Ôn tập thế nào để hiệu quả luôn là mối bận tâm của các bạn học sinh (Ảnh minh họa)
Thế nên mình đi kham khảo, thử thực hành và lập ra cho chính bản thân 3 bí quyết dưới đây và thấy rất hiệu quả, có thể áp dụng cho bất kỳ trường hợp nào không chỉ việc ôn tập mà cả trong việc học thêm một điều gì mới, trong việc chạy chương trình,…
1. Lên kế hoạch
Khó khăn đầu tiên khi bạn bắt đầu ôn tập đó là phải ôn từ đâu và phân bổ thời gian để ôn cái gì trước. Có hai cách mình thường làm ở đây là phân nhỏ mọi thứ ra và cho mỗi cái một "deadline" riêng. Ví dụ: mình cần ôn thi cuối kỳ và tổng có 12 chương tất cả thì mình sẽ chia nhỏ ra ôn mỗi lần chương 1+2, chương 3+4,…chương 11+12; thêm một số nhiệm vụ như ôn tổng hợp, làm bài thi thử, ôn lại lần hai,… Từng việc này sẽ có một deadline riêng và khung giờ riêng. Việc lên kế hoạch và viết ra rất mất thời gian, nhưng nó giúp bạn kiểm soát tiến độ công việc, bạn biết ngày nào mình cần làm gì và không bị dồn việc lại cùng một lúc.
2. Sử dụng thời gian hiệu quả
Sau khi mình biết mình phải học gì, có bao nhiêu thời gian để làm việc đó thì mình lại gặp một khó khăn khác là “Không biết làm thế nào để sử dụng mốc thời gian đó cho hiệu quả nhất?”.
Một ví dụ rất thân thuộc với chúng ta về sử dụng thời gian không hiệu quả là mới học 5 phút thì lại cầm điện thoại lên lướt 15-20 phút và thậm chí cả tiếng. Tốt nhất nên đưa điện thoại cho ba mẹ giữ hộ. Còn bây giờ khi học đại học thì phương pháp của mình là sử dụng app trên điện thoại thông minh, khi bắt đầu học mình sẽ bật lên, chỉnh mốc thời gian học là 1 hoặc 2 tiếng và tập trung học.
Tính năng của app này là gì? Đó là giúp mình tạo động lực và bằng tính cảm biến của app thì chỉ cần mình cho màn hình điện thoại sáng lên là nó sẽ rung loạn lên để nhắc mình tập trung lại. Một số app mình đã từng thử và thấy dễ dùng: AppBlock, NoxOcean và Forest.
Chân trời ước mơ sẽ rộng mở với các bạn trẻ nếu việc thu nhận kiến thức, thi cử đạt kết quả tốt (Ảnh minh họa)
3. Học sao cho hiểu, cho nhớ bài
Mỗi chúng ta luôn có thói quen đọc, đọc và đọc toàn bộ sách giáo khoa cho đến khi nào nhớ thì thôi. Làm như vậy bạn chỉ nhận mặt được kiến thức, và nó chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn.
Cách để mình khắc phục việc này đó là viết các điều quan trọng ra giấy và sử dụng Flashcard. Viết ra giấy ở đây không phải là trong sách như thế nào thì mình viết lại như vậy, mà viết ra giấy ở đây là viết theo những gì bạn hiểu, bằng những từ ngữ đơn giản nhất mà một em học sinh lớp 5 cũng hiểu được.
Còn Flashcard là một bộ thẻ mặt trước có thể là từ, câu hỏi, cụm từ; và mặt sau là kiến thức liên quan đến mặt trước.
Rất nhiều thứ mình có được/đạt được ngày hôm nay đều xuất phát từ việc áp dụng những bí quyết này. Đây chỉ là những thói quen, phương pháp bình thường nhưng nếu thực hành liên tục, đúng chỗ đúng lúc, hiệu quả nó đem lại có thể tốt hơn bạn nghĩ. Hãy cứ kham khảo và thử thực hành, biết đâu 1 trong 3 phương pháp trên lại hợp với bạn.
Tư Hạ (SV Đại học Kinh tế Tp HCM)