ClockChủ Nhật, 29/10/2023 20:50

Thêm điển tích về đầm phá

TTH - Thừa Thiên Huế có nhiều những điển tích, giai thoại gắn liền với vùng đất kinh kỳ. Đi đến đâu, khách du lịch cũng có thể nghe người hướng dẫn viên kể về lịch sử của vùng đất, về tập tục văn hóa, về những điển tích thú vị. Tuy vậy, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lại đang làm khó những người làm du lịch bởi sự thiếu hụt thông tin về những tích xưa.

Tài nguyên văn hóa dân gian vùng Tam Giang - Cầu HaiPhát huy giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trong phát triển du lịch Ra mắt mô hình bảo tồn thiên nhiên trên phá Tam Giang

Đoàn rước trong lễ Thu tế làng An Truyền (xã Phú An, Phú Vang) 

Khó tìm nguồn thông tin

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của những tour du lịch tại phá Tam Giang - Cầu Hai, ngày càng có nhiều du khách đến để thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên đầy kỳ thú vùng đầm phá. “Trong những chuyến đi, chúng tôi thường kể cho du khách nghe về những điển tích gắn liền với mảnh đất đang đặt chân tới. Ở Đại Nội hay chùa Thiên Mụ thì chúng tôi thường kể những câu chuyện gắn liền với các vị vua chúa, các “mệ”… Tuy vậy ở vùng đầm phá, kho tàng chuyện kể vẫn đang còn quá ít ỏi”, ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Du lịch Huế Tourist chia sẻ.

Theo ông Hào, du khách đến phá Tam Giang không chỉ cảm thấy thích thú bởi vẻ đẹp sông nước mà còn tò mò về những đặc trưng rất riêng của vùng đầm phá, như: chiếc cờ phướn, những bàn thờ, lễ hội cầu ngư của người dân địa phương... “Có nhiều du khách hỏi chúng tôi về việc vì sao những chiếc cờ phướn lại được người dân xé rách ở phần đuôi. Chúng tôi chỉ có thể giải thích chung chung rằng đó là tập tục từ đời xưa truyền lại, ngư dân quan niệm nếu chiếc cờ phướn càng rách nhiều, thì càng mưa thuận gió hòa, câu được nhiều cá. Bản thân tôi cũng đã thử tìm kiếm trên internet về những điển tích vùng đầm phá, nhưng thông tin vô cùng khan hiếm”, ông Hào bộc bạch.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh cho biết, vào những năm 2000, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế cũng từng phối hợp với Liên hiệp các hội VHNT tỉnh để cho sinh viên đi điền dã thực địa, ghi chép lại những câu chuyện dân gian, điển tích về vùng đầm phá Tam Giang. Tuy vậy, vì nhiều lý do, những chuyến điền dã này không đạt được nhiều kết quả và đã dừng lại từ lâu.

“Hiện tại, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cần triển khai lại những cuộc điền dã để ghi chép về văn hóa ở vùng đầm phá bởi những thế hệ cũ, còn nhớ về những điển tích ấy đã và đang dần không còn nữa. Nếu không nhanh chóng thực hiện, chúng ta sẽ mãi mãi thất truyền những điển tích ấy. Đó cũng là điều mà Liên hiệp các hội VHNT tỉnh trăn trở”, ông Hồ Đăng Thanh Ngọc nói.

Bảo vệ văn hóa dân gian đầm phá

Nhà nghiên cứu Lê Văn Miên từng nhận định: “Hệ thống đầm phá còn có nét “văn hóa sông nước” đặc thù riêng mang dấu ấn văn hóa xưa cũ nhưng rất hiền hòa, nhân hậu, thuần lương. Nét văn hóa mang triết lý sống theo tự nhiên, sống hòa mình vào thiên nhiên, thuần theo tự nhiên, xa lánh mọi nhiễu nhương, phiền toái trên đời. Rất tiếc nét văn hóa này đang ngày càng bị pha tạp”.

Liên hiệp các hội VHNT tỉnh và Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trong phát triển du lịch” vào đầu tháng 10. Hội thảo đã đề cập đến những vấn đề liên quan đến văn hóa đầm phá, như: đặc điểm hình thành quá trình tụ cư lập làng, sinh kế truyền thống của cư dân ven biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; văn hóa văn nghệ dân gian cổ truyền...

Có nhiều nhà nghiên cứu dành sự quan tâm về mô hình du lịch cộng đồng, nhiều tham luận đề xuất mô hình tham quan nghề đóng thuyền truyền thống vùng đầm phá Tam Giang, du lịch văn hóa ẩm thực nhìn từ làng Ngư Mỹ Thạnh, phát triển du lịch trên cơ sở lợi thế tự nhiên, tiềm năng di sản và truyền thống văn hóa ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang, sản phẩm của các làng nghề truyền thống ven vùng đầm phá như nghề đan đệm bàng làng Phò Trạch, nghề đan lưới ở làng Vân Trình…

Mô hình sân khấu thực cảnh cũng rất đáng quan tâm khi vùng Tam Giang - Cầu Hai có nhiều thuận lợi như không gian rộng rãi, quang cảnh phù hợp, có nhiều điểm để dựng sân khấu… Mô hình thiết kế kiến trúc với ý tưởng thiết kế không gian trải nghiệm làng chài Ngư Mỹ Thạnh, nhằm kết nối người dân sống ở trên đất liền và ngư dân bám biển sinh sống ở thuyền đò, giữa du khách với ngư dân cũng là một hướng đi được Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao đánh giá cao. Nhiều ý tưởng về các tour, tuyến cũng được đề xuất như tour tham quan Túy Vân - Linh Thái và cửa biển Tư Hiền, làng Mỹ Lợi, làng An Bằng và “thành phố lăng”; tham quan ven đầm phá Vinh Hưng, vùng biển Thuận An, làng Thai Dương Hạ, vùng biển Phong Hải, tham quan Điền Môn - Điền Lộc, tham quan đầm phá Hà Trung - Vinh Hà…

Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc chia sẻ, việc nhận diện các giá trị văn hóa liên quan đến “Công viên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai” là rất quan trọng. Các sản phẩm du lịch phải đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, di sản văn hóa, quyền lợi của cộng đồng. Sản phẩm du lịch văn hóa dân gian kiên quyết chống hàng giả, hàng nhái. Vì thế, không đóng giả lễ hội, không làm giả các nghi lễ linh thiêng để thu hút khách dẫn đến tình trạng giải thiêng.

Bài: Đăng Trình - Ảnh: Phan Trung
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
Con đò trên phá Tam Giang

Giữa những làn sóng vỗ bập bềnh pha lẫn một chút hương vị mặn mòi của gió biển, phá Tam Giang hôm ấy lộng lẫy ánh nắng vàng rực. Dưới mái che của con đò nhỏ, chị Thương, một người phụ nữ vẫn từng ngày lặng lẽ mưu sinh nơi linh hồn của con nước.

Con đò trên phá Tam Giang
Mãn nhãn với dù lượn trên phá Tam Giang

Trong 2 ngày 8-9/6, trên bầu trời đầm phá Tam Giang và biển Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) đã diễn ra những màn trình diễn dù lượn đầy ấn tượng, độc đáo, tạo cảm giác lạ lẫm, thích thú cho người dân và du khách.

Mãn nhãn với dù lượn trên phá Tam Giang

TIN MỚI

Return to top