ClockThứ Ba, 21/07/2020 06:30

Tiêm chủng, đừng vì nỗi lo nhỏ mà bỏ qua lợi ích lớn

TTH - Khi cả thế giới đang quay cuồng chống lại đại dịch COVID-19 và chạy đua với việc tìm vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2, mới thấy những loại bệnh đã có vaccine dự phòng đáng quý như thế nào. Mỗi người, đừng vì chủ quan hoặc nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề này mà khiến người thân gặp nguy hiểm trước các loại bệnh truyền nhiễm, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Dự phòng bệnh bạch hầu, tốt nhất là tiêm chủngDuy trì tiêm chủng thường xuyên để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh

Tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ con trước bệnh tật

Vaccine – tấm khiên bảo vệ con

Cuối tuần tụ họp, nói lui nói tới, cuối cùng mấy người con của bà Lê Thị Liên (thị xã Hương Thủy) lại quay về mấy ổ dịch bạch hầu ở Tây Nguyên. Tây Nguyên xa Huế, nhưng có vẻ như nỗi lo của những người con bà Liên lại rất gần. Bởi lẽ, nhà nào cũng có con nhỏ và mọi người bắt đầu bàn tán sôi nổi đến chuyện tiêm mũi đi và mũi nhắc lại cho bọn trẻ. Trong số các loại bệnh được nhắc đến, có cả loại nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng, có loại ba mẹ phải bỏ kinh phí ra mua. Nhưng có vẻ như, sau khi trải qua mấy tháng trời giữ con khỏi COVID-19 và nỗi lo ấy giờ vẫn thường trực, thì việc có thể bỏ tiền để tiêm phòng bảo vệ con trước bệnh tật đã là sự may mắn rất lớn của mỗi người làm cha làm mẹ.

Là một người mẹ, bản thân tôi cũng đã rất lo lắng, thậm chí là hoang mang khi thời điểm con mình đến tháng phải được tiêm phòng, đâu đó vẫn xuất hiện thông tin có trẻ này trẻ khác gặp sự cố sau khi tiêm phòng. Nhưng rồi sự hoang mang ấy đã được củng cố bằng niềm tin đối với lợi ích của vaccine và việc tiêm chủng khi gặp câu chuyện của một chuyên gia y tế về vấn đề này.

“Bao giờ chúng ta có thể đưa một em bé sơ sinh qua nhà hàng xóm chơi?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi. Có rất nhiều đáp án được đưa ra, như: khi em bé đã có thể ngồi dựa vào người lớn; khi thời tiết đẹp; khi em bé khỏe mạnh; khi xung quanh không có người bị ốm… Nhưng vị chuyên gia chỉ ngắn gọn: “Ấy là khi em bé đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine đúng theo độ tuổi”. Điều đó cho thấy, vaccine có ý nghĩa dự phòng bảo vệ sức khỏe với mỗi trẻ nhỏ như thế nào.

Lợi ích lớn

Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vaccine để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Không giống như các can thiệp y tế khác, vaccine giúp cho dự phòng, bảo vệ sức khỏe. Đến nay, đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh. Vaccine và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm của nhân loại.

Vài năm trở lại đây, một phần quá lo lắng từ một số trẻ gặp dị ứng với thành phần của thuốc sau tiêm chủng, không ít người lo ngại đối với vaccine nên không cho trẻ tiêm vaccine. Điều này rất nguy hiểm, sẽ khiến cho nhiều trẻ bị virus tấn công vì không được tiêm chủng dự phòng. Dịch bệnh bạch hầu đang bùng phát tại khu vực Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh là một trong những minh chứng cụ thể, khi điều tra dịch tễ của Cục Y tế dự phòng cho thấy, đa phần bệnh nhân không được tiêm vaccine.

Tại địa bàn Thừa Thiên Huế, nhờ tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt trên 97%, nên nhiều bệnh truyền nhiễm đã được khống chế, không bùng phát thành dịch. Riêng với bạch hầu, nhiều năm trở lại đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh. Ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhấn mạnh: Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao và chỉ có thể dự phòng tốt nhất bằng cách tiêm vaccin đầy đủ. Nếu trẻ được tiêm phòng đầy đủ thì không có vấn đề gì phải lo lắng.

Hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế đang duy trì một nhóm zalo để kịp thời hỗ trợ thông tin, tư vấn về lịch tiêm và các loại vaccine cần thiết cho trẻ. Các bậc phụ huy có thể kết nối qua địa chỉ: https://zalo.me/g/cqisgq630 để được hỗ trợ một cách cụ thể.

Biết rằng, mỗi loại bệnh có một yếu tố dịch tễ khác nhau nhưng may mắn tất cả lại chung một điểm là có thể được kiểm soát bởi hành vi của con người bằng cách sử dụng vaccine để phòng bệnh. Do đó, việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người, mà còn là trách nhiệm của chúng ta với cộng đồng.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025
Chỉ 1 ca dương tính với bệnh sởi

Chiều 16/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho hay, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 16 ca sốt phát ban nghi sởi tập trung ở 5/9 huyện, thị và thành phố. Trong đó, Phong Điền, Quảng Điền, Nam Đông mỗi huyện đều có 4 ca bệnh. Riêng 1 bệnh nhi ở Quảng Điền có kết quả dương tính với bệnh sởi.

Chỉ 1 ca dương tính với bệnh sởi
ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực

Trong những năm gần đây, tầm quan trọng của vaccine đã và đang được nhấn mạnh. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày khoảng cách về năng lực của nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi nói đến đảm bảo tiếp cận vaccine kịp thời. Tương tự như các khu vực khác, ASEAN đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải tăng cường hệ sinh thái/cơ sở hạ tầng vaccine bằng cách sử dụng sáng kiến An ninh và Tự lực vaccine (AVSSR) để đối phó với những vấn đề này.

ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực

TIN MỚI

Return to top