ClockThứ Tư, 29/04/2020 06:52

Hòn Giòn, huyền thoại đong đầy nỗi nhớ

Sức sống mới ở thung lũng xanh

1. Tôi bị hấp dẫn bởi Hòn Giòn khi trong một lần gặp ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc), nghe vị cựu chiến binh kể về những năm tháng chiến tranh ác liệt của vùng đất nơi vịnh Chân Mây. Đang trong tâm trạng hưng phấn, ông Hùng bảo rằng Hòn Giòn của quê ông có kỳ tích không kém chi Hòn Đất gắn với nhân vật chị Sứ đã trở thành huyền thoại đánh Mỹ mà bao thế hệ học trò đều biết đến qua trang sách của nhà văn Anh Đức. Và ông Hùng rất tự hào.

Hòn Giòn nằm sát vịnh Chân Mây. Ảnh: tintuc.hues.vn

Và, tôi lần tìm theo dấu tích thời gian. Huyền thoại Hòn Giòn khởi đầu từ thời kỳ chống Pháp khi những làng quê Bình An hay Cảnh Dương bị giặc đốt phá, người dân đã kéo lên Hòn Giòn vừa lánh giặc vừa tổ chức làm rẫy lấy lương thực nuôi cán bộ kháng chiến. Bước sang thời chống Mỹ, ban đầu đây là nơi lánh nạn, ẩn núp của cán bộ du kích và người dân Vĩnh Lộc (địa danh kháng chiến của ta), bao gồm Lộc Vĩnh, Lộc Tiến và thị trấn Lăng Cô bây giờ. Và rồi, bắt đầu từ năm 1965, khi cuộc kháng chống Mỹ trở nên ác liệt, Hòn Giòn trở thành căn cứ kháng chiến.

Nhìn từ Cảnh Dương hay Bình An, Hòn Giòn là dãy núi nằm sát phía nam vịnh Chân Mây, dài chừng 6 cây số, có nhiều khe suối và hang động, có hang động sâu tới 15m và dài chừng 500m, như Ông Hờ, Đá Nhà, Đá Bàn… Hang Đá Nhà được xem là tuyệt tác của thiên nhiên, do những tảng đá granite chồng lên nhau tạo nên. Hang có chiều dài 200m, nằm ở độ cao 250m của núi Giòn. Hang có 1 mái vòm cao hơn 2m, phía trong có nhiều tảng đá. Thông vào phía trong là một khe đá nhỏ, muốn di chuyển phải bò qua. Trong hang có một khe nước đủ phục vụ cho hàng trăm người. Địa thế đó đã giúp cho hang Đá Nhà - Hòn Giòn nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của lực lượng cách mạng ở Phú Lộc bấy giờ.

2.  Trong ký ức của bao người, sau Mậu Thân 1968 là thời điểm chiến tranh khốc liệt. Kẻ địch cho dồn dân ở các thôn vùng giải phóng trước đó (nay thuộc xã Lộc Vĩnh) lên tập ở Trung Kiền (Lộc Tiến). Cán bộ và du kích Vĩnh Lộc rút vào Hòn Giòn bám đất để bám dân lãnh đạo chống chiến lược bình định của địch. Hòn Giòn trở thành mục tiêu tấn công của địch. Lúc này, nhiều cán bộ và đảng viên Vĩnh Lộc lùi lại tuyến sau, còn lại một số tinh nhuệ bám trụ và thành lập đội công tác vũ trang, gồm 2 mũi. Ông Hùng thuộc biên chế mũi B, có căn cứ là Hòn Giòn, và năm 1970 là mũi trưởng kiêm Bí thư Chi bộ.

Đó là những tháng ngày thật khó quên. Ông Hùng nhớ lại, không có ngày nào địch không càn quét, thả bom và bắn phá nơi đây. Không chỉ dùng mìn đánh phá, dùng bom rải thảm, kẻ địch còn thả chất độc xuống hang Giòn hàng chục tấn để diệt trừ sự sống. Thế nhưng, vẫn bất lực. Có trận càn, địch ngập tràn ở bên trên cả đại đội nhưng quân ta nằm trong hang sinh hoạt, ăn ở và chiến đấu, chúng biết rõ, tìm đủ mọi cách tiêu diệt mà không làm gì được, phải lặng lẽ rút lui. Liên tưởng của ông Hùng và đồng đội khi so sánh Hòn Giòn với Hòn Đất (được viết năm 1965) bắt đầu từ đó.

Hòn Giòn không chỉ giỏi chịu đựng mà còn biết cách tự vệ, chủ động tấn công địch. Từ năm 1969, đại đội công binh của Anh hùng Trịnh Tố Tâm cùng du kích địa phương tổ chức đánh phục kích và tập kích nhiều đoàn tàu, xe địch trên tuyến Quốc lộ 1A đi qua phía nam Phú Lộc. Khích lệ bởi những thắng lợi đó, du kích địa phương và bộ đội đã gài hàng trăm quả mìn xung quanh Hòn Giòn; tổ chức các bãi mìn ở những điểm xung kích, nơi địch đổ quân và đóng quân, có đường đi lại của ta, khiến chúng khiếp sợ vô cùng mỗi lần tổ chức hành quân càn quét.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, cùng với đèo Phú Gia và núi Cảnh Dương, Hòn Giòn tiếp tục là điểm nóng đánh phá, giành giật từng tấc đất của cả hai phía. Kẻ địch đã đưa lính biệt động về đóng chốt vùng gò dọc bờ biển, ngay dưới chân núi để kiềm chế và tổ chức các hoạt động đánh phá căn cứ Hòn Giòn. Thế nhưng, Hòn Giòn vẫn hiên ngang trụ vững và rồi, trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, chính từ nơi đây, các lực lượng cách mạng đã tổ chức tấn công và tiến ra giải phóng Thừa Lưu, Lăng Cô cùng những vùng đất cực nam của Thừa Thiên Huế.

3.  Hàng chục năm sau chiến tranh, những người làm công tác bảo tàng lịch sử đã về Hòn Giòn, được ví là Hòn Đất của Thừa Thiên Huế, khám phá và tìm hiểu. Họ đã rất bất ngờ khi phát hiện ở hang Đá Nhà nhiều dấu tích, như: bao đựng gạo, mảnh ni lông, ấm nước, chai, vỏ đạn, lựu đạn, vỏ thùng đạn, dép... Chiến tranh như mới đi qua. Hang Đá Nhà là hệ thống gồm nhiều hang nhỏ, phía ngoài cùng gọi là hang Máy May. Nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1968 - 1975 là nơi đặt bàn máy may để may vá quần áo cho cán bộ, du kích, bộ đội trú ẩn trong hang.

Từ một cán bộ cách mạng trẻ, tuổi đời chỉ mới đôi mươi khi tham gia khám chiến, giờ đã là một cán bộ hưu trí, ông Nguyễn Văn Hùng vẫn “bám trụ” ở quê hương. Lộc Vĩnh quê ông hôm nay đã thay da đổi thịt. Ngay trên vùng đất anh hùng này, cảng nước sâu và khu kinh tế - đô thị Chân Mây đang từng bước hình thành. Ông Hùng mãn nguyện và vẫn thường có những hồi tưởng đẹp về những ngày Hòn Giòn của nửa thế kỷ trước. Nơi đó, ông có những người đồng chí đã ngã xuống và những tháng ngày gian khổ mà hào hùng. Và với ông, Hòn Giòn bây giờ vẫn đang trong tầm mắt, một huyền thoại đong đầy nỗi nhớ.

Đình Nam

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chân Mây ngày ấy, bây giờ

Đầu xuân 1976, tôi theo Bí thư Huyện ủy Phú Lộc ông Lê Thái Tâm về xã Lộc Vĩnh, tiện thể được ông dẫn đi thăm nơi Phú Lộc dự định sẽ xây một con đập. Từ cửa Kiễn, chiếc U-oat chạy một mạch qua bãi cát phẳng lì và dừng lại bên bờ bắc của con lạch có tên là Chu Mới.

Chân Mây ngày ấy, bây giờ
Giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của bão số 6 đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, các đơn vị tăng cường lực lượng xuống địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả.

Giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ
Thêm 1 tàu hàng trật bánh tại khu gian Thừa Lưu-Lăng Cô

Thông tin từ ngành đường sắt tại Thừa Thiên Huế cho biết vào sáng 29/9, vào lúc 21h21 ngày 28/9, tàu AH1 đầu máy D18E 603, thuộc Xí nghiệp đầu máy Vinh kéo 21xe với trọng tải chở hàng 926 tấn. Khi đến km 752+350 khu gian Thừa Lưu- Lăng Cô, đầu máy bị trật bánh trục số 01 cách mép ray 70cm bên phải theo hướng tàu chạy.

Thêm 1 tàu hàng trật bánh tại khu gian Thừa Lưu-Lăng Cô

TIN MỚI

Return to top