ClockThứ Tư, 06/12/2023 07:26

Tìm cách lưu giữ tác phẩm mỹ thuật giá trị cho Huế

TTH - Hiện vật là ngôn ngữ của bảo tàng, là cơ sở cho mọi hoạt động của bảo tàng. Không có hiện vật thì không có bảo tàng, không có trưng bày bảo tàng và các hoạt động khác của bảo tàng. Hiện vật vừa là trung tâm, vừa là điểm xuất phát của bảo tàng. Ngoài phát huy hai bộ sưu tập của họa sư Lê Bá Đảng và điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, một trong nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng sau khi được thành lập đó là hình thành bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật.

Ra mắt bộ sưu tập tranh quý của họa sĩ Huế 57 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật giao lưu văn hoá Việt - LàoHọa sĩ Đặng Mậu Tựu và “Hạt bụi nhân gian”

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế 

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã chia sẻ như thế khi bảo tàng này đánh dấu cột mốc quan trọng, kỷ niệm 5 năm thành lập (2018-2023). Dịp này, bộ sưu tập hơn 100 tác phẩm mỹ thuật của các tác giả tên tuổi được bảo tàng sưu tập sẽ được triển lãm, trưng bày đến công chúng.

Thưa bà, sau 5 năm thành lập, dấu ấn quan trọng nhất trong việc sưu tầm, phát huy giá trị của Bảo tàng Mỹ thuật Huế là gì?

Bảo tàng Mỹ thuật Huế ra đời trong niềm hân hoan, thỏa mong ước bao nhiêu năm của những người yêu mỹ thuật trong cả nước nói chung, nghệ sĩ và công chúng tỉnh nhà nói riêng. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban ngành trong việc xây dựng, hình thành thiết chế văn hóa không thể thiếu của vùng đất Cố đô - nơi có truyền thống văn hóa lâu đời, trong đó mỹ thuật Huế với những đóng góp đáng tự hào vào sự phát triển chung của nền mỹ thuật Việt Nam.

Kể từ ngày thành lập đến nay, bảo tàng đã phát huy tốt công năng của 2 Không gian trưng bày nghệ thuật đương đại của hai nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới: Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị. Cùng với đó, đã trưng bày, triển lãm mỹ thuật, quảng bá văn hóa, nghệ thuật Huế nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, tôn vinh quảng bá giá trị di sản văn hóa Huế đến công chúng trong và ngoài nước.

Hàng năm, bảo tàng tổ chức, phối hợp các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tổ chức 10-15 hoạt động văn hóa nghệ thuật và trưng bày triển lãm chuyên đề. Bảo tàng đón và phục vụ hàng trăm ngàn lượt khách tham quan trong nước và nước ngoài đến tham quan, thưởng lãm; là một trong những địa chỉ văn hóa hấp dẫn, thu hút công chúng.

Ngoài hai Không gian Nghệ thuật Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng đã có hiện vật cố định, Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật vẫn đang trong hành trình sưu tầm các tác phẩm có giá trị. Đến thời điểm này, việc sưu tầm đã đạt được những thành tựu gì?

Bên cạnh tổ chức trưng bày cố định và phát huy giá trị nghệ thuật các bộ sưu tập của họa sư Lê Bá Đảng và điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, một trong nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng sau khi được thành lập đó là hình thành bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật.

Trong 5 năm, bảo tàng đã sưu tầm 68 tác phẩm mỹ thuật bằng kinh phí ngân sách nhà nước từ các họa sĩ, nhà điêu khắc là người Huế; sinh sống, học tập và làm việc ở Huế - những nghệ sĩ đã góp phần xây dựng nên nền mỹ thuật Huế, từ những thập niên đầu của thế kỷ 20 đến nay.

Cùng với đó, đã vận động các tổ chức, cá nhân, họa sĩ, nhà sưu tập hiến tặng gần 350 hiện vật, tác phẩm mỹ thuật, tư liệu phù hợp; 800 tác phẩm ký họa về di sản văn hóa Huế. Tất cả đáp ứng cho công tác nghiên cứu và nội dung trưng bày của Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật.

Quá trình sưu tập đó có khó khăn không, thưa bà?

Đa số những nghệ sĩ, gia đình nghệ sĩ đang còn sinh sống ở Huế nên công tác sưu tầm có nhiều thuận lợi trong việc nghiên cứu, khảo sát và trao đổi trực tiếp với nghệ sĩ hay gia đình của nghệ sĩ nhằm lựa chọn những tác phẩm tốt cho bảo tàng. Bên cạnh đó, gia đình họa sĩ, họa sĩ cũng rất tin tưởng khi đưa tranh vào bảo tàng sẽ được lưu giữ, bảo quản tốt hơn cũng như quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước về tác phẩm, tác giả. Vì thế, sự thương thảo về giá chuyển nhượng tác phẩm cho bảo tàng được gia đình họa sĩ, họa sĩ quan tâm, tạo điều kiện với mức giá ưu đãi rất nhiều so với giá tranh thị trường.

Tuy nhiên, số lượng tranh hiện có của các cố họa sĩ, họa sĩ có tên tuổi ở Huế không còn nhiều. Một số gia đình không có ý định chuyển nhượng tác phẩm cho bảo tàng vì mong muốn lưu giữ những tác phẩm còn lại của người thân của mình, hoặc có định hướng mở Gallery tranh gia đình… Vì thế, sự tiếp cận để trao đổi, thuyết phục gia đình chuyển nhượng gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, nhu cầu hưởng thụ cũng như mong muốn sưu tập, sở hữu tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ tên tuổi ở Huế càng cao nên thị trường tranh trên thế giới cũng như trong nước trở nên sôi động, nhộn nhịp và có sự chuyển biến giá cả tranh theo hướng tăng cao. Điều đó ít nhiều dẫn tới công tác sưu tập, tranh cho bảo tàng khó cạnh tranh với các nhà sưu tập tư nhân về cả điều kiện kinh phí cũng như cơ chế thực hiện. Nguy cơ những tác phẩm tốt của các nghệ sĩ Huế sẽ được các nhà sưu tập sở hữu, thì bảo tàng khó có điều kiện để sưu tập lại vì giá cả sẽ rất cao so với sưu tập từ gia đình cố họa sĩ, họa sĩ.

Được biết kinh phí chi cho việc sưu tầm các tác phẩm giao động từ 2-3 tỷ/năm. Số tiền này được giới chuyên môn cho rằng khá khiêm tốn, bà nghĩ sao về điều này?

Kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho sưu tầm cụ thể 1 tỷ đồng vào năm 2018, 3 tỷ/năm từ năm 2019 đến 2022 và 2 tỷ đồng cho năm 2023. Trong số 68 tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu được sưu tập từ nguồn ngân sách đó, tập trung vào các loại hình như hội họa, điêu khắc, đồ họa, video art.

Tuy nhiên, chừng đó chưa thể đáp ứng được yêu cầu hình thành nội dung Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật. Vì vậy, phải khẩn trương đẩy mạnh công tác sưu tầm, quan tâm đầu tư kinh phí sưu tầm tác phẩm mỹ thuật. Có như thế mới đáp ứng nhu cầu trưng bày phục vụ công chúng của bảo tàng và kịp thời giữ lại các tác phẩm tốt cho Huế, cho bảo tàng.

Kể từ khi thành lập đến nay đã 5 năm nhưng bảo tàng vẫn chưa được bố trí địa điểm cho không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật, đồng nghĩa với việc các tác phẩm sau khi sưu tầm về đều được cất kho. Điều này ảnh hưởng đến vai trò của bảo tàng trong xã hội như thế nào?

Tác phẩm mỹ thuật sau khi được sưu tầm, bổ sung vào bộ sưu tập của bảo tàng phải được tổ chức trưng bày để giới thiệu, quảng bá giá trị tác phẩm, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của công chúng trong nước và bạn bè quốc tế, đồng thời góp phần bảo quản tốt hơn tác phẩm. Thế nhưng, bảo tàng vẫn chưa có Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật dẫn tới gặp rất nhiều khó khăn và chưa thể tổ chức trưng bày, giới thiệu quảng bá giá trị nghệ thuật bộ sưu tập của bảo tàng. Vì vậy, bảo tàng chưa thể thực hiện hết các chức năng, nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực trưng bày, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật của vùng đất Cố đô.

Mục tiêu của bảo tàng trong thời gian tới nói chung và việc sưu tập, tìm kiếm địa điểm cho Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật nói riêng?

Bảo tàng tiếp tục phát huy những lợi thế của đơn vị, những thành quả đạt được trong thời gian qua trên các lĩnh vực sưu tầm, lưu trữ và phát huy giá trị nghệ thuật các bộ sưu tập của bảo tàng. Tiếp tục kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh và các cơ quan, ban ngành có liên quan quan tâm bố trí địa điểm phù hợp tổ chức trưng bày và phát huy tốt giá trị nghệ thuật của các bộ sưu tập của bảo tàng nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, thưởng lãm nghệ thuật của công chúng trong nước và nước ngoài. Hoàn thiện các đề cương, đề án nội dung, giải pháp trưng bày của bảo tàng,... tiến tới hình thành Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật.

Đồng thời, bảo tàng sẽ đẩy mạnh công tác tham mưu sưu tầm tác phẩm mỹ thuật, bổ sung vào sưu tập của bảo tàng, nhằm đáp ứng nội dung trưng bày của Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật với nội dung đặc trưng của vùng đất Cố đô.

Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đổi mới trưng bày, ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động bảo tàng; tiếp tục tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế về hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm mở rộng mối quan hệ giao lưu hợp tác giữa Việt Nam và các nước nói chung; giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các địa phương của các nước nói riêng.

Xin cảm ơn bà!

NHẬT MINH (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới
Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế

Tuần qua, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và trước thời điểm Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, báo chí đã thông tin nhiều sự kiện tôn vinh các giá trị di sản văn hóa Huế, trong đó có buổi ra mắt cuốn sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) – một góc nhìn” (100 năm văn học Huế) tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao 23-25 Lê Lợi – ngôi biệt thự đẹp nhất bên sông Hương có từ trước 1945.

Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế

TIN MỚI

Return to top