Thế giới

Gia tăng áp lực về việc áp thuế đối với lượng khí thải CO2 của ngành vận tải biển toàn cầu

ClockThứ Ba, 19/03/2024 11:23
TTH - Theo tin từ Reuters ngày 18/3, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Nhật Bản và các quốc đảo Thái Bình Dương dễ bị tổn thương về khí hậu nằm trong số 47 quốc gia đang cùng ủng hộ cáo buộc về phát thải khí nhà kính của ngành vận tải biển quốc tế.

Phát thải CO2 liên quan đến năng lượng chạm mức kỷ lụcHội nghị thượng đỉnh AZEC: Cắt giảm lượng khí thải CO2 là "thách thức chung" đối với châu ÁLượng khí thải CO2 toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch năm 2023 sẽ cao kỷ lục

 Ngành vận tải biển phát thải hơn 1 tỷ tấn CO2, chiếm gần 3% tổng lượng khí thải toàn cầu do hoạt động của con người gây ra. Ảnh minh họa: nhandan.vn

Tại cuộc họp của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) hiện đang bước sang tuần thứ hai, 47 quốc gia đang bày tỏ sự đồng thuận về việc áp thuế đối với mỗi tấn khí thải CO2 mà ngành vận tải biển thải ra môi trường - tăng hơn gấp đôi từ 20 quốc gia công khai ủng hộ thuế carbon tại Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới diễn ra tại Pháp hồi năm ngoái.

Các thành viên ủng hộ việc áp thuế cho rằng, chính sách này có thể huy động được hơn 80 tỷ USD/năm để tái đầu tư phát triển nhiên liệu vận chuyển có hàm lượng carbon thấp và hỗ trợ cho sự chuyển đổi ở các nước nghèo. Trong khi đó, các quốc gia phản đối - bao gồm Trung Quốc và Brazil, cho rằng chính sách này sẽ “trừng phạt” các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc vào thương mại.

Năm ngoái, IMO đã thống nhất đặt mục tiêu cắt giảm 20% lượng khí thải vào năm 2030 và giảm lượng phát thải ròng xuống 0 vào khoảng năm 2050. Được biết, trong các cuộc đàm phán vào tuần trước, các nước đã đồng ý sẽ tiếp tục đàm phán về giá khí thải, nhưng một bản tóm tắt cuộc họp chính thức lưu ý rằng nhiều nước đã “chia rẽ về một số vấn đề” liên quan đến ý tưởng này.

Theo ông Albon Ishoda, đại diện IMO tại Quần đảo Marshall, thu thuế là con đường đáng tin cậy duy nhất để đáp ứng các mục tiêu của IMO.

Ngành vận tải biển - vận chuyển khoảng 90% thương mại thế giới, chiếm gần 3% tổng lượng khí thải CO2 trên thế giới, và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới nếu không có các biện pháp chống ô nhiễm cứng rắn hơn.

Tại cuộc họp, Quần đảo Marshall, Vanuatu và một số quốc gia khác đề xuất mức phí 150 USD cho mỗi tấn CO2. Theo các nhà nghiên cứu, mức giá carbon 150 USD có thể khiến việc đầu tư vào các hệ thống sử dụng nhiên liệu amoniac có hàm lượng carbon thấp trở nên kinh tế hơn so với các tàu thông thường.

Một đề xuất khác, từ 27 quốc gia EU, Nhật Bản, Namibia, Hàn Quốc, nhóm công nghiệp Phòng Vận tải Quốc tế và các tổ chức khác, ủng hộ việc kết hợp giá khí thải vận chuyển với tiêu chuẩn khí thải toàn cầu đối với nhiên liệu hàng hải.

Theo Reuters, Trung Quốc, Brazil và Argentina đã bác bỏ ý tưởng đánh thuế CO2 trong các cuộc đàm phán của IMO năm ngoái. Một nghiên cứu của Đại học Sao Paulo của Brazil cho thấy, thuế carbon đối với ngành vận tải sẽ làm giảm 0,13% GDP ở các nước đang phát triển, trong đó châu Phi và Nam Mỹ là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đề xuất của Argentina, Brazil, Trung Quốc, Na Uy, Nam Phi, UAE và Uruguay ủng hộ giới hạn cường độ phát thải nhiên liệu toàn cầu, kèm theo hình phạt tài chính đối với các hành vi vi phạm, như một biện pháp thay thế cho thuế đối với tất cả lượng khí thải vận chuyển. Điều đó có nghĩa là, nếu các quốc gia tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn nhiên liệu thì sẽ không có lượng khí thải nào phải chịu phí.

Bất chấp những khác biệt về quan điểm, cũng như các câu hỏi về việc ai sẽ quản lý khoản phí và số tiền thu được sẽ được tái đầu tư như thế nào vẫn còn đang bỏ ngỏ… các quốc gia thành viên vẫn đang cố gắng thống nhất về các biện pháp nhằm kiềm chế lượng phát thải của ngành vận tải biển toàn cầu.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Straits Times)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới
Gia tăng lo ngại về “hóa chất vĩnh cửu” ở nhiều quốc gia châu Âu

Hãng Thông tấn AFP ngày 11/12 trích dẫn cảnh báo mới nhất từ Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho hay, tình trạng ô nhiễm “hóa chất vĩnh cửu” ở các vùng nước tại khu vực châu Âu thường vượt quá ngưỡng quy định, được đặt ra nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường.

Gia tăng lo ngại về “hóa chất vĩnh cửu” ở nhiều quốc gia châu Âu
Khí thải nitơ oxit gia tăng, đe dọa tầng ôzôn và sức khỏe con người

Theo một đánh giá toàn cầu mới của Liên hợp quốc, nitơ oxit (N₂O) - một loại khí nhà kính mạnh, đang đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu và làm hỏng tầng ôzôn, đe dọa mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C và gây ra mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

Khí thải nitơ oxit gia tăng, đe dọa tầng ôzôn và sức khỏe con người
Return to top