.

Bên cạnh đó, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề xuất thực hiện các biện pháp, giải pháp đảm bảo nguyên tắc, tiêu chuẩn kết nối và chia sẽ thông tin trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến các mức của các bộ, cơ quan trung ương tại địa phương nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu hồ sơ công dân, tổ chức; thúc đẩy liên thông trong giải quyết TTHC có sự tham gia của cơ quan Trung ương và địa phương. Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, sử dụng hóa đơn điện tử để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 mà hiện nay đa phần TTHC có thành phần hóa đơn đều còn quy định sử dụng hóa đơn giấy.

Xây dựng nền tảng kinh tế số

Ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, thúc đẩy chuyển đổi số là nền tảng phát triển kinh tế số đang là nhu cầu tất yếu và cũng là thách thức của quá trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, Chính phủ cần có chiến lược chuyển đổi số quốc gia trong định hướng phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực, từng sản phẩm và ở mọi cấp độ nhằm phục vụ quá trình phát triển và hiện đại hóa phương thức quản trị xã hội, quản trị nền kinh tế.

Quá trình chuyển đổi số cần thời gian, kinh phí, giải pháp kỹ thuật vì vậy cần ưu tiên thực hiện trước những lĩnh vực, đối tượng có khả năng phát huy hiệu quả, khả năng huy động nguồn lực. Thực hiện phương châm “Phân tán hướng đến tập trung” trong quá trình triển khai chuyển đổi số trên nền tảng kiến trúc Chính phủ điện tử của quốc gia.  

 Thái Bình- Quốc Vương (ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng báo, tạp chí của Đảng để thu hút độc giả

Đó là nhấn mạnh của đồng chí Lê Quốc Minh, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội nghị “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị, tích cực đổi mới, nâng cao năng lực định hướng, hiệu quả tuyên truyền gắn với việc mua, đọc, làm theo báo, tạp chí của Đảng” tổ chức sáng nay tại Tp Hồ Chí Minh.

Tăng cường đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng báo, tạp chí của Đảng để thu hút độc giả
Hãy góp “ Những viên gạch hồng”

Cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước theo dõi kỹ và đánh giá rất cao hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa tổ chức ngày 9/12 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hãy góp “ Những viên gạch hồng”

TIN MỚI

Return to top