Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson tổ chức cuộc họp nội các đầu tiên tại phố Downing ở London, Anh, ngày 25/7/2019. Ảnh: Reuters


Đầu tư kinh doanh

Đầu tư kinh doanh đã sụt giảm kể từ khi Đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015 với cam kết tổ chức trưng cầu dân ý về việc rút Anh khỏi EU (Brexit).

Sự bất ổn dường như sẽ tiếp tục khi nhiều công ty lo ngại Anh có thể rời khỏi EU vào ngày 31/10 tới mà không có thỏa thuận - điều mà tân Thủ tướng Johnson tuyên bố sẵn sàng thực hiện nếu không thể đạt được thỏa thuận mới với EU.

Việc làm

Bên cạnh những điểm sáng như tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất kể từ tháng 1/1975 và tiền lương đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ, vấn đề việc làm ở Anh đang nổi lên những dấu hiệu suy yếu. Tăng trưởng việc làm trong tháng 5 đã chậm lại ở mức đáng ngại, đồng thời số lượng nhân viên cũng giảm với quy mô lớn nhất kể từ năm 2011.

Tăng trưởng kinh tế

Các nhà kinh tế cho biết, sau hơn 3 năm vật lộn với cuộc khủng hoảng Brexit, nền kinh tế nước Anh đã chậm lại, với dự đoán GDP có thể đạt mức tăng trưởng bằng 0 hoặc giảm trong quý II/2019, một phần do sự vội vã và quyết định đóng cửa của các nhà máy ô tô, liên quan đến thời hạn Brexit vào ngày 29/3 vừa qua.

Reuters cho biết, dữ liệu GDP chính thức sẽ được công bố vào ngày 9/8 tới nhưng các cuộc điều tra kinh doanh được công bố gần đây đã vẽ nên một bức tranh về một nền kinh tế đang phải vật lộn để lấy đà.

Tài chính chính phủ

Cũng theo Reuters, Bộ trưởng tài chính mới của Anh sẽ chỉ có nguồn lực hạn chế để tăng chi tiêu của chính phủ. Mặc dù bội chi ngân sách của Anh đã giảm xuống chỉ còn hơn 1% GDP trong năm tài chính vừa qua so với gần 10% của một thập kỷ trước, nhưng các nhà dự báo ngân sách chính thức dự đoán tình trạng bội chi sẽ tăng trở lại trong năm nay.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Reuters)