ClockThứ Năm, 28/01/2021 08:33

Đầu tư cho văn hóa di sản

TTH - Cùng với những nỗ lực “hồi sinh” di sản, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa để phát triển đô thị dựa trên nền tảng văn hóa di sản theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Nền tảng quan trọng cho thành phố trực thuộc Trung ươngDu lịch Huế hướng đến đẳng cấp, chất lượng dựa vào văn hóa, di sản

Sản phẩm du lịch lễ hội là một thế mạnh của Huế. Ảnh: Đức Quang

“Hồi sinh” di sản

Ngày đầu năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khai trương không gian Ngọ Môn sau khi được phục hồi toàn diện từ dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn giai đoạn 2. Dự án được đầu tư tổng kinh phí khoảng 44 tỷ đồng, thực hiện tu bổ các hạng mục: Sơn thếp toàn bộ cấu kiện gỗ lầu Ngũ Phụng (hai tầng nhà chính và Tả, Hữu Dực Lâu) bằng kỹ thuật sơn truyền thống; tu bổ hạ tầng xung quanh khu vực Ngọ Môn, như: sân, mặt cầu qua hồ Kim Thủy, cầu Trung Đạo, hệ thống lan can hồ Kim Thủy, hồ Thái Dịch, bia “Khuynh cái hạ mã”, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, nội thất...

Ngoài chức năng là cổng chính ra vào Hoàng Cung, Ngọ Môn còn là lễ đài trong nhiều sự kiện trọng đại của triều đình nên luôn được quan tâm trùng tu, sửa chữa. Sau ngày đất nước thống nhất, với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế, Ngọ Môn trải qua nhiều đợt trùng tu. Đặc biệt, năm 2012, dự án trùng tu tổng thể Ngọ Môn chính thức được triển khai với số vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Đến thời điểm hiện tại, Ngọ Môn đã được phục hồi toàn diện, mang lại diện mạo khang trang cho Hoàng cung.

Điện Thái Hòa, công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn cũng sắp được bảo tồn, tu bổ tổng thể. Dự án có tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng, trong đó Chính phủ bố trí nguồn vốn 100 tỷ đồng. Theo phương án phục hồi, tu bổ và tôn tạo điện Thái Hòa, sẽ hạ giải toàn bộ mái lợp, phục hồi mái hạ, mái thượng lợp bằng ngói ống hoàng lưu ly; hạ giải toàn phần hệ khung và các kết cấu gỗ để đánh giá chất lượng từng cấu kiện và đề xuất phương án tu bổ phục hồi chi tiết; phục hồi sơn son thếp vàng toàn bộ các cấu kiện gỗ; đồng thời, tôn tạo lại hệ thống sân đường, lan can.

Sau chiến tranh, Quần thể Di tích Cố đô Huế bị tàn phá nghiêm trọng nhưng dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đạt kết quả to lớn. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, từ khi được công nhận là di sản thế giới đến nay, di tích Huế được phục hồi khá tốt. Hệ thống kiến trúc, di sản văn hóa phi vật thể tưởng như mai một đã được khôi phục lại, trở thành tài nguyên phát triển văn hóa, du lịch, xây dựng thành phố Festival.

Khoảng 130 công trình di tích lớn nhỏ được đầu tư trùng tu, bảo tồn, tiêu biểu là Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh… Hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết, bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa… đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn.

Di sản Huế được quan tâm trùng tu tạo không gian văn hóa thu hút du khách

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho rằng, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ. Di sản văn hóa không chỉ là phương tiện đưa Huế hội nhập sớm với thế giới mà đã thực sự trở thành nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội. Với vị thế đã được khẳng định, Quần thể Di tích Cố đô Huế cần được tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị, phục hồi, làm sống lại các không gian di sản, tạo sinh lực mới để góp phần đưa Huế trở lại vị trí đã từng có trong lịch sử; chuyển hóa quần thể thành hạt nhân, động lực chủ yếu trong chiến lược phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng trở thành đô thị di sản.

Sẽ đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Huế gần như không có các thiết chế văn hóa trọng điểm, trong khi một đô thị di sản, thành phố văn hóa đòi hỏi rất nhiều thiết chế văn hóa. Hệ thống nhà hát, thư viện, bảo tàng chưa tương xứng với vị thế của vùng đất. Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã thành lập cách đây 2 năm, nhưng vẫn chưa có trụ sở chính. Điều này khiến bảo tàng lỡ mất những cơ hội được đầu tư hợp tác khi làm việc với các đối tác trong nước và quốc tế. Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh xây dựng đã quá lâu, chưa đáp ứng những yêu cầu hiện đại của một trung tâm tổ chức sự kiện...

Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Để hiện thực hóa chủ trương này, phải có các thiết chế văn hóa để khai thác, phát huy giá trị. Vì thế, cấp thiết phải có chiến lược đầu tư xứng đáng để có hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại; đưa Huế trở thành nơi khai thác tốt các giá trị di sản, tiềm năng văn hóa, nơi tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, nghệ thuật.

TS. Phan Thanh Hải cho rằng: “10 năm tới là khoảng thời gian chúng ta phải đầu tư rất nhiều thiết chế văn hóa. Một trung tâm văn hóa, trung tâm hội nghị quốc tế tương xứng; nhà hát cũng phải thật đẹp; bảo tàng, thư viện cũng là những nơi hấp dẫn có thể thu hút khách tham quan. Những công trình này phải được đặt ở những vị trí đẹp nhất, có thể đầu tư từng bước nhưng quy mô đầu tư xây dựng phải hướng đến tầm nhìn lâu dài 50-100 năm, khi Huế sẽ là một trung tâm văn hóa lớn, không chỉ ở khu vực mà cả châu Á và thế giới”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1

Ngày 7/1, chủ đầu tư dự án Osaka Huế thông tin, đơn vị đã nhận giao đất đợt 1 để đầu tư thực hiện dự án khu dân cư tại khu quy hoạch LK8, LK9, CX11 và CC5 thuộc khu A, Khu đô thị mới An Vân Dương, thành phố Huế.

Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1
Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư

Trên địa bàn thành phố Huế hiện có 8 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên. Nhiều âu thuyền nhỏ, vũng neo đậu tự nhiên ở các vùng ven biển, đầm phá đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư hạ tầng, ảnh hưởng đến việc phát triển hậu cần nghề cá và du lịch địa phương.

Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư
Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á

Châu Á là khu vực thương mại hội nhập cao thứ hai thế giới sau Liên minh châu Âu (EU), với gần 57% giá trị thương mại có nguồn gốc từ khu vực này, tăng 3% trong 20 năm qua, trái ngược với sự sụt giảm được ghi nhận ở các khu vực khác.

Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á
Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo

TIN MỚI

Return to top