ClockThứ Tư, 02/12/2020 06:45

Chuyện nhà in Đắc Lập ở Huế

TTH - In ấn và báo chí là lĩnh vực công nghiệp văn hóa đặc trưng từng rất phát triển ở kinh đô Huế từ đầu thế kỷ XX, với sự hội tụ của nhiều doanh nghiệp cả nước, nhằm truyền bá tư tưởng, giáo dục truyền thống và khơi dậy lòng tự hào của quốc dân đồng bào. Có thể kể đến vai trò nổi bật của cụ Huỳnh Thúc Kháng đến từ xứ Quảng với báo Tiếng Dân, nhà in Tiếng Dân; cụ Viễn Đệ xứ Huế với hãng dầu Khuynh Diệp và nhà in Viễn Đệ, nhất là sự đóng góp to lớn của một doanh nhân miền Bắc: cụ Bùi Huy Tín với nhà in Đắc Lập và báo Tràng An.

Giới thiệu tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình”Đọc tờ báo in, nó sướng…

Trang bìa báo Tràng An số 16 (1935)

Từ tháng 9/1919, trong bối cảnh tranh thương với Hoa kiều, một phong trào được khởi xướng mạnh mẽ từ Nam kỳ rồi lan dần ra khắp cả nước, các nhà thương mại ở Huế cũng rất nhiệt thành trong việc tranh thương, cùng nhau hợp lại để dựng nên một tổ chức lấy tên là Thuận Thành thương quán. Lúc này, ông Bùi Huy Tín trong vai trò là ủy viên thương mại Hà thành, đang công tác tại Huế, đã được những nhà thương mại Hà thành liên lạc yêu cầu ông về gấp để giải quyết vấn đề này đang ngày một nóng lên.

Hội Doanh nhân Huế khi lập nên Thuận Thành thương quán đã điện báo và mời ông Bùi Huy Tín tham gia, cũng với mục đích tranh thương. Điểm đángchú ý là trong chương trình hoạt động của Thuận Thành thương quán cũng có một khoản mở nhà in, “lạ gì người An Nam mình, vốn thì ít mà việc gì cũng muốn làm”. Do thiếu nguồn lực nên Thuận Thành thương quán không đủ điều kiện để lập nhà in, giao phó tất cả cho ông Bùi Huy Tín và ngay sau đó, ông đã sang gặp ông Bauguaert đề nghị mua sở đất về sau là nơi làm nhà in Đắc Lập. Sau khi mua đất, ông trích ra 25.000đ bạc để xây dựng nhà in, rồi về Bắc mua một nhà in cũ, cùng tất cả đồ cơ khí kèm theo với giá 10.000đ bạc, cho xe lửa chở vào, thuê tạm hai gian nhà ở cửa Thượng Tứ để vận hành xưởng in.

Sáu tháng sau, khi nhà in ở phố Paul Bert (nay là Trần Hưng Đạo) hoàn thành thì mới dọn toàn bộ cơ sở ở Thượng Tứ về. Lúc này, ông Bùi Huy Tín được Thượng thư bộ Học Thân Trọng Huề đề nghị nên lập hội nhà in để kêu gọi các thành viên đóng góp cổ phần nhằm có thêm sức mạnh và cũng gắn kết mọi người. Ý kiến đó được đem ra bàn bạc, nhận được sự đồng ý của nhiều người, tuy nhiên công việc cứ dùng dằng mãi khi nhà in vẫn chưa được đặt tên.

Muốn nhà in có một cái tên xứng đáng, ông xin bệ kiến vua Khải Định để tâu rõ tình hình về việc ấn quán và vấn đề trụ sở in ấn, với lập luận Huế là Kinh đô mà không có nhà in thì quả thật là một điều khiếm khuyết lớn. Tháng 4/Năm Giáp Tý (1924), khi Bùi Huy Tín xin lập báo quán ở Kinh, tâu xin, từ mục đích bảo tồn luân lý, được vua Khải Định đặc biệt ban tên Thần kinh vệ cương báo (sau này chính là Trường An cận tín, rồi Tràng An, Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ thất kỷ, QSQ triều Nguyễn, Cao Tự Thanh dịch, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr. 458).Trong buổi chầu, ông Bùi Huy Tín xin đức Hoàng đế cho phép lập nhà in, ân tứ ban tên, ngài liền lấy từ tên ông mà ban cho chữ Đắc Lập ấn quán, sâu xa từ ý nghĩa nhân văn: Nhân vô tín bất lập, hữu tín ư đắc lập (nghĩa đại ý "Người mà không có  tín thì không đứng được với đời"). . Ngoài ra, nhà vua còn cho phép các quan lục bộ ai cũng có thể góp cổ phần nhà in.

Trong cổ phần nhà in có 5 vạn, riêng ông Bùi Huy Tín chiếm 2,8 vạn nhưng trong quá trình vận hành vẫn dễ thiếu nên ông lại phải cho vay. Vạn sự khởi đầu nan, ba năm đầu nhà in lỗ vốn tới 25%, thay nhiều người quản lý mà vẫn chưa ổn, các cổ đông thấy lỗ vốn nên nhiều người xin rút. Theo điều lệ hội, nếu vốn chưa lỗ đến 50% thì công ty không được giải tán, không ai được rút vốn, nhưng ông vì tình vì tín nên mua lại hết cổ phần đó, lên đến 2/3 cổ đông, mà lại trả đủ nguyên vốn, không trừ 25% đã lỗ.

Nhà in Đắc Lập mở ra với mong muốn mở mang tri thức và cả trách nhiệm trước đoàn thể, nghĩa đồng bào trong buổi tranh thương chớ chưa hẳn là vấn đề lợi nhuận bởi vốn đầu tư lớn, khó sinh lợi, bởi khắp cả nước đã có nhiều gương đầu tư thất bại trong lĩnh vực này. Điểm đặc biệt là dù nhà in lỗ vốn, Bùi Huy Tín vẫn không thoái chí, quyết kiên nhẫn duy trì. Ông liền đổi quản lý, tìm người có nghề, ông tự đảm trách việc ngoại giao cho nhà in, đem việc lỗ vốn trần tấu hoàng đế, trình quan Khâm sứ Pasquier, xin hai chánh phủ hỗ trợ công việc để duy trì nhà in Đắc Lập. Ông còn cầu cứu sự hỗ trợ công việc in ấn từ chính phủ bảo hộ Vientiane (Lào). Nhờ vậy mà chỉ năm sau, công việc bắt đầu phát đạt, gỡ được hòa vốn 25% lỗ trước đây và từ năm sau nữa, công ty được chia lãi từ 12-18%.

Theo điều lệ thì Công ty Đắc Lập có hạn cam kết hoạt động 8 năm, tới hạn mà giải tán công ty thì ông phải mua lại tất cả trang thiết bị máy móc và hàng hóa theo như nguyên giá ban đầu. Cho nên đến cuối năm 1928 thì mãn hạn và Đắc Lập ấn quán thuộc sở hữu riêng của gia đình Bùi Huy Tín (Tràng An báo, số 479, ngày 12/12/1939).

Gắn liền với nhân vật Bùi Huy Tín, ngoài những công trình xây dựng, đồn điền của một ông thầu khoán, đặc biệt phải kể đến Nhà in Đắc Lập và các tờ báo Trường An cận tín (1930-1932), Tràng An báo (1935-1945), La Gazette de Hue (1935-1944)... cùng nhiều công trình sách quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học và hành chính, có nhiều đóng góp nổi bật trong sứ mệnh truyền bá tri thức khoa học, giao tế và hành chính xã hội... rộng khắp trong xã hội Huế - miền Trung và cả đất nước Đại Nam đầu thế kỷ XIX.

Trần Đình Hằng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Người dân tập trung cập nhật sinh trắc học trong ngày làm việc đầu năm

Dù đã có nhiều thông báo về việc cập nhật sinh trắc học trước thời điểm 1/1/2025 để đảm bảo không bị dừng các giao dịch thanh toán trực tuyến, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa cập nhật sinh trắc học cho tài khoản ngân hàng điện tử. Vì thế trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2025, các ngân hàng đều đón một lượng khách hàng đến cập nhật thông tin sinh trắc học rất đông

Người dân tập trung cập nhật sinh trắc học trong ngày làm việc đầu năm
Đô thị di sản và hướng đi riêng có của Huế

Huế từ hôm nay, ngày 1/1/2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam và được xem là “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ là đô thị di sản đẳng cấp của Việt Nam, Huế còn được các tổ chức thế giới đánh giá cao trong công cuộc bảo tồn những giá trị ngàn xưa để lại và được phát huy giá trị một cách hiệu quả với những đặc thù, riêng biệt.

Đô thị di sản và hướng đi riêng có của Huế
Huế trở thành điểm cuốn hút các đoàn làm phim

Nổi tiếng là đô thị di sản cổ kính, Huế nhờ thế trở thành điểm đến của điện ảnh trong nước lẫn quốc tế. Mỗi công trình kiến trúc, hay một danh thắng, địa danh nào đó ở Huế đều có thể trở thành bối cảnh trong các bộ phim từ điện ảnh cho đến phim ngắn. Điều này đã ít nhiều tạo thương hiệu giúp du lịch địa phương bùng nổ.

Huế trở thành điểm cuốn hút các đoàn làm phim

TIN MỚI

Return to top