Siêu bão Idai gây thiệt hại nặng nề ở các nước đông nam châu Phi. Ảnh: Reuters

Cũng theo các quan chức LHQ, quy mô đầy đủ về sự tàn phá do bão nhiệt đới Idai gây ra đang trở nên rõ ràng hơn, và mặc dù nước lũ đã bắt đầu rút ở Zimbabwe và Malawi, cho phép một số người dân trở về nhà, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vẫn cảnh báo rằng Mozambique đang phải đối mặt với một tình huống khẩn cấp nhân đạo đang ngày càng nghiêm trọng hơn từng giờ.

Năm ngày sau khi cơn bão đổ bộ vào Mozambique, gây thiệt hại và lũ lụt trên diện rộng, ước tính ít nhất 1.000 người đã thiệt mạng chỉ riêng ở quốc gia này. Nhiều người sống sót được cho là bị mắc kẹt trên mái nhà và bám vào các cành cây đang chờ giải cứu, các cơ quan của LHQ cho biết. Trong khi đó, trên khắp Mozambique, Malawi và Zimbabwe, hàng chục ngàn người mất nhà cửa; nhiều đường sá, cầu cống và hoa màu cũng bị cuốn trôi.

“Hiện tại, chúng tôi đang nói về một thảm họa lớn, nơi hàng trăm ngàn người - trong số hàng triệu người - có thể bị ảnh hưởng. Chúng tôi cần tất cả mọi hỗ trợ hậu cần có thể có được”, ông Jens Laerke từ Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ cho biết.

Theo các nhóm cứu trợ, nhiều nạn nhân bị mắc kẹt ở những vùng xa xôi, bao quanh là những con đường bị phá hủy, nhà cửa bị san bằng và nhiều ngôi làng bị nhấn chìm trong nước lũ, trong khi Hội Chữ thập đỏ nói rằng ít nhất 400.000 người đã bị mất nhà cửa ở trung tâm Mozambique.

"Đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử của Mozambique", ông Jamie LeSueur, người đang dẫn đầu các nỗ lực cứu hộ tại Beira của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, cho hay.

Nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh cho thấy có khoảng 1,7 triệu người nằm trên đường đi của cơn bão ở Mozambique và 920.000 người khác bị ảnh hưởng ở Malawi.

Sự hỗ trợ từ nhiều nước

Liên minh châu Âu đã công bố gói hỗ trợ khẩn cấp ban đầu trị giá 3,5 triệu euro (3,97 triệu USD) cho Mozambique, Malawi và Zimbabwe để hỗ trợ hậu cần cho những người bị ảnh hưởng, bao gồm cung cấp nơi trú ẩn khẩn cấp, các điều kiện vệ sinh và chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó Vương quốc Anh cam kết viện trợ tới 6 triệu bảng (7,96 triệu USD) cho các quốc gia này.

Công dân ở Zimbabwe cũng đang huy động mọi sự quyên góp, bao gồm tiền mặt, thực phẩm và quần áo để giúp đỡ hàng ngàn gia đình đã bị phá hủy nhà cửa do lốc xoáy.

Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người đã đến thăm Chimanimani hôm qua, nói với các phóng viên rằng Tanzania và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đang gửi quyên góp, trong khi các nước láng giềng, bao gồm Nam Phi, Botswana và Angola, cũng cam kết sẽ giúp đỡ.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & UN)