ClockThứ Ba, 01/02/2022 14:00

Cơ chế đặc thù cho Tam Giang

TTH - Đó là gợi mở của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp lần thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 11/10, để xem xét, cho ý kiến nội dung Tờ trình của Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Huyết mạch” vùng đông đã mởHướng đi mới từ hợp tác xã du lịch cộng đồngTạo mô hình sinh kế bền vững cho ngư dân vùng đầm phá Tam Giang-Cầu HaiĐầu tư 105 tỷ đồng xây dựng đường tây phá Tam Giang-Cầu HaiTam Giang và sự tiếc nuối của Chủ tịch Quốc hội

Trên phá Tam Giang

Những trải nghiệm

Tôi từng có cuộc trải nghiệm tuyệt vời trên phá Tam Giang. Một đêm, các bạn ở làng An Xuân, xã Quảng An (Quảng Điền) rủ đi đạp cua trên phá. Ngày đó, làng An Xuân cách phá Tam Giang chừng 10 phút đi bộ. Mực nước mặt phá sâu chưa đến đầu gối, chi chít những ánh đèn soi của ngư dân như bầu trời sao lấp lánh. Cách đạp cua rất đơn giản. Cứ lội bộ như vậy, những chú cua chậm chạp vô tình gặp phải bước chân người bị nén xuống bùn không ngo ngoe được, cứ thế lần tay xuống mà bắt bỏ vào oi. Không chỉ có cua, những con cá ong hương, cá đối, tôm… hoảng loạn bị vướng vào rong cũng bắt được.

Sau hơn giờ đồng hồ, thành quả đã một nồi to được luộc ngay trên bờ phá. Gia vị chẳng có gì, chỉ có muối ớt nhưng vị ngon ngọt đậm đà thật khó nói hết. Mớ cá bắt cùng cũng được luộc luôn để chấm muối ớt nhưng thật lạ là chẳng tanh tí nào. Anh bạn giải thích, cá trên phá đang còn tươi đem luộc liền thì không bị tanh, kể cả con cá đuối vốn tanh nhất nhưng khi còn tươi đem luộc chấm nước mắm gừng thì không gì ngon bằng… Bây chừ nhớ lại, nếu tổ chức một tour du lịch trải nghiệm như thế, chắc khách sẽ rất thích thú.

Tôi đã đi đò dọc trên phá Tam Giang để đến nhà người bạn vùng Ngũ Điền. Xuất phát từ bến đò Đông Ba lúc 2 giờ chiều vậy mà gần tối mới đến chợ Điền Hải. Hành trình lênh đênh trên phá mới cảm nhận hết sự mênh mông kỳ vĩ của phá Tam Giang; cảm nhận sự mới lạ trong cuộc sống sinh hoạt của cư dân vùng đầm phá. Thuyền đò tấp nập đang hướng về các bến. Các bến đò mang tên Cồn Tộc, Cồn Gai, Chợ Biện… vừa gần gũi, vừa xa xôi, không chỉ phản ánh đời sống phong phú gắn liền với cư dân vùng đầm phá mà còn có gì đó bí ẩn, gợi sự tò mò để du khách khám phá.

Vùng đầm phá Tam Giang không chỉ có sản vật phong phú mà nơi còn hội tụ nhiều di tích lịch sử đa dạng, phong phú nhiều tầng lớp. Với lịch sử hình thành gắn liền với bao biến cố thăng trầm của vùng đất Thuận Hóa, lại từng là địa bàn cư trú của người Chăm nên các khu dân cư bên phá Tam Giang còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử có giá trị, cùng với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng… giao thoa giữa 2 nền văn hóa Chăm – Việt. Nhiều di tích gắn liền với những câu chuyện cả trong chính sử và dân gian, ly kỳ và hấp dẫn như chuyện phiến đá ẩn thân của nữ thần Thái Dương, đang được dân làng Thái Dương (Thuận An) tôn kính thờ phượng, vì thường giúp đỡ dân làng thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều sản vật. Nữ thần Thái Dương còn nhận được chức tước của triều Nguyễn “Thái Dương linh ứng Đoan Thục Phu Thuận Trinh Tú Huệ Đức Cẩn Hạnh phu nhân chi thần” vì đã giúp gió đưa thuyền kịp vận chuyển quân lương cho binh sĩ nơi biên giới. Hay sự tích Bà Tơ cứu chúa chạy thoát khỏi vòng vây từ việc dâng một mớ tơ để buộc quai chèo trong một trận thủy chiến trên phá Tam Giang; sau không chỉ bà mà dân làng Bác Vọng được ban thưởng mặt nước đầm phá để mưu sinh…

Những câu chuyện đơn cử dù có phần liêu trai nhưng là những truyền thuyết có giá trị; đồng thời khẳng định Tam Giang vốn rất hùng vĩ, là một chiến trường trong lịch sử của dân tộc; và biết đâu sẽ là phim trường trong tương lai.

Từng bước phát huy giá trị vốn có

Theo các nhà nghiên cứu, Tam Giang - Cầu Hai có tính đa dạng sinh học rất cao, xứng đáng là một bảo tàng nước, bảo tàng sinh học. Kết quả điều tra gần đây đã thống kê được tổng số loài tại khu vực này là 1.296 loài; trong đó có 41 loài quý hiếm, gồm 295 loài thực vật phù du, 50 loài thực vật bậc cao, 73 loài rong và thực vật thủy sinh, 119 loài động vật phù du, 215 loài động vật đáy, 361 loài cá và 137 loài chim.

Có một giai đoạn, hệ đầm phá này bị xâm hại nghiêm trọng; theo đó, nguồn tài nguyên cũng bị cạn kiệt. Thời gian gần đây, được sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành từ Trung ương đến địa phương; các tổ chức quốc tế; nhất là ý thức của người dân... hệ sinh thái Tam Giang - Cầu Hai từng bước được phục hồi.

Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1955/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020” Theo đó, một số cơ chế, chính sách cho vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cũng được quan tâm như: Ưu tiên đầu tư cho các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng về giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, xóa đói, giảm nghèo phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường… Trước đó, Dự án khu bảo tồn đất ngập nước cửa sông Ô Lâu được tỉnh đề xuất xây dựng với diện tích quy hoạch hơn 11.300 ha. Trong đó, vùng lõi có diện tích khoảng 400 ha gồm đất mặt nước và đất ngập nước thảm cỏ nằm ở huyện Quảng Điền. Năm 2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 495/QĐ-UBND phê duyệt Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai; tạo hành lang, cơ sở pháp lý hết sức vững chắc để các tổ chức, cá nhân tham gia, nâng cao chuỗi giá trị vốn có mà phá Tam Giang - Cầu Hai đã từng mang lại. Nhiều nỗ lực đã giúp cho Tam Giang từng bước hồi sinh, tôm cá đã ngày một nhiều hơn và các loài chim kéo về cư trú thêm đa dạng.

Không ít tour du lịch trên phá Tam Giang, các tour du lịch sinh thái khám phá các di tích, làng nghề bên phá cũng đã được nhiều đơn vị lữ hành, chính quyền địa phương quan tâm. Nếu không vì ảnh hưởng của dịch bệnh, việc truyền thông quảng bá tốt hơn, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai - hệ sinh thái có giá trị “độc nhất vô nhị” của Việt Nam và Đông Nam Á sẽ có cơ hội để phát triển trong cơ chế đặc thù của đặc thù.

Bài: Đặng Thành

Ảnh: Nguyễn Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa nước nổi bên chân phá

Với những ai sống bên vùng chân phá Tam Giang, hẳn là năm nào cũng trải qua một vài đợt lũ lụt. Mùa lũ lụt tất nhiên sẽ hằn thêm nhiều lo âu về đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng, nhưng cũng là cơ hội để ngư dân tăng thu nhập, bởi mỗi mùa con nước lên sẽ mang theo nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Mùa nước nổi bên chân phá
Ứng dụng dịch vụ để xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh

Ngày 12/10, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài KHCN cấp tỉnh "Nghiên cứu ứng dụng dịch vụ nông thôn thông minh để xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh với đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế" do Hợp tác xã Nông nghiệp Số chủ trì thực hiện.

Ứng dụng dịch vụ để xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh
Chuyển đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” để quản lý, khai thác tài sản công hiệu quả

Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, từ cơ chế Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương, HĐND cấp tỉnh “phân cấp” thẩm quyền sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương, HĐND cấp tỉnh “quy định” thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Chuyển đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” để quản lý, khai thác tài sản công hiệu quả
Đầm Cầu Hai

“Rất khó để lột tả hết vẻ đẹp của đầm Cầu Hai. Có thể nói đây như là một vật báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất Huế. Đây cũng là nơi mà ai đã đến thì cũng không muốn về…” – Đó là những lời “có cánh” của trang elephant travel (Công ty Du lịch Con Voi) dành cho đầm Cầu Hai, một địa danh du lịch nổi tiếng thuộc địa phận huyện Phú Lộc, cách TP. Huế khoảng 40km.

Đầm Cầu Hai

TIN MỚI

Return to top