ClockThứ Tư, 25/09/2024 05:44

Đừng chủ quan trước và sau bão, lũ

TTH - Bão số 4 và các đợt mưa lớn đã đi qua nhưng người dân không nên chủ quan trong các hoạt động sản xuất, đi lại, nhất là đánh bắt thủy, hải sản trên biển, trên sông và đầm phá.

Việc nhỏ, ý nghĩa lớnChủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai, bão lũBài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính về phát triển kinh tế sau bão lũ

Đi qua đập tràn khi nước dâng cao tiềm ẩn nhiều rủi ro (ảnh TL) 

Tai nạn có thể xảy ra trước và sau bão, lũ

Điều đáng mừng là trước, trong bão số 4 và các đợt mưa lũ vừa qua không gây thiệt hại lớn đến sản xuất, hạ tầng, đặc biệt là tính mạng người dân. Tuy nhiên, kinh nghiệm qua những năm trước, cơ quan chức năng cảnh báo nhiều nguy cơ, tiềm ẩn tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra sau bão, lũ. Thường trong đợt bão, lũ ít xảy ra tai nạn, thậm chí không có trường hợp thương vong nhưng trước, hoặc sau thiên tai lại để xảy ra tai nạn thương tâm.

Tại xã Phong Hải (Phong Điền) cách đây mấy năm đã có một người dân bị ngã trong lúc giằng chống nhà cửa dẫn đến tử vong. Hay tại một số địa phương vùng trũng Quảng Điền, Phong Điền… từng xảy ra tai nạn chết người, bị thương lúc giằng chống nhà cửa, đánh bắt thủy sản trước và sau bão, lũ. Hầu hết những trường hợp tai nạn đều do ý thức, sự chủ quan của cá nhân, gia đình trong việc quản lý, nhắc nhở để người thân lội lũ, đi qua đập tràn, những vùng nước chảy xiết, đánh bắt thủy sản trên sông, đầm phá.

Mùa bão, lũ mới bắt đầu. Cơn bão số 4 và các đợt mưa vừa rồi tương đối nhẹ. Tuy nhiên, trên biển hiện vẫn còn sóng to, gió mạnh, trên đầm phá cũng chưa thật sự an toàn cho các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản. Người dân cần phải thường xuyên theo dõi thời tiết trên biển để có biện pháp khai thác hải sản một cách phù hợp, tránh tai nạn đáng tiếc. Thực tế, tại các vùng ven biển trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra nhiều vụ chìm thuyền, hư hỏng ngư cụ, ngư dân bị thương mỗi khi cố gắng “hầu sóng” sau những ngày bão, biển động mạnh vừa đi qua.

Ngư dân phải chấp hành lệnh, quy định của các cấp, ban ngành, chính quyền địa phương trong quá trình khai thác hải sản trên biển sau bão. Bà con chỉ được phép ra biển, vươn khơi khi có lệnh cho phép của tỉnh. Khi được phép ra khơi phải trang bị đầy đủ các thiết bị, phương tiện đảm bảo an toàn trong quá trình đánh bắt như mặc áo phao, phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, kiểm tra máy móc an toàn trước khi ra biển.

Phải chấp hành quy định

Trên đầm phá sau bão, lũ thường xảy ra lốc tố nên ngư dân cần đề phòng, cảnh giác trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản. Vùng đầm phá không rộng lớn, mênh mông như biển khơi, nhưng ngư dân cũng cần phải trang bị đầy đủ áo phao, phao tròn… trong quá trình hoạt động để phòng ngừa tai nạn. Khi nghe dự báo thời tiết có giông lốc thì nên tránh đánh bắt vào thời điểm đó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Ông Nguyễn Trọng Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải thông tin, vào mùa mưa bão, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành quy định về đảm bảo an toàn trong đánh bắt hải sản ven bờ. Đặc biệt sau bão, cán bộ xã, thôn thường xuyên tuần tra, giám sát nhằm ngăn chặn người dân đánh bắt khi biển còn động mạnh, chưa thật sự an toàn cho các phương tiện và ngư dân. Cùng với sự giám sát của địa phương và chấp hành tốt của ngư dân, những năm trở lại đây trên địa bàn xã Phong Hải chưa để xảy ra tai nạn đáng tiếc nào.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi (Quảng Điền) chia sẻ, mặc dù có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, giám sát, nhưng mấy năm gần đây vẫn có một số ngư dân lén lút đánh bắt thủy sản trên đầm phá, trên sông khi chưa có sự cho phép của chính quyền địa phương. Mùa bão, lũ năm nay, cán bộ xã, các thôn đến tận từng hộ ngư dân để tuyên truyền sự nguy hiểm đến tính mạng khi đánh bắt thủy sản sau bão, lũ. Xã và các thôn cũng chuẩn bị phương tiện, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng tổ chức tuần tra, nhắc nhở, cấm người dân đánh bắt thủy sản trên sông, đi lại trên đường… trong những ngày sau bão, lũ, khi thời tiết vẫn chưa thật sự an toàn.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ông Đặng Văn Hòa thông tin, cùng với phương châm “4 tại chỗ”, tỉnh đã triển khai phương châm “tự quản tại chỗ” đến từng địa phương, ban ngành, tận các thôn. Phương châm này với mục tiêu chính là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trước, trong vào sau thiên tai. Yêu cầu của “tự quản tại chỗ” là các cơ quan, ban ngành tự quản lý cán bộ; các địa phương tự bảo vệ người dân của mình; các hộ tự bảo vệ con cái, các thành viên trong gia đình; các trường học phải tự bảo vệ học sinh…

Ông Đặng Văn Hòa khẳng định: “Triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “tự quản tại chỗ” sẽ hạn chế tối đa nguy cơ tai nạn, bảo vệ an toàn tính mạng người dân”.

Bài, ảnh: Hoàng Thế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ

Rất nhiều bậc cha mẹ khi trông giữ con nhỏ vẫn còn lơ là, chủ quan, thiếu quan sát. Điều này tiềm ẩn nhiều vấn đề bất trắc có thể xảy ra mà không thể lường trước.

Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ
Nuôi cá lồng tránh lũ

Từ kinh nghiệm nuôi cá lồng nhiều năm và hướng dẫn từ ngành chức năng cùng chính quyền địa phương, người dân ở Phú Lộc đã áp dụng các giải pháp để nuôi cá lồng giảm được rủi ro, thiệt hại trong mùa mưa lũ.

Nuôi cá lồng tránh lũ
Ngày 19/11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định trong 6 giờ qua (từ 23 giờ ngày 18/11 đến 5 giờ ngày 19/11) đã có mưa vừa, mưa to như: Bạch Mã 131,4mm, A Lưới 116,8mm (Thừa Thiên Huế); Trà Leng 110,2mm, Trà Dơn 76mm (Quảng Nam); Trà Thanh 66,4mm (Quảng Ngãi); Bồng Sơn 53,1mm (Bình Định)...

Ngày 19 11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định

TIN MỚI

Return to top