Sản phẩm gia vị bún bò Huế của YesHue đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường |
Từ lên “mạng”…
Quen Lê Thị Kim Thoa (huyện A Lưới) từ dạo chị đang công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới, độ hơn 5 năm trước, khi chị vừa là cán bộ, vừa hàng ngày tất tả khắp các bản làng gom góp sản vật vùng cao để mở hướng tiêu thụ cho bà con dân bản. Thú thật, sau nhiều lần công tác ở vùng cao, tôi cũng luyến tiếc khi nhiều sản vật ở các địa phương “bí” đầu ra, lăn lóc bên vệ đường, “phơi nắng, tắm mưa”. Nhưng tôi đồ rằng, khi đã thưởng thức, khó ai chê thịt bò, mật ong rừng A Lưới, bánh tét nếp than, rượu ngâm nấm lim xanh...
Điều mà chị Thoa “mở hướng” như đề cập không đơn thuần là bán hàng, mà còn thể hiện cái tâm của nữ cán bộ vùng cao – đau đáu với nỗi lòng dân bản. Ngay thị trấn A Lưới, Thoa mở cửa hàng đặc sản vùng cao, như là địa chỉ bao tiêu sản phẩm cho người dân; rồi chị mở cửa hàng ở thành phố để tạo cầu nối đưa sản phẩm miệt núi đến tay người đồng bằng. Bẵng một thời gian, tình cờ, tôi thấy Thoa trong trang phục của người đồng bào dân tộc thiểu số, cùng đồng nghiệp livestream bán hàng trên trang mạng xã hội facebook. Loáng một cái, hàng bán sạch trơn.
Hàng ngày, biết chị vừa phải quản lý trang bán hàng nông sản, đặc sản cao nguyên xanh A Lưới trên facebook, vừa dành thời gian thu gom các sản vật vùng cao, sơ chế, giao hàng cho khách… thì tôi hiểu lý do vì sao chị thôi làm cán bộ. “Bằng việc kinh doanh các mặt hàng sản vật vùng cao, tôi mong muốn góp phần nhỏ giúp hương vị vùng cao bay xa”, chị Thoa nói.
Bây giờ, không chỉ người dân chốn thị thành mà bất cứ nơi đâu, mỗi khi “thèm” hương vị núi rừng không còn phải cất công lên tận miền sơn cước, chỉ một click chuột, hàng sẽ được giao tận nơi. Mạng xã hội đã, đang và sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa cực lớn. Bà Lisa Phạm (Việt kiều Thuỵ Điển) hồ hởi bảo rằng, đã thỏa niềm mong ước được thưởng thức vị thơm, ngọt của con tôm đầm phá, con cá Cầu Hai.
Chuyện là, trong đợt thăm quê hồi mới đây, tình cờ, bà đặt vấn đề với chủ trang bán hàng facebook mong muốn được mua 40kg các loại cá, tôm đặc sản đầm phá, chia làm hai thùng để tiện đóng hàng ký gửi máy bay. Bà bất ngờ khi yêu cầu được đáp ứng ngay lập tức. Các sản phẩm được người bán sơ chế sạch sẽ, cấp đông và hút chân không, đóng gói cẩn thận. “Trở về Thụy Điển, thùng hàng không hề hư hại. Cá, tôm được tôi chia sẻ cùng người thân, bạn bè cùng nhau thưởng thức hương vị quê nhà”, bà Lisa Phạm nói.
Thời đại công nghệ số, ngoài sàn thương mại điện tử, khách hàng không khó để tìm kiếm sản phẩm mình mong muốn thông qua mạng xã hội. Mạng xã hội cũng là cầu nối hữu hiệu giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm. Thậm chí, một số đơn vị còn tổ chức các chương trình hướng dẫn phương pháp bán hàng qua mạng. Điển hình như việc mời các nhà sáng tạo nội dung của tiktok, facebook… trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp. “Đó là việc truyền tải các câu chuyện xây dựng thương hiệu thông qua những video sáng tạo; tư vấn cho các doanh nghiệp tìm cơ hội phát triển trên nền tảng thương mại điện tử. Chính điều này giúp gắn kết những người trẻ có nhiệt huyết, giàu đam mê, khát khao sáng tạo gây ấn tượng với khách hàng”, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố - ông Trần Đức Minh cho biết.
… Đến vượt “đường biên”
Khởi nghiệp đang là cụm từ phổ biến. Nhiều bạn trẻ đã dám thử, dám dấn thân và dám chấp nhận thất bại. Điều đọng lại là họ đã lan tỏa tinh thần và cảm hứng sáng tạo. Từ câu chuyện khởi nghiệp, ngọn lửa đam mê của nhiều người được thắp sáng. Khởi nghiệp không chỉ tạo sản phẩm cụ thể mà tạo ra những giá trị vô hình cho cộng đồng, xã hội.
Tại hội nghị tổng kết, bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, khi báo cáo với lãnh đạo tỉnh (nay là thành phố Huế), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh đến bộ gia vị bún bò Huế. Đó là thương hiệu của YesHue. Điều ấn tượng ở đây không phải nằm ở doanh số 3 tỷ đồng/năm từ thông tin của tư lệnh ngành nông nghiệp lúc ấy, mà đó là câu chuyện hương vị bún bò Huế chạm đến trái tim của khách hàng cách nửa vòng trái đất - thị trường Mỹ đặc biệt khó tính.
Tôi có anh bạn tên Chương, đang sinh sống và làm việc tại California (Mỹ). Anh rất “ghiền” bún bò Huế. Từ khi định cư ở đất Mỹ, anh chưa bao giờ được thưởng thức trọn vẹn hương vị quê nhà. Đến khi, “gặp” lọ gia vị bún bò của YesHue, Chương như thỏa mãn được cơn thèm muốn tột cùng. “Món Việt ở Mỹ không thiếu thứ gì, nhưng hương vị nguyên gốc như quê nhà rất hiếm. Khi tôi thấy lọ gia vị bún bò Huế của YesHue trên sàn thương mại điện tử, tôi liền đặt mua về nấu thử và không ngờ đã tìm lại được vị xưa”, Chương tâm sự.
Người tạo ra lọ gia vị bún bò Huế ấy bây giờ đã là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố - Lê Thị Kim Hằng. Sau thời gian tham gia vào sân chơi khởi nghiệp, sản phẩm của YesHue vươn mình mạnh mẽ ra thị trường quốc tế, trở thành “thương hiệu” lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến các bạn trẻ. “Quy trình sản xuất các sản phẩm của chúng tôi tuân thủ sự kiểm soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn FDA của Hoa Kỳ; đáp ứng nhu cầu thị trường các nước khó tính như, Nhật, Úc, châu Âu…”, chị Lê Thị Kim Hằng giải thích.
Mới đây, tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh (nay là thành phố Huế) năm 2024, trong 15 dự án được vinh danh, tôi đặc biệt ấn tượng với thương hiệu Huế Thương. Dự án này tuy chỉ đoạt Giải 3 nhưng việc Huế Thương đã xuất khẩu khoảng 50.000 sản phẩm sang thị trường Mỹ; trong đó, bánh canh cá lóc Huế là sản phẩm chủ lực cho thấy tâm huyết, quyết tâm đưa hương vị quê hương đi xa của chủ dự án. “Tâm niệm của chúng tôi muốn đặc sản quê hương có mặt khắp năm châu. Để những nơi đó, người Việt nói chung và người Huế nói riêng vơi bớt nỗi nhớ nhà…”, chị Phạm Lê Nguyên Hảo, một trong những người sáng lập Huế Thương chia sẻ.
Có thể còn nhiều sản phẩm khác tinh tế, sáng tạo và giá trị hơn của người Huế được xuất khẩu. Thế nhưng, vị Huế vượt được “đường biên” thì tôi chắc rằng, ai cũng cảm thấy ấm lòng. Nghe đâu, món ăn dân dã bánh ép Thuận An của Hue One Food cũng rục rịch “đi Đông, đi Tây”… Để rồi, vị Huế mang theo hình ảnh vùng đất kinh kỳ, truyền tải văn hóa ẩm thực Cố đô đến bạn bè khắp năm châu.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hồ Thắng cho biết, từ các cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế), đến nay đã có 80 ý tưởng, dự án được vinh danh và trao các giải thưởng cấp tỉnh; một số dự án sau đó cũng đoạt giải thưởng tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng miền Trung - Tây Nguyên, và lọt vào top các dự án xuất sắc cấp quốc gia. Đặc biệt, sản phẩm của một số dự án đoạt giải đã vươn tầm, xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu…