Điều tiết giao thông giờ cao điểm tại Trung tâm TP. Huế
Khó giờ cao điểm
17h15 hàng ngày, tại cụm tín hiệu đèn giao thông trên đường Lê Lợi - cầu Phú Xuân, dòng xe cộ đông đúc gây ùn ứ cục bộ.
Tương tự, tại 2 đầu cầu An Cựu trên tuyến Hùng Vương - An Dương Vương cũng thường xuyên ùn ứ cục bộ vào giờ cao điểm. Nguyên nhân là tại 2 đầu cầu này phải “cõng” thêm lượng phương tiện lưu thông trên đường Phan Chu Trinh - Hải Triều và Phan Đình Phùng - Đặng Văn Ngữ.
Thực tế cho thấy, TP. Huế hiện có nhiều nút giao thường xảy ra tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm, điển hình là các điểm nam và bắc cầu Phú Xuân, cầu An Cựu, cầu Vĩ Dạ, giao lộ Trường Chinh - Bà Triệu, ngã 6 Hà Nội - Lý Thường Kiệt - Nguyễn Tri Phương - Ngô Quyền - Hoàng Hoa Thám; ngã 6 trước Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh; cửa Đông Ba… Điều này tạo ra nỗi lo đối với những người thường xuyên phải di chuyển qua những tuyến đường có nút giao này.
Anh Nguyễn Ngọc Nam, công tác tại một doanh nghiệp có trụ sở đóng tại phường Vĩnh Ninh cho biết: "Nhiều lúc cảm thấy khá áp lực khi phải di chuyển để kịp thời gian đón con đi học về".
Không chỉ tại các nút giao thông giờ cao điểm thường xảy ra tình trạng kẹt xe, ngay khu vực trung tâm các tuyến đường lớn, việc tìm chỗ đậu đỗ xe trong giờ hành chính cũng là vấn đề nan giải.
Lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý các xe không có tuyến cố định vào thành phố
Trong vài năm trở lại đây, quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng còn hạn chế, nhất là khu vực trung tâm; tình trạng dừng, đỗ xe tràn lan trên các tuyến phố chính xảy ra thường xuyên, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Nếu không sớm có các chính sách cải thiện quy hoạch không gian và sử dụng đất đô thị phù hợp thì việc đảm bảo trật tự giao thông của thành phố sẽ trở thành vấn đề nan giải.
Cần giải pháp lâu dài
Thực tế cho thấy, quy mô hầu hết các tuyến đường trong nội đô thành phố còn nhỏ hẹp và chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông hiện tại, khoảng cách giữa các nút giao thông ngắn nên ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ di chuyển của các loại phương tiện.
Thượng tá Lê Viết Phương, Phó Trưởng Công an TP. Huế nhìn nhận, vài năm trở lại đây, sự phát triển mạnh lượng phương tiện cá nhân, cả ô-tô và xe máy, cộng với lượng xe du lịch tập trung đón, trả khách tại khu vực trung tâm khiến giao thông nội đô càng trở nên bức bách. Ngoài lực lượng CSGT, chúng tôi chỉ đạo công an các phường bố trí lực lượng cố định tại các nút giao thông vào giờ cao điểm để cùng đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Ngành giao thông vận tải tỉnh đã thực hiện điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông tại một số giao lộ. Tùy từng thời điểm, điều chỉnh thời gian cho phù hợp với giao thông thực tế nhằm sát với khả năng thoát xe cho các hướng. Đồng thời, bổ sung thêm hệ thống biển báo chỉ hướng lưu thông, cấm phương tiện lưu thông, dừng, đỗ, đường một chiều. Người dân cũng tự điều chỉnh chọn lộ trình đi khác, chọn giờ đi làm phù hợp và quan trọng là không chen lấn lên phía trước để hạn chế tình trạng ùn ứ.
Các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông mà các ngành chức năng triển khai thời gian qua, nhất là tại các nút giao thông trọng điểm như tổ chức giao thông theo dạng hình xuyến tự điều chỉnh với các đảo xuyến, đảo hướng dẫn, phân luồng bằng đảo mềm lắp ghép để có thể thay đổi theo yêu cầu giao thông thực tế chỉ là giải pháp tình thế. Đã đến lúc cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài hơn để giải quyết bài toán giao thông đô thị khi “chiếc áo đã chật”.
Theo điều chỉnh Quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh, đến năm 2020, xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 15 bến xe (trong đó 11 bến xe khách, 4 bến xe hàng) và 42 bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh (khu đô thị trung tâm và các khu đô thị, dân cư mới), điểm, khu du lịch các thị trấn, thị tứ... Dành quỹ đất xây dựng kho tàng, bãi đỗ xe phù hợp với quy hoạch đô thị. Xây dựng hoàn thiện các trạm trả đón khách cho các tuyến xe buýt. Định hướng đến năm 2030, hoàn thiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa 23 bến xe và hệ thống bãi đỗ xe. |
Bài, ảnh: THÁI BÌNH