Tổng thống Obama và phu nhân được các quan chức Cuba chào đón khi vừa đáp xuống sân bay quốc tế Jose Marti, Cuba ngày 20/3/2016. Ảnh: Reuters. |
Ngay khi vừa bước xuống sân bay trên thảm đỏ trong cơn mưa phùn nhẹ, Tổng thống Obama và gia đình đã được chào đón nồng nhiệt bởi Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez. Sau đó, họ lên một chiếc limousine bọc thép đen, với cờ Mỹ và Cuba được gắn trên mui xe, và dẫn đầu đoàn xe tiến vào trung tâm.
Chuyến thăm 3 ngày lần này của Tổng thống Obama cùng phái đoàn Mỹ đến Cuba được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong sự gắn kết của Hoa Kỳ với chính phủ của quốc đảo Cuba sau nhiều thập kỷ thù địch, và là kết quả của tuyên bố khôi phục lại quan hệ ngoại giao của Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro hồi tháng 12/2014, kết thúc sự ghẻ lạnh thời Chiến tranh Lạnh, bắt đầu từ cuộc cách mạng Cuba lật đổ một chính phủ thân Mỹ vào năm 1959.
Tổng thống Obama, người đã từ bỏ chính sách lâu năm của Hoa Kỳ nhằm cố gắng cô lập Cuba, muốn sự thay đổi trong chính sách này của ông không thể bị đảo ngược. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại lớn để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Mỹ-Cuba, và các nhà phê bình của đảng Dân chủ cho rằng chuyến thăm này là quá sớm.
Theo lịch trình, hôm nay Tổng thống Obama sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Cuba Raul Castro, em trai của nhà lãnh đạo cách mạng về hưu Fidel Castro. Vào ngày mai, ông Obama sẽ gặp các nhà bất đồng chính kiến và sẽ có bài phát biểu lịch sử ở Havana trong một nỗ lực để thiết lập một mối quan hệ mới giữa những cựu thù.
Biểu tượng và thực chất
Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyến đi này mang cả 2 ý nghĩa biểu tượng và thực chất, sau nhiều thập kỷ đóng băng quan hệ giữa Washington và Havana. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong tiến trình vượt qua những rào cản thương mại và du lịch còn lại của Hoa Kỳ-Cuba, đồng thời phát triển thêm nhiều mối quan hệ bình thường giữa Washington và Havana.
Kể từ khi tái lập quan hệ, hai bên đã khôi phục quan hệ ngoại giao và ký thỏa thuận thương mại về viễn thông và dịch vụ hàng không theo lịch trình.
Tuy nhiên, một số khác biệt chính vẫn còn đó, nhất là các lệnh cấm vận kinh tế 54 năm qua đối với Cuba. Tổng thống Obama đã yêu cầu Quốc hội dỡ bỏ, nhưng đồng thái này bị chặn lại bởi các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa.
Thực tế, Tổng thống Obama đã sử dụng quyền hành để nới lỏng các hạn chế thương mại và du lịch, thúc đẩy tiến trình tiếp cận với Cuba, một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của ông, bên cạnh thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, Cuba vẫn than phiền về sự chiếm đóng của căn cứ hải quân tại vịnh Guantanamo, vấn đề mà Tổng thống Obama cho biết sẽ không đem ra thảo luận, cũng như hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với các nhà bất đồng chính kiến tại quốc đảo này.
Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca Diaz cho biết, động thái điều tiết của Tổng thống Obama đang "đi đúng hướng". Nhưng ông cũng nói thêm rằng, "chúng tôi không thể đạt được một quan hệ bình thường khi sự phong tỏa vẫn còn hiệu lực và không giải quyết các vấn đề khác có tầm quan trọng cao".
Sự gắn kết không thể đảo ngược
Một số nhà phê bình Mỹ cho rằng, Tổng thống Obama đang nhượng bộ quá nhiều, trong khi chỉ nhận lại rất ít từ chính phủ Cuba và sử dụng chuyến đi này để tìm kiếm một "chiến thắng lòng dân" không đáng có, theo AFP. Tuy nhiên, mục tiêu thực tế hơn của Tổng thống Obama là làm tất cả mọi thứ có thể để đảm bảo chính sách gắn kết với Cuba của ông không thể bị đảo ngược, ngay cả khi đảng Cộng hòa có thể giành được chiến thắng trên đường đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử ngày 8/11 năm nay.
Theo nhận định, dự kiến hai nước sẽ đạt được một số tiến bộ về các vấn đề chính trong cuộc gặp của Tổng thống Obama và Chủ tịch Castro nào hôm nay.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters, AFP & USAtoday)