ClockThứ Năm, 16/09/2021 10:40

Tối ưu hóa tiện ích, mở cơ hội cho tiêu thụ nông sản

Sức sản xuất trong nông nghiệp Việt Nam rất lớn, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 40 tỷ USD mỗi năm. Nhưng dịch COVID-19 lần này làm nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội và khiến sức mua tiêu dùng hạn chế, xuất khẩu giảm, cộng với việc di chuyển khó khăn nên việc tiêu thụ nông sản trở nên cấp bách.

Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ “xanh, sạch và bền vững”Ổn định đầu ra cho nông sảnNông dân Phong Điền thu hoạch sắn trước mưa bãoHàng nông, lâm, thủy sản xuất siêu khoảng 3,3 tỷ USDThừa Thiên Huế: 7 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc giaPhát triển nông nghiệp, nông thôn bền vữngCơ hội để tiếp cận công nghệ mới

Dán tem kiểm định chất lượng sản phẩm tại Trang trại chuối xuất khẩu Huy Long An (ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh). Ảnh tư liệu: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Thu hoạch, tiêu thụ để đảm bảo cho chu kỳ sản xuất tiếp theo là bài toán không chỉ với nông dân, doanh nghiệp, địa phương mà còn đối với cơ quan quản lý. Sự vào cuộc của toàn xã hội đã giúp cho nông sản từng bước được tiêu thụ tốt hơn.

Khi 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam cùng phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời điểm này các địa phương đang vào vụ thu hoạch nhiều nông sản chủ lực với số lượng rất lớn như: khoảng 1 triệu ha lúa Hè Thu; trên 1 triệu tấn trái cây, rau quả và hàng trăm nghìn tấn thủy sản, thịt các loại mỗi tháng. Nguồn nhân công thu hoạch thiếu hụt, thương lái hạn chế đi thu mua, máy thu hoạch không thuê được… khiến chủ các vựa lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như ngồi trên “đống lửa”.

Ông Phạm Văn Vững chủ máy gặt đập liên hợp ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, người dân trong vùng đang thu hoạch rộ lúa Hè Thu nên bà con gọi thuê cắt lúa rất nhiều. Thời tiết đã vào mùa mưa nhiều nên ông phải tranh thủ lúc thời tiết thuận lợi thu hoạch lúa cho bà con cả ngày lẫn đêm.

Nhà ông Nguyễn Lâm, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An có khoảng 5.000 m2 đất trồng lúa. Diện tích lúa của ông đáng nhẽ được thu hoạch sớm hơn nhưng vì không có thương lái đến mua nên đã phải trì hoãn thêm. Rồi ông cũng rất mừng là nhờ tháo gỡ khó khăn của chính quyền các địa phương nên thương lái đã quay trở lại thu mua, dù giá không cao, lợi nhuận vụ này thấp đi nhưng ông vẫn vui hơn khi không phải sót ruột nhìn cánh đồng lúa ngày càng chín mà không biết làm thế nào.

Không chỉ lúa, mà trái cây, rau củ, thủy sản, lợn, gà... đều có áp lực tiêu thụ rất lớn khi sản phẩm đến thời vụ thu hoạch, xuất chuồng. Trước thực tế này, các địa phương đã nhanh chóng thành lập các tổ/đội sản xuất để dễ dàng hơn trong thu hoạch và tiêu thụ. Thậm chí các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ còn nhanh chóng thành lập đường dây nóng để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong tiêu thụ hàng hóa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã sớm thành lập Tổ công tác phía Nam và Tổ công tác phía Bắc nhằm phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của bộ. Các Tổ công tác đã có sự phối hợp chặt chẽ, liên tục cập nhật, thông tin với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý những ách tắc, vướng mắc trong các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tham mưu, kiến nghị Chính phủ các giải pháp để kịp thời tháo gỡ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Các Tổ công tác đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam và một số địa phương phía Bắc, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Tổ chức khảo sát, kiểm tra thực địa nhiều địa phương, doanh nghiệp, cơ sở chế biến, giết mổ, phân phối, tiêu thụ hàng hóa nông sản. Qua đó nhanh chóng kết nối tiêu thụ và thông tin tình hình sản xuất, nhu cầu lương thực, thực phẩm; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản.

Cũng chính từ hiệu quả trong việc kết nối tiêu thụ nông, thủy sản của Tổ công tác phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và đưa vào vận hành website kết nối cung cầu nông sản và hàng hóa các tỉnh phía Nam là https://htx.cooplink.com.vn.

Tại đây, có nhiều loại combo nông thủy sản có giá từ bình dân đến cao cấp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Qua đây, các đơn vị đã cung cấp hàng chục nghìn combo mỗi ngày. Trước nhu cầu "đi chợ hộ" rất lớn của người dân TP Hồ Chí Minh, dự kiến, số lượng đặt hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh, có thể lên tới 150.000 combo/ngày.

Tổ công tác cũng đã hình thành được 1.300 đầu mối cung ứng; khoảng 60 kho tập kết hàng hóa nông sản, thực phẩm với số lượng tiêu thụ lên đến 1.000 tấn/ngày. Nhiều đơn hàng lớn được kết nối, tiêu thụ thành công đã góp phần tích cực hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các địa phương, tạo hiệu ứng cao trong xã hội.

Hướng tới tạo nền tảng trong xây dựng cơ sở dữ liệu trong sản xuất, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản thông tin, đơn vị đã dữ liệu hóa toàn bộ 32 tỉnh thành phía Bắc về chuỗi nông sản an toàn, thống kê về sản lượng, nhu cầu thực tế và mức độ tiêu dùng của người dân của từng địa phương. Đây cũng là cơ hội chuyển đổi số trong nông nghiệp, từ đó có thể chuẩn bị cho những kịch bản sản xuất, tiêu thụ trong những trường hợp đặc biệt như dịch COVID-19 hiện nay.

Qua quá trình gỡ khó cho hoạt động tiêu thụ nông sản ở phía Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố cần triển khai ngay xây dựng chuỗi giá trị từ người sản xuất, hợp tác xã cho đến doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ. Nếu đảm bảo được những chuỗi giá trị lớn, chuỗi cung ứng sẽ hoạt động bình thường trong mọi điều kiện.

Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP (mỗi xã một sản phẩm) nhất cả nước với trên 1.000 sản phẩm. Không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng trong chuỗi sản xuất các sản phẩm này, bên cạnh các hình thức bán hàng qua website, livestream…, các sản phẩm OCOP cũng được các chủ thể đẩy mạnh trên các kênh phân phối hiện đại hay sàn thương mại điện tử.

Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam, cho biết bên cạnh việc tiêu thụ các sản phẩm nông thủy sản, tập đoàn sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP theo hai hướng. Đó là tạo một số hội thảo giới thiệu, marketing sản phẩm tại thị trường Việt Nam và thế giới. Thứ hai là sử dụng hệ thống siêu thị với thương hiệu Big C để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thị trường quyết định chứ không phải người sản xuất. Thông qua việc kết nối tiêu thụ nông sản, các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ phát đi tín hiệu thị trường từ đó kích thích nông dân sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. Việc tối ưu hóa tiện ích cho người tiêu dùng từ đó sẽ mở ra cơ hội sản xuất. Việc kích hoạt đầu cầu sẽ mở ra đầu cung. Bộ cùng các đơn vị chuyên ngành ở địa phương cũng thấy được vai trò kết nối cung cầu, tìm đến thị trường để dẫn dắt sản xuất.

Theo Tin tức TTXVN

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm là mục tiêu xuyên suốt của TX. Hương Thủy trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao
Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

Không ngừng học hỏi và đổi mới cách làm, Ngô Thị Tuyết, cô gái 9X ở xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) đã biến những phụ phẩm nông nghiệp của quê hương thành sản phẩm dầu gội chất lượng.

“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp
Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

Với điều kiện thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng và khí hậu đặc trưng của vùng núi A Lưới, xã Quảng Nhâm đã được chọn là một trong những địa bàn trọng tâm để phát triển vùng trồng dược liệu. Trong tổng diện tích 210ha của dự án tại huyện, xã Quảng Nhâm chiếm 60ha, trong đó cây gấc đóng vai trò chủ lực.

Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

TIN MỚI

Return to top