Thất nghiệp có đáng sợ đến mức khiến chúng ta vội vàng tìm việc làm mới trong khi bản thân chưa cân nhắc kỹ càng?

Tìm kiếm một việc làm mới ngon hơn việc làm cũ liệu có khó khăn đến mức khiến chúng ta vội vã bỏ cuộc để rồi “trao duyên” nhầm “người”?

Thuộc lòng 3 bí kíp dưới đây, đảm bảo 99,9% bạn sẽ tìm được việc làm mới ngon hơn việc làm cũ của bạn, dù là tìm việc làm ở Đà Nẵng 2023 hay bất kỳ địa phương nào khác.

  1. Nói “KHÔNG” với những công ty tuyển dụng ồ ạt mọi vị trí

Điều này không hoàn toàn đúng với những công ty mới thành lập nhưng sẽ không thể trật đi đâu được với những công ty đã có thâm niên hoạt động lâu năm. Tại sao lại như vậy?

Chuyện sẽ không có gì để bàn nếu như công ty đó chỉ tuyển dụng nhỏ giọt một số vị trí nhất định nhưng sẽ là báo động đỏ nếu một công ty đưa ra thông báo tuyển dụng đồng loạt tất cả vị trí việc làm núp dưới danh nghĩa “mở rộng quy mô hoạt động”. Hành động này thường minh chứng cho hai trường hợp: một là công ty đã có một đợt thanh lọc nhân sự quy mô lớn ngay trước Tết nên phải bỏ đi hết và làm lại từ đầu; hai là công ty đó tệ đến mức không thể níu chân nhân sự, khiến họ sẵn lòng nghỉ việc tập thể ngay trong thời điểm Tết Nguyên Đán đang cận kề.

Thử nghĩ mà xem, đó là môi trường làm việc mà bạn mong muốn ư? Và dù cho lỡ sa chân vào động sâu tăm tối đó, liệu bạn có thể đồng hành cùng nó trong bao lâu?

  1. Tránh xa những công ty tuyển dụng một vị trí quá nhiều lần

Một công ty tuyển dụng quanh năm vốn đã không bình thường nhưng những công ty quanh năm tuyển dụng một vị trí lại càng bất thường hơn.

Với kinh nghiệm tìm việc làm mới tại nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau và từng tham gia vào hàng chục cuộc họp với chủ đề “cải thiện hiệu quả của công tác tuyển dụng”, mình xin chia sẻ với bạn đọc một sự thật như sau:

Nếu vị trí mà bạn dự định ứng tuyển được công ty nọ đăng thông báo chiêu mộ nhân tài với tần suất dày đặc trong suốt một năm hoặc chỉ trong một thời gian ngắn thì điều đó chứng tỏ rằng rất nhiều người đã thử nhưng không thành công và phải nhanh chóng bỏ của chạy lấy người. Lý do cho sự thất bại vô cùng đa dạng: ứng viên không đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu công việc cũng có nhưng phần lớn là do công ty hãm, sếp hãm, đồng nghiệp hãm, mô tả công việc trên giấy tờ khác xa so với thực tế cuộc sống, 1 đầu lương 10 tầng áp bức hoặc văn hoá công ty quá mức độc hại… Và hiển nhiên, để cảm nhận được những điều này bạn cần phải chui vào chăn mới biết chăn có rận. Nếu không muốn bị rận cắn thì ngay từ đầu đừng dại dột mà chui vào chăn.

  1. Đừng bỏ qua sự nhạy bén của giác quan thứ 6

Nghe có vẻ tâm linh nhưng thực ra vô cùng thực tế. Nếu bạn bước chân vào một công ty, quan sát quá trình làm việc của nhân sự ở đó, tham gia buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng một cách suôn sẻ; nếu công việc, mức lương và chế độ phúc lợi của công ty chẳng có gì để chê bai nhưng trong lòng bạn bất tri bất giác vẫn cảm thấy lấn cấn, không thông suốt thì chắc chắn đến 99% - công ty ấy sinh ra không phải dành cho bạn và hãy “chạy ngay đi trước khi mọi điều dần tồi tệ hơn”.

Nghiêm túc suy ngẫm mà xem, đã bao nhiêu lần bạn lựa chọn một công ty vì mức lương cao, chế độ phúc lợi tốt và đã bao nhiêu lần bạn lựa chọn rời bỏ công ty đó mặc kệ những ưu điểm vừa được kể ra? Liệu có phải ngay từ lần đầu tiên bước chân vào công ty đó bạn đã cảm thấy nơi ấy có gì đó sai sai, trong vô thức mang đến cho bạn cảm giác ngột ngạt, nặng nề?

Giác quan thứ 6 là một điều gì đó rất khó để lý giải bằng khoa học và suy luận logic nhưng nếu dành thời gian để nghiền ngẫm, chiêm nghiệm về những chuyện đã qua, có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng giác quan của bạn đã từng ra tín hiệu cảnh báo với bạn ít nhất một lần trên con đường sự nghiệp. 

Chúng ta vẫn vì miếng cơm manh áo, vì đủ loại hoá đơn cần chi trả mà tự tạo áp lực cho bản thân phải tìm việc làm mới thật nhanh, nhanh hơn nữa. Điều đó khiến chúng ta ngó lơ sự phù hợp, đánh mất sự sáng suốt, suy yếu khả năng phân tích và bỏ qua tiếng lòng của chính mình, dẫn đến sai lầm tiếp nối sai lầm và tiếp tục bị cuốn vào vòng lặp đi làm – nghỉ việc. Để thoát ra khỏi vòng lặp đó, hãy khắc ghi câu nói “chậm mà chắc, nóng vội chỉ hỏng chuyện”.

Trang Đoàn