Chủ tịch Hội đồng, Hòa thượng Thích Hải Ấn tặng hoa chúc mừng tân NCS. 

Được thành lập từ năm 1997 tính đến nay, HVPGVN tại Huế đã và đang đào tạo 15 khoá cấp Cử nhân, 4 khoá Thạc sĩ. Những Tăng Ni sinh sau khi tốt nghiệp tại Học viện có người tiếp tục học lên; một số khác đã ra đảm trách Phật sự của giáo hội các cấp từ trung ương cho đến địa phương.

Hội đồng cho ý kiến để hoàn thiện chủ đề, đối tượng nghiên cứu của đề tài .

Thượng tọa-Tiến sĩ Thích Nguyên Thành- Phó Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN, Phó Viện trưởng Thường trực HVPGVN tại Huế thông tin: Qua thời cận hiện đại, từ sau những thành tựu của phong trào chấn hưng Phật giáo và sự ra đời của Hội An Nam Phật học đầu những năm 30 của thế kỷ XX, xứ Huế đã trở thành trung tâm đào tạo Tăng tài của Phật giáo Việt Nam.

Thượng tọa-Tiến sĩ Thích Nguyên Thành tại Hội đồng xét tuyển. 

Kể từ năm 1934 trở đi, hệ thống An Nam Phật học đường với 3 cấp đào tạo (Sơ cấp, Trung cấp và Đại học) tại Huế từng bước định hình và phát triển. Cơ sở giáo dục được đặt tại các chùa và Tổ đình lớn như Trúc Lâm, Báo Quốc, Tây Thiên, Linh Quang, Từ Quang, Vạn Phước, Ni viện Diệu Đức,...; Cấp đại học đóng tại Tùng Lâm Kim Sơn. Chư tôn đức Đại trưởng lão Hoà thượng đều xuất thân từ các trung tâm đào tạo Phật học ở Huế và đã trở thành những bậc tông tượng của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX cho đến nay.

Về mặt lịch sử, những cơ sở đào tạo kể trên chính là nền tảng và cơ duyên cho sự ra đời của HVPGVN tại Huế vào năm 1997, và đã phát triển, hoạt động trong gần 30 năm qua.

Đề tài “Tâm lý học giáo dục qua học thuyết Nghiệp trong Luận Câu xá” là đề tài Tiến sĩ đầu tiên được thực hiện tại HVPGVN tại Huế, đánh dấu một bước phát triển mới của Học viện trong sự nghiệp giáo dục- đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Hiền An