ClockThứ Ba, 18/04/2017 08:09

Thà một lần

TTH - Chồng một hai yêu cầu ly hôn. Vợ cố níu kéo. Nhưng xét tình cảm người chồng không còn, tòa phải xử cho ly hôn. Người vợ rơm rớm bảo “pháp luật không công bằng”. Nhưng đâu phải vậy…

Chỉ 2 đương sự trong hội trường xét xử TAND tỉnh rộng thênh. Chồng (nguyên đơn) ngồi sát bức tường phía bên này. Vợ (bị đơn) ngồi sát bức tường phía bên kia. Giữa họ là khoảng trống nặng nề. Đứa con trai nhỏ học lớp 1 chừng như cũng hiểu “tình hình” giữa cha và mẹ nên cứ tha thẩn ngoài hành lang.

Trước đây, người chồng cũng đã một lần đưa đơn đến TAND TP. Huế yêu cầu ly hôn. Quá trình thụ lý giải quyết, tòa án hòa giải, “mở” một cơ hội cho vợ chồng hàn gắn. Vụ án được đình chỉ. Thế nhưng, sau thời gian 1 năm, người chồng lại tiếp tục đứng nguyên đơn yêu cầu ly hôn, với lý do mâu thuẫn rất trầm trọng, vợ chồng không hàn gắn được. Hai người đã sống ly thân từ năm 2012 đến nay. TAND TP.Huế lại thụ lý để giải quyết. Dựa trên kết quả điều tra, xác minh; sau nhiều lần hòa giải không thành, tòa án cấp sơ thẩm quyết định, xử cho vợ chồng ly hôn, giao con chung cho người vợ trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng. Đồng thời giải quyết về vấn đề tài sản.

Người vợ kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm bác đơn xin ly hôn của chồng, xử cho vợ chồng đoàn tụ. Trước Hội đồng xét xử phúc thẩm, bị đơn trình bày: Trước khi kết hôn, chồng chị đi làm ăn xa. Cưới nhau rồi vẫn vậy, chồng chị rất ít về nhà. Trong thời gian ra miền Bắc làm ăn, chồng chị ngoại tình với người phụ nữ khác.  Mặc dù sự thể là vậy nhưng chị vẫn còn yêu thương chồng và sợ con “mất” cha.

Tòa hỏi về mối quan hệ giữa nguyên đơn và người phụ nữ trong những tấm hình mà bị đơn cung cấp, nguyên đơn cho rằng, giữa anh và cô ta chỉ là quan hệ bạn bè bình thường. Nguyên đơn yêu cầu ly hôn là vì tình cảm vợ chồng không còn. Tòa: “Vợ anh trình bày rất tha thiết, vẫn yêu thương chồng, muốn con cái có cả cha, cả mẹ. Anh có thể suy nghĩ lại về điều này?”. Bị đơn một mực cho rằng, không thể chung sống được nữa, nên hai người đã ly thân từ mấy năm nay.

Bị đơn ngậm ngùi: “Tính chồng tôi “gái góc”, tôi làm vợ là đã chấp nhận tính đó của anh rồi. Tôi chỉ biết chờ đợi thôi. Chờ anh đi chán rồi sẽ quay về, chứ nói thì anh gây gổ. Tôi nhờ tòa phân tích cho anh ấy hiểu, nếu ly hôn, bây giờ và cả sau này sẽ tác động, ảnh hưởng rất xấu đến cuộc sống của con”.

Trước những phân tích, thuyết phục của Hội đồng xét xử, nguyên đơn vẫn không “lay chuyển”. Người vợ ngồi lặng. Đứa con trai nhỏ đứng ngòai hành lang dán mặt vào tấm kính cửa, nho nhỏ gọi “mẹ, mẹ”. Người mẹ đưa tay làm dấu, bảo con đến chỗ ba. Cậu bé tần ngần lưỡng lự, nhưng cuối cùng chân vẫn không nhúc nhích. Nguyên đơn vẫn khăng khăng cho rằng không còn tình cảm với vợ, yêu cầu được “giải phóng”.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, y án sơ thẩm, xử cho ly hôn. Đứa trẻ rụt rè đợi cha ở cửa ra vào. Thế nhưng, chỉ dừng lại một lát, xẵng giọng hỏi con hôm nay sao không đi học, người cha quay lưng đi thẳng. Bị đơn rơm rớm: “Pháp luật không công bằng. Tôi có lỗi gì đâu mà tòa vẫn xử cho ly hôn.”

Chị không có lỗi. Thế nhưng, theo quy định của pháp luật hôn nhân & gia đình, đối với vợ chồng, khi mục đích hôn nhân không đạt được, thì tòa án cho ly hôn. Mặc dù vợ còn thương yêu chồng, nhưng “đối phương” hoàn toàn không còn tình cảm. Tòa án đã một lần đình chỉ vụ án, tạo cơ hội cho hai người. Thế nhưng, vợ chồng vẫn ly thân nhiều năm, tình cảm không thể hàn gắn... Giả sử tòa có “hạ bút” bác đơn của nguyên đơn, thì vợ chồng cũng không thể đoàn tụ mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác...

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Yêu thương & tâm huyết

Sự tôn vinh, kính trọng của xã hội và tình cảm thân thương thầy – trò là niềm hạnh phúc giúp cho các thầy, cô giáo vượt qua bao áp lực để làm tốt nhiệm vụ “gieo con chữ”.

Yêu thương  tâm huyết
Tình cảm đặc biệt của Người với xứ Huế

Huế không những là nơi in đậm bóng hình của Bác, nơi đọng lại những tình cảm sâu nặng, những ký ức vẹn nguyên thuở thiếu thời, mà Huế còn là một thành tố quan trọng đối với sự hình thành con người vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Tình cảm đặc biệt của Người với xứ Huế
Tình cảm gia đình và trách nhiệm công dân qua “những lá thư vượt tuyến”

Trần Hoàn, tên thật là Nguyễn Tăng Hích (27/12/1928 – 23/11/2003), nhạc sĩ tên tuổi trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Hàng trăm ca khúc của ông đã đi vào lòng công chúng ngay từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp như: Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Hoàng hôn đêm trăng… Và cả trong sự nghiệp sáng tác của ông sau này, nhiều ca khúc với âm điệu ngọt ngào, sâu lắng như: Lời ru trên nương, Nắng tháng ba, Gửi Huế, Mùa xuân nho nhỏ, Giữa mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Thăm bến Nhà Rồng, Lời Bác dặn trước lúc đi xa… mãi đọng lại trong lòng khán, thính giả yêu âm nhạc.

Tình cảm gia đình và trách nhiệm công dân qua “những lá thư vượt tuyến”
Đong đầy tình cảm “Bữa cơm tri ân”

Trong chuỗi hoạt động tri ân của Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân, “Bữa cơm tri ân” là cách thể hiện và bồi đắp thêm tình cảm gắn bó giữa lực lượng BĐBP; tuổi trẻ trên địa bàn và thế hệ đi trước, từng mang áo lính.

Đong đầy tình cảm “Bữa cơm tri ân”
Tình cảm thầy cô quyết định thành công dạy học trực tuyến

Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần dưới góc độ chuyên gia tâm lý và cũng là giảng viên, TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý và Giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế khẳng định dạy học trực tuyến có nhiều khó khăn và sự đầu tư cho bài giảng trực tuyến vất vả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sự tâm huyết, tình cảm của thầy cô với học trò mới là điều quyết định.

Tình cảm thầy cô quyết định thành công dạy học trực tuyến

TIN MỚI

Return to top