Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. (Nguồn: THX/TTXVN)
Cũng tại cuộc họp báo với ông Juncker, Thủ tướng Albania Edi Rama cho biết quá trình xem xét, rà soát tiêu chuẩn các thẩm phán và công tố viên nước này, bước đầu tiên trong tiến trình cải cách tư pháp mà EU yêu cầu để bắt đầu các cuộc đàm phán, đã loại bỏ được 17 người không đủ tiêu chuẩn.
Giới chức EU cho rằng với việc cải tổ hệ thống tư pháp của mình, Albania muốn cố bắt kịp với các ứng cử viên hàng đầu là Serbia và Montenegro. Quyết định của EU đối với việc xem xét gia nhập của Albania sẽ được đưa ra sau kết quả giám sát trên không của giới chức Italy đối với hoạt động trồng, buôn bán cần sa tại Albania.
Từ năm 2014, chính phủ Albania đã đẩy mạnh trấn áp việc trồng, buôn bán cần sa, nhưng nước này vẫn trở thành một trong những quốc gia trồng cần sa lớn nhất tại châu Âu trong năm 2015 và 2016.
Tuy nhiên, năm 2017, các điều tra viên Italy cho biết chỉ phát hiện còn 90 khu vực trồng cần sa, giảm mạnh so với con số trên 2.000 khu vực trong năm 2016, khẳng định nỗ lực ngăn chặn hoạt động này của Chính phủ Albania đã đạt kết quả tích cực. Albania và Macedonia kỳ vọng sẽ được “bật đèn xanh” để bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập EU vào tháng 6 tới.
Các cuộc đàm phán gia nhập EU thường kéo dài nhiều năm, trải rộng trên 35 nhóm vấn đề như kinh tế, năng lượng, pháp quyền và nhân quyền..., theo đó có thể hỗ trợ những nước muốn tham gia EU từng bước điều chỉnh các chính sách phù hợp với tiêu chuẩn của khối.
Montenegro bắt đầu đàm phán gia nhập EU từ năm 2012, trong khi Serbia bắt đầu đàm phán từ đầu năm 2014. Chủ tịch EC Juncker hy vọng có thể hoàn tất việc kết nạp 2 nước này làm thành viên vào năm 2025./.
Theo Vietnam+