ClockThứ Sáu, 28/06/2024 10:47

Chủ động phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ vào mùa hè

TTH - Để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro đuối nước, tai nạn giao thông, hỏa hoạn, mắc, hóc dị vật…, nhiều phụ huynh đã chủ động trang bị các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích để bảo vệ con em mình.

Phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ trong mùa hè

 Trẻ em được trang bị kiến thức, kỹ năng sẽ giúp hạn chế rủi ro về tai nạn thương tích

Mới vào hè, chị Phạm Thị Huệ (phường Phước Vĩnh, TP. Huế) đã đăng ký cho con tham gia lớp học bơi tại phường An Cựu (TP. Huế). Được huấn luyện viên kèm cặp, chỉ sau vài buổi tham gia cùng các bạn, Ngọc Thạnh, con trai chị Huệ đã có thể tự tin bơi ếch.

Chị Huệ chia sẻ: “Cứ vào hè là tôi lại lo lắng vì con rất thích nước, lúc nào cũng nằng nặc được đi bơi với chúng bạn, nhưng lại không biết bơi. Mặc dù tôi đã mua sắm áo phao cho con, thế nhưng kỹ năng bơi cũng vô cùng cần thiết. Tìm được lớp học phù hợp, tôi muốn cho con học bơi để đề phòng rủi ro, vừa có thể bảo vệ bản thân, vừa nâng cao sức khỏe và thư giãn sau một năm học tập nỗ lực”.

Cùng quan điểm với chị Huệ, anh Trần Văn Dũng (Giang Hải, Phú Lộc) trực tiếp dạy con bơi lội ngay tại biển. Anh Dũng kể: “Năm ngoái, hai em học sinh ở quê tôi bị đuối nước vô cùng thương tâm; mặc dù trong hai em, có một em bơi đã thành thục. Vì thế, vừa trang bị cho con kiến thức về bơi lội, tôi vừa chỉ con cách nhận biết những nơi sóng dữ, nước xiết, dòng chảy xa bờ”.

Với anh Dũng, đó đều là những kiến thức rất quan trọng để con của anh có thể bảo vệ mình và cả bạn bè khi tắm, bơi ở sông, suối, biển. Ngoài ra, anh còn kết hợp dạy con nhận biết và phòng tránh những nguy hiểm thường gặp như khi tham gia giao thông, cách xử lý khi bị rắn cắn, phòng tránh chập điện, cháy nổ, khi hóc dị vật.

“Những kỹ năng sinh tồn ấy được hướng dẫn rất nhiều trên mạng. Tôi chắt lọc thông tin từ những nguồn uy tín, cộng với kiến thức thực tế rồi hướng dẫn cho con. Với tôi, không bao giờ thừa khi con học thêm kiến thức mới để bảo vệ bản thân. Quanh tôi, nhiều phụ huynh cũng đã chủ động hơn rất nhiều khi dạy con học những kỹ năng này”, anh Dũng chia sẻ thêm.

Theo thống kê của Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế, trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 trường hợp trẻ em và vị thành niên từ 0 – dưới 18 tuổi bị thương tích. Trong đó nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả thương tâm như đuối nước, tai nạn giao thông, điện giật, hóc dị vật... Đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em vào dịp hè ở nước ta, với gần 2.000 trẻ em bị thiệt mạng mỗi năm. Trong đó, hơn 55% trẻ em tử vong do đuối nước, sống trong các hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Đặc biệt, nhóm trẻ từ 0 – 5 tuổi có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất và khu vực nông thôn có nguy cơ bị đuối nước cao gấp 2 lần trẻ em ở khu vực thành thị.

Nguyên nhân khiến trẻ em hay bị đuối nước là do trẻ em thiếu sự giám sát chặt chẽ của người lớn, thiếu kỹ năng bơi lội, không nhận biết được khu vực nước nông, sâu hay nguy hiểm. Cùng với đó, trẻ em thiếu sân chơi vào dịp hè trong khi môi trường sống gần ao, hồ, sông suối cũng gây ra nhiều tai nạn đuối nước đáng tiếc. Ngoài ra, nhiều hoạt động khác cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ em như khi tham gia giao thông, bỏng điện sinh hoạt, bỏng điện cao thế, bị động vật cắn, hóc dị vật.

Nhiều năm nay, các sở, ban, ngành, các hội và đoàn thể đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước ở trẻ em, từ đó góp phần đề phòng và giảm thiểu hậu quả do tai nạn thương tích. Thế nhưng, nhiều tai nạn thương tâm không may vẫn xảy ra. Bởi thế, những hoạt động tự chủ động phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ của chị Huệ, anh Dũng và nhiều phụ huynh khác là vô cùng thiết thực, kịp thời khi trang bị những kiến thức, kỹ năng để trẻ em tự bảo vệ bản thân, hạn chế rủi ro do tai nạn thương tích.

Bài, ảnh: Mai Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc phải hành động. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ “trên chính mảnh đất của mình”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước”. Các tỉnh, thành phố đang đứng trước đòi hỏi phải tạo nên được động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”
Đối ngoại Việt Nam năm 2024: Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trong năm 2024, thế giới tiếp tục quá trình biến đổi sâu sắc, có nhiều diễn biến mới, phức tạp, tác động đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Năm 2024 cũng là năm đất nước bước vào giai đoạn nước rút thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều hoạt động sôi động, đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù môi trường bên ngoài biến động, Việt Nam tiếp tục nổi lên là một "điểm sáng" hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Những thành tựu "quan trọng, có ý nghĩa lịch sử" của đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay như đánh giá của lãnh đạo chủ chốt tiếp tục được kế thừa, phát huy và góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.

Đối ngoại Việt Nam năm 2024 Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

TIN MỚI

Return to top