Việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Pa Hy là trách nhiệm và là niềm tự hào của đồng bào |
Gìn giữ di sản quý báu
Theo chân bà Nguyễn Thị Ngành, cán bộ phụ trách văn hóa xã Bình Tiến, chúng tôi đến ngôi nhà cộng đồng nơi đồng bào Pa Hy đang say sưa tập luyện. Tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng, hòa trong những điệu múa và lời hát trầm bổng của bà con. “Đây là buổi tập của CLB Dân ca truyền thống dân tộc Pa Hy. Mỗi buổi sinh hoạt như thế này là dịp để mọi người gặp gỡ, kết nối đồng thời giữ gìn và trao truyền những nét văn hóa quý báu của dân tộc”, bà Ngành chia sẻ.
Năm 2023, trước nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống, CLB Dân ca Truyền thống dân tộc Pa Hy đã ra đời với 25 thành viên ban đầu. Đến nay, con số này đã tăng lên hơn 30 người, từ thanh thiếu niên đến các nghệ nhân cao tuổi. Họ cùng chung một mục tiêu: khôi phục và truyền lại những di sản quý báu của dân tộc mình.
Ông Nguyễn Văn Cải, Chủ nhiệm CLB tâm sự: “Chúng tôi lo sợ rằng, một ngày nào đó, tiếng cồng, tiếng chiêng và những bài hát cha chấp sẽ chỉ còn trong ký ức. Nhờ sự hỗ trợ từ các cấp, chúng tôi đã khôi phục lại những giá trị văn hóa tưởng chừng đã thất truyền”.
Buổi công diễn được tổ chức vào cuối năm 2024 vừa qua là một sự kiện đặc biệt, thu hút sự tham gia của đông đảo bà con và các đại biểu tham dự. Tại đây, các thành viên CLB đã trình diễn những điệu múa truyền thống và bài hát dân ca giao duyên, hát cha chấp. Tất cả đều được thể hiện qua âm thanh của các nhạc cụ dân tộc như cồng, chiêng, trống và đàn Ta Lư. “Chúng tôi không chỉ biểu diễn mà còn kể câu chuyện của dân tộc mình qua từng lời ca, tiếng nhạc. Đây là cách chúng tôi kết nối các thế hệ và xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Cải tự hào nói.
Gắn với phát triển du lịch
Xã Bình Tiến có 7 dân tộc cùng sinh sống, là một mảnh đất giàu tiềm năng văn hóa. Trong đó, dân tộc Pa Hy chiếm khoảng 15% dân số với 220 hộ gia đình, chủ yếu sinh sống tại thôn 1, thôn 2 và thôn 3. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa độc đáo như dân ca, dân vũ và nghệ thuật trình diễn dân gian đang dần bị mai một.
Ông Đỗ Ngọc An, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: “Việc duy trì hoạt động CLB dân ca góp phần bảo tồn giá trị truyền thống, đồng thời mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng. Chúng tôi mong muốn kết nối các tour du lịch để quảng bá rộng rãi nét đẹp văn hóa Pa Hy”.
Phía sau mỗi buổi trình diễn là sự miệt mài luyện tập của các thành viên CLB. Họ không chỉ học múa, hát mà còn tìm hiểu ý nghĩa từng giai điệu, từng động tác để truyền tải trọn vẹn hồn cốt văn hóa dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Ngành bày tỏ: “Chúng tôi rất vui mừng khi những người trẻ cũng bắt đầu yêu thích và tham gia CLB. Điều này giúp chúng tôi tin rằng các giá trị văn hóa sẽ tiếp tục được truyền lại, không chỉ trong gia đình mà còn ra ngoài cộng đồng”.
Với quyết tâm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, CLB Dân ca Truyền thống dân tộc Pa Hy đặt mục tiêu sinh hoạt thường xuyên từ 1-2 lần mỗi tháng. Các thành viên mong muốn lưu giữ những giai điệu cũ và sáng tạo thêm các tác phẩm mới, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian.
Ông Nguyễn Văn Cải kỳ vọng: “Chúng tôi cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ nhạc cụ, trang phục đến cơ hội biểu diễn tại các sự kiện lớn. Điều này sẽ giúp CLB không chỉ duy trì mà còn phát triển, đưa văn hóa Pa Hy ra xa hơn”.
Việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Pa Hy không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của cộng đồng. Những hoạt động như lớp tập huấn, biểu diễn văn nghệ và kết nối du lịch đã mở ra cơ hội mới, góp phần cải thiện đời sống kinh tế và tinh thần cho người dân.