ClockThứ Hai, 27/02/2012 05:58

Hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở

TTH - Đầu những năm 2000, tuyến y tế cơ sở vẫn còn thiếu hụt nhân lực. Nhiều trạm y tế, đặc biệt là A Lưới chưa có bác sĩ. Cơ sở vật chất ở hầu hết các trạm y tế đều xuống cấp. Không có trang thiết bị chẩn đoán, khám chữa bệnh... Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu đến nay mạng lưới y tế bước đầu hoàn thiện về mọi mặt.

 

 
Trăn trở
 
Thời kỳ làm Giám đốc Sở Y tế, bác sĩ Nguyễn Đức Huệ đã có kế hoạch hoàn chỉnh mạng lưới y tế. Công việc quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực, trước mắt là đội ngũ bác sĩ tại địa phương để phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh; chú ý vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Phương án đào tạo bác sĩ cho những học sinh tốt nghiệp phổ thông ở huyện A Lưới trình lên UBND tỉnh được ông  Ngô Hòa, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo tỉnh nhất trí đánh giá cao và nhanh chóng thực hiện. Đợt đầu chọn được 6 em, gửi về Trường đại học Y Dược Huế học thêm văn hóa, sau đó thi đại học. Sau 7 năm, số sinh viên này đã tốt nghiệp, trở thành bác sĩ về làm trưởng trạm các trạm y tế, bước đầu giải quyết được nguồn nhân lực.
Năm 2005, PGS.TS Nguyễn Dung tiếp tục sự nghiệp của Giám đốc Huệ. Giải pháp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, phủ kín bác sĩ ở các trạm y tế vẫn được ưu tiên hàng đầu. Trong lúc chờ đợi đào tạo nhân lực, ngành y tế đề xuất UBND tỉnh phương án “tăng cường bác sĩ về công tác tại trạm y tế xã”. Theo đó, tất cả các đơn vị y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức tăng cường bác sĩ về công tác tại trạm y tế trên địa bàn mình quản lý. Riêng A Lưới, chỉ có 4 trạm y tế có bác sĩ, vẫn còn 15 trạm y sĩ phải khám và điều trị bệnh, ngành thực hiện theo phương án tăng cường bác sĩ từ các đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh, công tác tại trạm, luân phiên 6 tháng một đợt. Đề án thực hiện qua hai giai đoạn.

Ngày 19/5/2005, đúng vào dịp sinh nhật Bác Hồ, ngành y tế long trọng tổ chức đợt ra quân đầu tiên đưa bác sĩ lên A Lưới.

Bác sĩ Trạm Y tế Phú Hải, Phú Vang khám bệnh

 
Hôm ấy, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, cuộc chia tay cảm động, nhưng đầy quyết tâm giữa người đi, người ở. Những bác sĩ lên miền núi hôm ấy đã hứa trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng sẽ vượt qua những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao. Và điều ấy đã trở thành hiện thực khi 15 xã của A Lưới lần đầu có bác sĩ về tận bản, cùng ăn, cùng ở để khám, điều trị bệnh cho nhân dân, giảm bớt những khó khăn cho người bệnh trong lúc trình độ dân trí địa phương chưa cao và còn tập quán lạc hậu trong chữa bệnh.
Hoàn thiện mạng lưới
Qua 6 năm triển khai dự án (2005-2011) có 405 bác sĩ được tăng cường về công tác tại các trạm y tế của các huyện, thị xã, thành phố, bảo đảm 100% trạm y tế có bác sĩ. Bác sĩ được bổ nhiệm làm trưởng trạm hoặc phó trạm, chịu trách nhiệm khám bệnh, kê đơn, hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ của trạm, xây dựng bổ sung cơ số thuốc cấp cứu, danh mục thuốc thiết yếu, xây dựng vườn thuốc nam, tham mưu ủy ban xã triển khai các hoạt động chương trình y tế quốc gia, tập huấn cán bộ y tế thôn bản công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường…
Để củng cố và hoàn thiện tuyến y tế cơ sở, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyển dụng, đào tạo, cập nhật chuyên môn cho cán bộ y tế. Phối hợp với Trường đại học Y Dược Huế, Trường cao đẳng Y tế Huế, tổ chức đào tạo nhân lực bằng nhiều loại hình: Chính qui, chuyển đổi, cử tuyển theo địa chỉ, đào tạo liên thông theo các chức danh.
Vừa đào tạo, vừa tăng cường bác sĩ về xã, đến nay A Lưới cơ bản đã phủ kín bác sĩ ở trạm. Theo bác sĩ Lê Văn Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế A Lưới, hiện A Lưới chỉ còn một trạm thiếu bác sĩ. Cuối năm 2012, sẽ bổ sung đủ khi lớp cử tuyển tốt nghiệp.
Dù tìm được giải pháp khắc phục, song do không có kinh phí nên Giám đốc Huệ không thể thực hiện được phương án xây mới, nâng tầng các trạm y tế, nên thời điểm trước năm 2005, toàn tỉnh vẫn còn 77% trạm y tế là cơ sở cấp 4. Trong tổng số 152 trạm, chỉ có 32 trạm tầng hóa; nhiều cơ sở xuống cấp, nằm trong vùng thấp trũng. Sau này nhờ tận dụng các nguồn ngân sách địa phương, đặc biệt các dự án của các tổ chức quốc tế, cuối năm 2009 toàn tỉnh có 80/152 trạm y tế được tầng hóa. Sau đó được sự hỗ trợ của dự án: “Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn” do Tổ chức AP tài trợ, cuối năm 2011, 152 trạm y tế được nâng cấp, tầng hóa, có đầy đủ 13 phòng chức năng theo qui định của Bộ Y tế hoạt động đạt hiệu quả.
Cũng nhờ các dự án trên, nhiều trạm y tế xã đã được đầu tư thêm trang thiết bị gồm 16 hạng mục, trong đó có những thiết bị giá trị, hỗ trợ cho bác sĩ khám bệnh như :Máy siêu âm, máy đo điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, giường khám bệnh, bộ tiểu phẫu…
Với việc hoàn chỉnh mạng lưới y tế cơ sở, chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh tại các trạm y tế ngày càng được nâng cao. Các trạm y tế đều tự khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các đối tượng bảo hiểm y tế, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, gia đình chính sách. Mỗi năm các trạm y tế thực hiện trên 4000 ca thủ thuật. So với trước đây, người bệnh được sử dụng các kỹ thuật xét nghiệm bằng các phương tiện chẩn đoán hiện đại hơn như: Siêu âm, điện tim, xét nghiệm, CIM nên đã điều trị đúng bệnh, đúng thuốc. Không còn tình trạng chuyển tuyến khi chưa điều trị. Bên cạnh đó, 100% trạm y tế đều có y sĩ y học cổ truyền, triển khai tốt việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp tây y. Các trạm y tế nâng cao chất lượng, đồng nghĩa với việc thực hiện tốt các chương trình y tế địa phương, quốc gia chống dịch bệnh. Các bác sĩ là trưởng, phó trạm y tế đã chủ động, phối hợp chính quyền, các ban ngành địa phương cùng giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý môi trường khi xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới như các loại cúm A, liên cầu lợn, chân-tay-miệng...
Để thực hiện tốt Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế và các Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe nhân dân, trạm y tế phường, xã đóng vai trò quan trọng, là đơn vị tuyến đầu trực tiếp tham gia trực tiếp các nhiệm vụ này và đưa các chủ trương, chính sách đến với cộng đồng, người dân, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất, chính là góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nếp sống văn hóa.
Đinh Hoàng Xuân Hồng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch

Can thiệp điều trị rối loạn nhịp, can thiệp mạch vành, bệnh tim bẩm sinh bằng dụng cụ, can thiệp điều trị suy tĩnh mạch... là một trong những kỹ thuật chuyên sâu được Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai thường quy trong thời gian vừa qua, đem đến cơ hội điều trị khỏi bệnh cho những người bệnh mắc các bệnh lý tim mạch, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng.

Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch

TIN MỚI

Return to top