ClockThứ Ba, 01/01/2019 16:48

Chuyện cũ Giác Hoàng

TTH - Khi chuyển lên vùng đồi núi An Tây (TP. Huế) để xây dựng cơ sở mới, một trong những hạng mục được Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế khởi công và khánh thành đầu tiên là chùa Giác Hoàng. Cái tên Giác Hoàng xuất phát từ cụm từ Điều Ngự Giác Hoàng- Một danh xưng của đức Phật. Nhưng với nhiều người, cái tên Giác Hoàng còn gợi nhắc về một cảm xúc thật đặc biệt...

Giao lưu Phật giáo Việt Nam - Nga - Ấn ĐộHàng ngàn người tham gia lễ rước Phật cầu quốc thái dân anChùa cổ Giác Lương - ngôi chùa làng đầu tiên của Thừa Thiên Huế được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia

Danh thắng một thời

Cảnh chùa Giác Hoàng được vẽ và in trong tập Ngự đề đồ hội thi tập (Dẫn từ Website Trung tâm BTDTCĐ Huế)

Lật lại lịch sử, cách đây tròn 180 năm, tại Kinh đô Huế, mùa xuân năm Kỷ Hợi-1839 đã đánh dấu sự ra đời ngôi Quốc tự mang tên Giác Hoàng mà quy mô, cảnh sắc và sự nổi tiếng của nó đã được vua Thiệu Trị liệt vào một trong 20 cảnh đẹp nổi tiếng đất Thần kinh (Thần kinh nhị thập cảnh) và đề thơ cho khắc vào bia đá dựng làm kỷ niệm. Chùa tọa lạc ngay sau cửa Thượng Tứ (Đông Nam môn) trong Kinh thành Huế, tại số 23 Tống Duy Tân, nơi mà dân Huế vẫn quen gọi là Tam Tòa.

Nguyên thủy, khu đất này được Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa thứ 8 của vương triều Nguyễn chọn làm trung tâm thủ phủ Phú Xuân (còn gọi là Chính dinh). Đến thời Gia Long, ông đã cho quy hoạch, mở rộng Kinh thành rộng rãi, đồ sộ như hiện nay, Chính dinh được ban làm chỗ ở cho Hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng sau này). Sau khi nối nghiệp, mùa xuân năm Kỷ Hợi (1839), nhân chuẩn bị cho lễ Ngũ tuần đại khánh và kỷ niệm 20 năm lên ngôi, thế nước lúc ấy làm vua Minh Mạng cảm thấy hài lòng, mới dụ bảo triều thần: "Ta nhớ lúc còn là hoàng tử được tiên đế yêu thương ban cho “tiềm để” (nơi ở của vua khi còn là hoàng tử) ở phường Đoan Hòa góc Đông Nam bên ngoài hoàng thành... Cuộc đất đó rất quý, nên xây dựng một ngôi chùa thờ Phật để tụ linh khí, phát phúc lâu dài". Ý chỉ của vua đã được triều đình thực hiện. Chùa được mô tả: Từ ngoài đi vào qua khỏi cổng tam quan là một vườn cảnh, rồi đến lầu hộ pháp, ở giữa là Đại hùng bửu điện, hai bên có tả vu, hữu vu. Kế tiếp là điện Đại bảo, phía trái trước điện có giếng “Thanh Phương”. Phía sau là hai dãy tăng xá, trai đường. Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định (1784-1847, Tổ khai sơn chùa Từ Hiếu) được phong giữ chức Tăng cang đầu tiên của chùa. Quốc tự Giác Hoàng là nơi tổ chức các nghi lễ Phật giáo của hoàng gia và triều đình, đồng thời là một thắng cảnh nổi tiếng ở đất kinh kỳ.

“Tam Tòa” - nơi ngày trước là Quốc tự Giác Hoàng

Quốc tự Giác Hoàng được vua Thiệu Trị xếp là cảnh đẹp thứ 17 của đất Thần kinh và có thơ đề vịnh. Bài thơ "Giác Hoàng phạn ngữ" của vua được khắc vào bia đá dựng bên trái ngôi chùa, tuy bây giờ đã thất tán nhưng ta có thể tìm được trong thư tịch cổ nhờ ý chỉ "cố định hóa" 20 thắng cảnh bằng tranh vẽ, bia đá, mộc bản của vua Thiệu Trị.

Vết thương phải nhớ...

Sau gần nửa thế kỷ "mõ sớm chuông khuya" cùng sông Hương núi Ngự, sự biến "Thất thủ kinh đô" 23/5 năm Ất Dậu (5/7/1885) đã tạo cớ cho giặc Pháp chiếm giữ và sau đó triệt giải, thay đổi toàn bộ công năng chùa Giác Hoàng. Thoạt tiên là làm trại lính, đến thời Thành Thái khi đã "chùa đổ sư tàn", Giác Hoàng bị triệt giải để xây Viện Cơ Mật, tòa nhà 2 tầng ngay giữa trung tâm đất chùa làm chỗ hội họp của hội đồng thượng thư Nam Triều dưới sự chủ tọa của... Khâm sứ Pháp; phía trước là 2 dãy nhà, một làm nơi làm việc của các ông Hội lý người Pháp bên cạnh Bộ Hình và Bộ Lại. Một nữa làm Bảo tàng Kinh tế. Vì có 3 tòa nhà như vậy nên dân Huế gọi là Tam Tòa. Và cái tên Tam Tòa "đóng đinh" trong nhiều người cho đến bây giờ dù công năng của cụm kiến trúc này liên tục thay đổi theo thời gian: Trong khoảng 1955 – 1975, là tòa án và văn phòng các cơ quan tư pháp địa phương của chế độ cũ. Sau năm 1975 là trụ sở của Ủy ban Quân quản Trị Thiên-Huế, rồi lần lượt là trụ sở của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên (1976-1989), Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (1989-2000). Từ tháng 10/2000 cho đến nay là trụ sở Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Giếng cổ Thanh Phương nay vẫn còn

Khi chùa bị triệt giải, triều đình đã cho chuyển các pho tượng "Tam thế" và nhiều đồ tự khí "di tản" sang Gia Hội "ngụ" ở Diệu Đế, cũng là một ngôi Quốc tự tại kinh đô Huế. Riêng quả Đại hồng chung thì được cất giữ trong kho của Vũ khố. Đến thời Bảo Đại, các pho tượng "Tam thế" được cung thỉnh lên thờ tại chùa Vạn Phước (Trường An - Huế). Riêng quả Đại hồng chung thì nay không biết lưu lạc phương nào...

Cùng "thọ nạn" trong biến cố lịch sử 1885 với Giác Hoàng là Linh Hựu Quán- cảnh đẹp thứ 12 trong "Thần kinh nhị thập cảnh". Linh Hựu quán thoạt đầu được xây làm nơi thờ tự đạo Lão, nhưng sau không tìm được vị đạo sĩ nào đủ tài năng đức độ nên triều đình cho thỉnh các vị cao tăng về, quán trở thành chùa, làm nơi chiêm bái, hành lễ của hoàng gia. Sau sự biến 1885, đệ thập nhị cảnh nay là nhà thờ Tây Linh. Từ Giác Hoàng, Linh Hựu, ngẫm chuyện "bãi bể nương dâu", giới nghiên cứu đã liệt kê không ít ngôi chùa Phật nổi tiếng ở xứ ta đã biến mất. Bạn đọc hẳn phải giật mình nếu biết trên nền đất Nhà thờ chính tòa Hà Nội vốn là chùa Báo Thiên- Ngôi Quốc tự hơn 1.000 năm tuổi đất Thăng Long,"một trung tâm in ấn kinh sách, giáo dục tăng đồ lớn của đất bắc". Ở miền Nam, chùa Khải Tường- ngôi chùa xây dựng bên cạnh thành Gia Định để kỷ niệm nơi vua Minh Mạng chào đời cũng bị giặc Pháp cưỡng chiếm, phá hủy... "Mái chùa chở che hồn dân tộc", là nơi sinh hoạt, nơi bồi đắp, hun đúc tính cách người Việt. Phải chăng vì thế mà người Pháp nhất định phải đưa chùa vào "tầm ngắm" để tính kế "sâu rễ bền gốc" cho giấc mộng thôn tính nước ta?

Nhắc lại chuyện Giác Hoàng Quốc tự để người đời đừng bao giờ quên một thời kỳ đen tối của lịch sử dân tộc. Và để tự hào, trân quý, nâng niu những thành quả mà chúng ta đang được thụ hưởng bây giờ...

Hy Khả

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán:
Nhiều đóng góp vào công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo

Cùng với các hoạt động văn hóa định kỳ, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán kết hợp một số đơn vị, tổ chức thực hiện nhiều chương trình văn hóa có ý nghĩa, trong đó có những cuộc tọa đàm, hội thảo liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo.

Nhiều đóng góp vào công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo
Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan chúc Tết cổ truyền Việt Nam

Ngày 22/1, tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Huế, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan (Lào) do Đại tá Khăm Phạ May – Xay Phu Ban, Phó Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ nhiệm kỹ thuật làm trưởng đoàn, đến chúc Tết cổ truyền Việt Nam, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan chúc Tết cổ truyền Việt Nam
Để khách hạng sang “rút hầu bao”

Tài nguyên văn hóa, du lịch cùng những tiềm năng về du lịch là yếu tố thu hút các dòng khách hạng sang đến Việt Nam nói chung, Huế nói riêng. Thế nhưng, để những vị khách này “chi tiền” cho hoạt động du lịch, đòi hỏi phải có những dịch vụ xứng tầm cùng nhiều giải pháp khác.

Để khách hạng sang “rút hầu bao”

TIN MỚI

Return to top