ClockThứ Hai, 13/02/2023 06:09

Áp lực của “người làm quan”

TTH - Dân gian xưa có câu: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Thành ngữ đó có ý tốt, nhưng hiểu theo mặt trái lại bao hàm thiếu lành mạnh, trở thành một hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Vị thế người dân tộc thiểu số ngày càng nâng caoBí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng Ahn Min SikNguyên tắc “win - win” và liên kết trong du lịch

Ngày 25/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Ảnh: TTXVN

1. Ngày xưa, người được bổ nhiệm làm quan hay ngày nay, cán bộ được đề bạt lãnh đạo là để nhận trọng trách làm việc cho dân, cho nước. “Người làm quan” là người có chức vụ, địa vị, có quyền lực trong xã hội. “Cả họ được nhờ” là những người có quan hệ gia đình, bà con dòng tộc, có thể rộng hơn là người trong thôn, xã, có khi còn mở rộng ra đến huyện, tỉnh… Không chỉ bà con mà còn có những mối quan hệ đồng hương, đồng học, bạn làm ăn cho đến bạn bè thân hữu trong cùng cơ quan. Cho nên hiểu “cả họ” là rất rộng.

Về mặt tích cực thì người học cao, có trình độ được bổ nhiệm làm quan, làm lãnh đạo là niềm vui không chỉ cho bản thân mà còn là niềm tự hào của bà con, làng xóm, bạn bè. Tuy nhiên, nó cũng gây áp lực không ít cho lãnh đạo nếu không đủ bản lĩnh vượt qua những quan hệ cá nhân. Vì phải cố gắng lo cho người nhà, người thân, bà con làng nước mà nhiều cán bộ sinh ra cục bộ, bỏ qua nguyên tắc, quy định trong công việc chung. Trong tổ chức, nhiều lãnh đạo cố tình bổ nhiệm “người nhà, người thân” theo kiểu “lách luật”, “ưu ái”, “đốt cháy giai đoạn”… sinh ra nhiều sai phạm trong bổ nhiệm, bố trí cấp dưới. Đó là lý giải vì sao những cán bộ trẻ, non yếu lại được ưu ái được đề bạt nhanh từ những cái “ô” nâng đỡ, che chở. Người không phải bà con cũng dựa vào đó để “chạy chức, chạy quyền”, vô tình đã biến tướng trở thành hiện tượng tiêu cực.

Mặt khác, vì lợi ích cục bộ không ít lãnh đạo đã can thiệp sâu vào làm ăn trong đấu giá, chỉ định thầu trái quy định, dành dự án, công trình có nguồn lợi lớn cho người nhà, người thân. Từ quyền lực trong tay đã cố tình bỏ qua quy định, biến những khoản làm ăn có lợi cho vợ con, anh em, nhóm lợi ích bằng dự án “sân sau”… Chưa kể cố tình tham nhũng chỉ vì mục đích cá nhân.

Lâu nay người ta thường chỉ nói đến chuyện “hành dân”, nhưng ở chiều ngược lại, chuyện “hành quan” lại như một thông lệ. Đó là những đòi hỏi, nhờ cậy của người thân, dòng họ... đối với người có chức vụ. Vì những lý do tế nhị mà ít được nói ra nhưng là hiện tượng khá phổ biến, nhất là ở làng quê. Người đời chung suy luận về ai đó có chức vụ thì đều có quyền, có nhiều tiền (ngoài khoản lương). Vậy là vô tình gây áp lực “buộc” người làm quan phải quan tâm, ưu ái đến dòng họ, làng, xã. Cán bộ càng cao thì “trách nhiệm” càng lớn, họ hàng càng được “nở mày nở mặt” với thiên hạ, được hưởng “quyền” ưu ái nhiều hơn. Mặc nhiên cán bộ có chức vụ là nhiều tiền nên phải có trách nhiệm "đóng góp" nhiều hơn người khác. Từ kinh phí nộp phải hơn người, đến lo công việc làng nước và nhiều khoản đóng góp theo thông lệ khác. Kỳ vọng trông chờ tất cả vào những người “làm quan”. Nhẹ thì ủng hộ kinh phí làm đường, làm đình làng, đóng góp quỹ này quỹ khác, cao hơn là đưa dự án, công trình về cho địa phương cho xứng với chức vụ. Nếu không làm được lại bị trách móc là không có lòng, so bì với người cùng chức vụ ở nơi này, nơi khác. Không những thế có người còn lợi dụng mượn danh để làm oai, dọa dẫm người khác. Nhiều lãnh đạo liêm khiết bị oan cũng vì những chuyện tương tự như vậy.

2. Không phải cán bộ nào cũng đồng tình với quan niệm như đã nêu. Rất nhiều cán bộ cấp cao đã thể hiện tấm gương về sự liêm chính, biết giữ minh bạch, trong sáng của mình. Trong kháng chiến không ít lãnh đạo gương mẫu hy sinh quyền lợi riêng, nghiêm khắc với con cái, người thân, động viên tham gia kháng chiến. Có lãnh đạo giữ chức vụ cao không can thiệp với tổ chức mà còn động viên con em của mình ra chiến trường, đến những nơi khó khăn, gian khổ để rèn luyện. Những tấm gương đó cần được phát huy và nhân rộng trong thời kỳ mới.

Ngày 28/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Trong đó, Điều 4 quy định về đối tượng, chức danh cán bộ được luân chuyển để thực hiện bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Quy định 37 QĐ/TW ngày 25/10/2021 “Về những điều đảng viên không được làm”, trong đó có nhiều điều cấm đối với đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo không được làm những việc chỉ vì lợi ích cho cá nhân, gia đình. Đây chính là giải pháp để xóa bỏ quan niệm “con ông cháu cha”, tư duy cục bộ làng, xã, địa phương, ngăn chặn tiêu cực: “Cả họ được nhờ”.

Từ chuyện một người làm quan kéo theo “cả họ làm quan” sẽ dẫn đến “nhóm lợi ích”, phát sinh tiêu cực, nguy cơ phá hỏng thượng tầng kiến trúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Để ngăn chặn hiện tượng “cả họ được nhờ”, việc quan trọng là phải đấu tranh phê phán tư tưởng tiêu cực, bất công, phi lý và đối lập với mục tiêu công bằng mà chế độ ta hướng tới. Vượt qua được áp lực tiêu cực này, đòi hỏi lãnh đạo phải luôn giữ vững bản lĩnh “dĩ công vi thượng”, “chí công vô tư”. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải biết hy sinh quyền lợi cá nhân, đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên hết. Người “làm quan” phải để cho cả xã hội “được nhờ” mới là người chân chính, thực sự vì sự nghiệp chung. Bà con, anh em, làng nước tự hào về con em của mình, nhưng không thể ỷ vào đó làm chỗ dựa ích kỷ, có khi còn làm hại cán bộ...  

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

Việc tổ chức các cuộc thi cho học sinh không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực mà còn góp phần giáo dục toàn diện cho các em.

Áp lực của học sinh từ các cuộc thi
Giảm bớt những áp lực vô hình cho học sinh

Khi hỏi về những áp lực mà bản thân đang đối mặt, rất nhiều học sinh có chung câu trả lời là áp lực về các thành tích trong học tập. Em Đinh Vũ Kiều Anh học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP. Huế) giãi bày: “Học sinh chúng em đang chịu áp lực về điểm số học tập hoàn hảo”. Đoàn Phan Thục Hiền ở Trường THCS Phú Mậu thì cho rằng, chính những yêu cầu cao của thầy cô cho từng môn học trên lớp, những kỳ vọng của bố mẹ vào con cái tạo nên áp lực cho chúng em.

Giảm bớt những áp lực vô hình cho học sinh
“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con

TIN MỚI

Return to top