Theo thỏa thuận sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/8 tới, người nhập cư có thể "bị gửi trả về Tây Ban Nha trong vòng 48 giờ đồng hồ."
Bà Petermann cho biết Tây Ban Nha không đề ra bất kỳ điều kiện nào để đổi lấy sự trao đổi này.
Thỏa thuận này là một phần trong một loạt thỏa thuận song phương mà Đức đang tìm cách đạt được với các đối tác khác trong Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh khó đạt được một thỏa thuận chung cho cả khối về vấn đề này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chịu sức ép giảm số người nhập cư mới đến nước này sau khi Berlin vẫn chưa giải quyết xong số người xin tị nạn từ năm 2015-2016 ở mức kỷ lục là 1 triệu người.
Trước đó, hồi tháng 6, Chính phủ Đức cho biết ngoài Tây Ban Nha, Berlin cũng đã đạt được thỏa thuận tương tự với Hy Lạp - điểm cập bến châu Âu chính của người di cư thực hiện hành trình đầy nguy hiểm vượt Địa Trung Hải.
Trong khi đó, tân Chính phủ Italy theo cánh hữu dường như "không sẵn lòng" về một thỏa thuận như vậy bởi nước này đặt trọng tâm vào siết chặt kiểm soát đường biên giới ngoài EU. Bà Petermann cho biết Đức vẫn chưa hoàn tất các cuộc thảo luận với Hy Lạp và Italy về vấn đề này.
Tuy nhiên, trước đó, ngày 5/8, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết các cuộc đàm phán với người đồng cấp Hy Lạp và Italy đang diễn ra trong "bầu không khí thuận lợi."
Trong một diễn biến khác, một tàu thuộc tổ chức phi chính phủ (NGO) của Tây Ban Nha chở 87 người di cư được cứu ở ngoài khơi Libya đã được phép cập cảng Algeciras, miền Nam Tây Ban Nha vào ngày 9/8 sau khi bị Italy từ chối cho cập cảng.
Con tàu này thuộc tổ chức Proactiva Open Arms đã cứu những người di cư phần lớn đến từ Sudan vào ngày 2/8 vừa qua. Những người di cư được cứu nói trên đã lênh đênh trên biển 50 giờ trên một chiếc thuyền cao su, không có nước uống./.
Theo Vietnam+