ClockThứ Tư, 08/04/2015 18:29

Từ những mầm xanh

TTH - Mỗi lần có dịp về quê, tôi thường quan sát khu vườn. Có nhiều cây sau hàng chục năm xa cách vẫn uy nghi đứng đó, kể cả khóm hồng hoa đã nhạt đi cái màu tươi rói của thiếu nữ xuân thì. Lạ nhất là cây mít nằm ngang sau hồi nhà, nó vẫn đâm chồi trổ lá. Tôi có một cách gọi khác với những mầm xanh ấy: Nỗi Nhớ. Cây dẫu bị đốn song vẫn tiết bằng hết nhựa còn lại trong thân mà sống, sống đến khô queo kỳ thôi. Là vì nó nhớ. Nhớ cái không gian được vươn cành tỏa bóng, nhớ những cây cối trong vườn, nhớ người thường tưới nước vào những ngày nắng hạ, nhớ những quả mình đẻ đau, nhớ đất trời cỏ lạ... Nỗi nhớ giúp nó duy trì sự sống, là tín hiệu diệu kỳ nhắc nhở những sinh mệnh vô tri giữa bất tuyệt dòng đời.

Một bụi trầu xanh um hái được cả gánh, một ngày chợt vàng nhẵn, rồi thảy lá đều rụng trơ thân. Một ao sen hồng rực, tàn thu réo rũ! Vẫn có ai đó chờ ao khô lội xuống đào củ sen làm thuốc, chế biến đồ ăn. Cây sen mong manh là thế lại dâng cho đời dưỡng chất từ gốc lẫn ngọn; hoa dâng hương cho những ai đang nhiếp tâm thiền định, dâng cho đời sự tinh triết của sắc màu. Rồi chừng như, khi tất cả tưởng lụi tàn dưới lớp bùn bệch bạc, những mầm sen mới lại đâm chồi để viết tiếp nỗi nhớ về cõi thanh cao thuần khiết. Đời thực vật thật đáng để con người cúi mình tạ ơn. Một vị chân tu từng nói: “Lúc quý vị tu lên tầng trên, thì cỏ cây hoa lá cũng hân hoan chào đón. Thiển nghĩ cây cỏ, mệnh sinh là cống hiến. Đời thực vật khác với loài động vật là không kêu van oán thán, bởi chúng đạt đến triết lý cống hiến”.

Tôi trước hết là một nông dân, lên phố bao năm vẫn bùn đất chiêm trũng bám đầy trí nhớ. Không thể không mang ơn cây lúa. Thương những chiều đỏ ối hoàng hôn chạy băng băng trên cánh đồng đã gặt, cái cảm giác gốc lúa nhột nhạt dưới gan bàn chân còn mãi. Thương những lần dầm chân trong bùn nhổ mạ để mẹ kịp cấy. Ruộng biền ở mép sông, nước lúc nào cũng quá gối. Lúc gặt xong không ai bứt toóc nên thời gian sau tự nhiên chúng lại mọc “nhánh”, trổ lúa chét. Đó âu cũng là nỗi nhớ cuối cùng, sự dâng hiến tận cùng của một vòng đời cây lúa. Lũ chúng tôi thường đi mót thứ lúa bảy phần dẹp ấy về cho vịt ăn... Hồi còn sinh viên “quà” cha mẹ gửi vào là những bao gạo. Tính tiền không nhiều, nhưng cứ nghĩ đến nỗi cực nhọc mình từng lầm lũi trên đồng ruộng thuở nào mới thấm thía bát cơm nấu từ gạo quê nhà. Thường thì cái khổ phải quên đi, vậy mà sống ở thành phố, tôi lại nhớ bữa ăn mặn chát soi chung mấy khuôn mặt quanh ngọn đèn dầu thuở ấy. Nhiều lần chạy xe về vùng ven tìm lại bức tranh quê, sao xa lạ quá chừng. Máy móc đã thay trâu bò, đỡ đần nhiều công sức của nông dân, lẽ ra phải vui mới phải. Những giống gạo xưa làng tôi gieo trồng, nay hỏi ra không người nhớ.
Ngồi ở ngôi nhà cũ, nhìn ra vườn hoa dại ngút ngàn lốm đốm nở, tôi ngỡ mùa xuân còn đương độ. Sự nở của hoa đều chung ý nguyện khoe sắc tiết mật, để cuộc đời vợi bớt muộn phiền. Rất nhiều cội mai thân bị cưa, vẫn gượng đâm lên những mầm xanh mởn. Sự nhẫn nại tuyệt vời ấy tôi chỉ thấy ở các bậc thiền sư đã hoàn toàn quay về với tự tánh, một phen buông xả thân vô thường hư huyễn...
Đâu có chất nào vĩnh viễn mất đi. Đời thực vật lặng lẽ sống trọn đời dâng hiến. Thân gỗ mục một ngày vô tình mọc nấm mà trước lúc hái, ta có thể ngắm chúng như một loài hoa vốn dĩ là dòng hồi ức từ luân kiếp. Tôi, cũng chính là nỗi nhớ thẳm sâu nhất của đời mẹ.
NHỤY NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà

TIN MỚI

Return to top