ClockThứ Bảy, 16/05/2020 12:30

Hy vọng về một thế giới bình yên

TTH - Mùa dịch COVID-19 truyền cảm hứng cho các họa sĩ xứ Huế vẽ nhiều bức tranh về chủ đề đang được cả thế giới quan tâm. Không chỉ thể hiện trực diện việc phòng chống dịch bệnh, nhiều bức tranh thể hiện mong ước về sự bình yên, truyền đi niềm hy vọng, ấm áp cho người xem.

Họa sĩ Trương Bé – họa sĩ bậc thầy trong hội họaVăn nghệ sĩ đấu giá tác phẩm ủng hộ cuộc chiến chống dịch COVID-19Ở nhà xem triển lãm về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Tác phẩm “Tạ ơn” của họa sĩ Tô Trần Bích Thúy

Ngay khi nới lỏng giãn cách xã hội, họa sĩ Tô Trần Bích Thúy hoàn thành bức tranh khổ lớn có chủ đề “Tạ ơn” bằng sơn dầu. Trong tác phẩm, chị thể hiện vẻ đẹp của hoa cẩm tú cầu, bởi đây là loài hoa tượng trưng cho sự biết ơn chân thành.

Những ngày diễn ra dịch bệnh cũng mang đến cho họa sĩ Bích Thúy những chiêm nghiệm, ngẫm ngợi về cuộc sống, thiên nhiên và đại dịch toàn cầu cũng như điều cần phải làm sau mùa dịch. Bức tranh “Lưới nghiệp” với hình ảnh những con cá đang tung tăng bơi lội bị bủa vây không có lối thoát là lời cảnh tỉnh mọi người cần nhìn lại ứng xử của mình đối với môi trường sống, cần phải giữ gìn và bảo vệ trái đất.

Trong mùa dịch COVID-19, họa sĩ Nguyễn Thị Huệ cho ra đời 3 tác phẩm: “Đảo lộn”, “Nghịch cảnh” và “Qua cầu” bằng chất liệu acrylic. Cả ba bức tranh đều là khung cảnh tĩnh lặng, vẻ đẹp yên bình của xứ Huế trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội với lời nhắn nhủ: Dù cuộc sống bị “Đảo lộn” hay gặp “Nghịch cảnh”, chúng ta hãy yên lặng quan sát và hãy “Qua cầu” để nhận ra sự thơ mộng của Huế hiện ra trong cái nhìn kinh ngạc.

Họa sĩ Nguyễn Thị Huệ bộc bạch: “Mùa dịch COVID đã đảo lộn mọi sinh hoạt. Khi mọi thứ đảo lộn, chúng ta cảm thấy khó chịu, có thể sợ hãi nhưng khi quan sát như một người ở trong vùng cách ly thì sẽ nhận ra, nhiều khi sự đảo lộn tạo ra một cái gì đó mới lạ. Thành phố giảm hẳn sự hối hả, không còn cảnh quán xá ồn ào, những buổi chiều kẹt xe... Khi dạo quanh phố, mọi người nhận ra sự thơ mộng của sông Hương và có thể nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Ngang qua cầu Trường Tiền, biết đâu bạn nhìn thấy hàng cây xanh xao đón ưu phiền trong ca khúc của Trịnh Công Sơn…”.

Tác phẩm “Mong cho thế giới bình yên” của họa sĩ Đặng Mậu Tựu

Ra đời trong những ngày ở nhà chống dịch, bức tranh “Diệt COVID” của họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn là ước mong đại dịch sẽ nhanh chóng được đẩy lùi. Bức tranh thể hiện hình ảnh virus SARS-CoV-2 bị các y bác sĩ tấn công, tiêu diệt. Bằng chất liệu màu nước trên giấy, tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn vẽ rất nhanh khi những cảm xúc về cuộc chiến chống COVID dâng trào. Ngoài bức tranh “Diệt COVID”, họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn còn vẽ tác phẩm “Chung tay xé tan COVID” kêu gọi mọi người cùng chung tay để diệt dịch COVID -19.

“Mong cho thế giới bình yên” bằng acrylic của họa sĩ Đặng Mậu Tựu lại thể hiện niềm mong về sự bình yên cho toàn thế giới. Bức tranh với màu sắc tươi sáng như hoa nở mùa xuân, những thành quách rực rỡ, lung linh trong nắng mang đến cho người xem niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng khi dịch bệnh qua mau. Điểm nhấn của bức tranh là cô gái Huế mặc áo dài trắng tượng trưng cho sự trong trẻo, để người với người đối xử với nhau bằng tất cả tình người trong sáng, đẹp đẽ.

Nhiều họa sĩ khác cũng khắc tả vẻ đẹp phong cảnh thanh bình, êm ả của Huế trong mùa dịch như lời khẳng định về một xứ sở yên bình riêng có. Thể hiện một đôi thuyền lững lờ trôi trên mặt nước dưới chân cầu Hắc Báo bên đường Trần Văn Kỷ (TP. Huế), sự yên bình trong bức tranh “Áng mây xưa” của họa sĩ Nguyễn Khắc Tài cũng chính là sự cầu mong bình an cho mọi người.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều hy vọng từ Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025

Với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới”, Huế sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung mọi nguồn lực tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia và tạo ra nhiều giá trị để phát triển du lịch cho các năm tiếp theo.

Nhiều hy vọng từ Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025

TIN MỚI

Return to top