ClockChủ Nhật, 23/12/2018 07:41

Vết chàm

TTH - Mẹ nào chẳng yêu con nhưng có lẽ bà có nhiều lý do hơn để tình mẫu tử càng sâu nặng.

Đáy giếng

Vết chàm nâu to bằng nửa bàn tay ngang ngược dán ngay nơi má phải và kéo xuống cổ khiến nhan sắc cô gái bị hạ cấp kinh khủng. Cái vết đáng ghét ấy hệt như dấu trừ to tướng công khai thách thức, phủ nhận phần còn lại của khuôn mặt dễ thương. Điều an ủi duy nhất là cái vệt nâu ấy hơi lùi về phía sau, ngay dưới tai chứ không chình ình giữa mặt tiền nên cũng đỡ chướng.

Lần đầu con trai dẫn bạn gái về, bà cứ ngớ người, nhìn mãi vào chỗ dị thường ấy; cô gái ngượng ngùng cúi xuống, trong khi chàng trai lấp khoảng trống bằng tiếng nói cười giả lả nhằm đánh lạc hướng quan tâm của mẹ. Nhưng cái vết chẳng mong muốn kia cứ ám ảnh, khiến bà không yên; chẳng đặng đừng, bà thẳng thắn bàn lùi với con. Chàng trai khoác tay qua vai mẹ, trấn an bằng lời khẳng định ngay và luôn: “Cô ấy tốt tính lắm, mẹ ạ”. Biết ngăn cũng chẳng được, bà im; để cho đôi trẻ nên duyên chồng vợ.

Mẹ nào chẳng yêu con nhưng có lẽ bà có nhiều lý do hơn để tình mẫu tử càng sâu nặng. Sau khi có con gái đầu lòng, vợ chồng bà kế hoạch; một chút rủi ro khiến bà mãi vẫn không có được đứa thứ hai như mong đợi. Khi con đầu vào đại học, bà ngoài bốn mươi và ông sắp đón tuổi năm mươi cũng đồng thời đón luôn quý tử. Niềm vui miên man kéo dài nhiều tháng ngày sau đó; lòng yêu con của bà không thể sánh với những gì có thể đo đếm. Nói dại, nếu rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã khi chỉ được chọn sự sống của mẹ hoặc con, chắc hẳn bà sẵn sàng kết thúc đời mình và mỉm cười nhìn con trước khi nhắm mắt.

Bởi yêu con nên bà luôn muốn giữ nó trong vòng tay của mình. Cả khi đã chạy nhảy tung tăng, thằng bé vẫn chưa rời vú mẹ; vừa ở nhà trẻ về hay rời đám bạn là nó chạy lại vạch áo mẹ. Lắm lúc bà ngồi trên ghế, nó đứng dưới đất hồn nhiên ôm vú, mặc chị gái xua tay: “Lêu, lêu, sắp có bồ mà còn bú! Mắc cỡ chưa?!” Trừ những lúc ở trường, thằng bé không rời mẹ; nó chỉ vắng nhà một chút, bà đã chạy đi tìm. Nếu con đang chơi với bạn mà bỏ chạy về khóc là được mẹ tiếp ứng ngay. Bà le te chạy đi tìm căn nguyên; nếu đứa nào nhỡ dại đụng vào thằng bé là bà làm việc với bố mẹ nó liền.

Chồng mất rồi con gái lấy chồng xa, tình thương bà dành cho con trai nhân lên. Được cái, thằng bé không vì được nuông chiều mà sinh hư, nó sớm có tính tự lập. Những khi mẹ làm thay, bao cấp thái quá trước người khác, nó còn tỏ ra xấu hổ, cố khẳng định mình: “Mẹ đừng! Để con…” Khi con học xong đại học, mẹ lên lộ trình cưới vợ cho nó, cụ thể chặt chẽ như kế hoạch tác chiến; tất nhiên, không thể thiếu nhân sự đối tác. Đáp lại, con chỉ cười cười, khất lần như người ta khất nợ, những cô gái bà ưng ý nó đều lờ đi. Đùng một cái, nó dẫn cô kia về trước sự ngỡ ngàng của mẹ.

 Mong con có vợ nhưng khi nó kết hôn bà lại man mác; người như bị phân thân- mừng vui và buồn tủi. Đứa con vốn quấn quýt mẹ như hình với bóng dường như đã vuột khỏi tay bà rồi; thời gian nó dành cho vợ còn nhiều hơn cho mẹ, nó cũng ít thỏ thẻ chuyện riêng tư với mẹ như ngày nào. Ngoài những lúc ăn uống, dọn dẹp nhà cửa, đôi vợ chồng trẻ lại vào buồng riêng, mặc bà lẻ loi với chiếc ti-vi cùng căn phòng rộng. Trong những bữa cơm, thấy hai đứa âu yếm hoặc vui đùa với nhau, bà bỗng thấy mình lạc lõng, như thừa ra.

Con dâu gần gũi, lễ phép với mẹ nhưng vẫn chưa được mở lòng đón nhận, bà vẫn chăm chăm soi mói người dưng. Những cử chỉ quan tâm của con dâu còn bị mẹ cho là làm màu, rồi tủi thân khi nhớ lời người xưa “Thương chồng mới nghĩ mụ gia/Cảnh tôi với mụ chẳng bà con chi”.

Con vì vội đi làm mà quên chào mẹ hay đôi vợ chồng trẻ ngủ dậy muộn… cũng có thể khiến mẹ nặng lời. Đến nhà con gái chơi, thấy con rể giúp vợ rửa bát, lau nhà, giặt đồ… bà ca ngút trờ  lại còn khoe con gái có phước nhờ chồng. Cũng những việc ấy nhưng con trai làm liền bị mẹ mắng “đội vợ lên đầu”, “làm mất thể diện đàn ông”.  Được con tặng quà sau chuyến công tác, bà lén nhìn gói quà nó cho vợ, ngầm thắc mắc khi thấy gói kia to hơn. Lời con sau đó đã giải tỏa nỗi phân vân suýt biến thành ấm ức trong lòng mẹ: “Nghe nói sâm Ngọc Linh tốt lắm nên con mua hai củ để mẹ dùng dần.” “Gói to xác kia chắc chắn chẳng phải sâm nhung rồi”- Bà tự xoa dịu bằng ý nghĩ bé mọn ấy.

Con dâu lấy làm khó hiểu trước nóng giận bất chợt của mẹ, lắm lúc cô trố mắt do bị quở trách không đâu. Không khí trong nhà nặng nề bởi hai người đàn bà luôn thủ thế, dè chừng nhau. Lắm khi bà giật mình, bần thần bởi không hiểu sao mình lại thế. Cũng đúng thôi, lòng ích kỷ lẩn khuất trong mỗi người, đâu dễ nhận diện, thoát ra. Bà đâu hay, đã có lúc dâu con định dọn ra riêng nhưng rồi nhanh chóng phá sản ý đồ ấy bởi không nỡ để mẹ một mình.

Đang son rỗi, đôi vợ chồng trẻ kéo nhau đi du lịch suốt, khi theo tour, lúc đi cùng đoàn cơ quan chồng hay nhóm bạn làm ăn của vợ. Những chuyến đi liên miên đến hao người sạm da khiến đôi trẻ thích thú. Được con mời đi cùng, mẹ xua tay lắc đầu để rồi những ngày trơ trọi cùng ngôi nhà vắng, cảm giác buồn  tủi dâng đầy. Con trai còn có chế độ nghỉ phép của cơ quan nhưng con dâu cứ đóng cửa sạp vải dài dài để dẫn nhau đi lông bông như thế thì mất khách hết còn làm ăn gì nữa! Bà thẳng thắn nói với con ý nghĩ ấy. Con trai nhìn mẹ, tươi cười: “Giờ rảnh rỗi còn tung tăng; mai chiều có con thì đi đâu được nữa, mẹ”.

Quả đúng thế, khi có thêm thành viên mới - đứa cháu đích tôn của bà thì cả nhà thay đổi, không chỉ nếp sống hàng ngày mà hình như cả trong tâm tưởng. Đầu tiên là người mẹ trẻ, từ dáng vóc đến ăn mặc, ngủ nghỉ đều đảo lộn. Những bộ quần áo là lượt phẳng phiu đến ruồi sà vào cũng trượt chân té giờ được thay bằng những bộ đồ ngủ quăn queo như lò xo, đến đầu tóc cũng chẳng kịp chải thì nói gì đến nước hoa, son phấn. Thậm chí người còn phảng phất mùi nước tiểu của con. Ông bố trẻ bị vợ xua ra ngủ riêng vì sợ cả buổi chơi thể thao nên nhỡ ngủ mê đè cái chân to như cột đình lên con thì chết! Chẳng cần vợ lên tiếng, chuỗi âm thanh “không nghe, không nghe” om sòm cả đêm của thằng bé khác nào đuổi ông bố trẻ ra xa. Cứ đêm xuống chị lại lo bởi thằng bé quen ngủ ngày thức đêm khiến người mẹ trẻ mất ngủ triền miên, mắt thâm quầng, người hốc hác, khuôn mặt xanh xao khiến vết chàm trên má càng hiện rõ.

Bà vui, niềm vui còn lan tỏa đến thì tương lai, khi nghĩ rằng, đứa cháu kia đã cho đời bà và dòng dõi được kéo dài, được hiện hữu với đời, cả khi bà đã rời xa trần thế. Ý nghĩ ấy đưa bà gần lại con dâu - người đang nâng niu niềm vui cho cả nhà. Nhiều đêm nghe tiếng ru khàn khàn rời rạc từ phòng bên, bà không ngủ được; lắm lúc đứng lặng nhìn con ôm cháu đi ra đi vô ru nựng với vẻ mệt mỏi  nhưng kiên nhẫn tột cùng, bà thương. Tình cảm ấy cứ lớn dần, lấn át sự nhỏ nhen trong lòng mẹ. Hầu như đêm nào bà cũng sang phòng con dỗ cháu để mẹ nó chợp mắt. Sáng sáng, bà lại hối hả đạp xe đi tìm quán phở hay bún giò con hay ăn để mua. Thường thì sau sinh nở, người ta ăn khỏe và lên cân nhưng con dâu bà thì ngược lại, lắm hôm chị chỉ nuốt tí nước và vài sợi phở rồi buông đũa bởi “không ngủ được, đắng miệng quá”. Đã thế, người gầy giơ xương như vừa qua cơn bạo bệnh. Vậy là bà phải làm cái việc trước đó chưa từng là dỗ con cố ăn thêm chút nữa rồi gặng hỏi con thích món gì để mẹ chiều.

Khi cháu vào lớp mầm và con dâu trở lại bình thường thì bà đổ bệnh. Sau lần bị tai biến, bà đi lại nói năng đều khó. Việc nhà lại dồn lên vai con dâu. Hết chăm con, chị lại quay qua lau chùi, giặt giũ cho mẹ, rồi còn bao việc nhà và sạp vải ngoài chợ. Dường như chị lập trình sẵn, mở mắt ra là làm việc không ngơi tay đến dáng đi lúc nào cũng tất bật. Điều an ủi với bà là không khi nào thấy con dâu cau có, kêu ca.

Một hôm, vừa xoa bóp cho mẹ chị vừa nói, sẽ sang nhượng sạp vải ngoài chợ để về mở quầy tạp hóa tại nhà. Bà tròn mắt nhìn con: “Sao lại thế, sạp vải đang thịnh trong khi nhà mình ở đường cụt, mua bán sao được!?”. Con nắm chặt tay mẹ, giãi bày: “Con biết; nhưng mẹ như này mà chúng con đi vắng cả ngày, không yên lòng được, mẹ ạ”. Bà hình như muốn nói điều gì nhưng rồi thôi, nhìn lảng ra sân, cố nén xúc động. Cả đêm thao thức, bà nghĩ về con dâu, bên niềm vui còn có những điều khiến bà tủi hổ.

Mấy hôm sau, lựa lúc không có con trai ở nhà, bà gọi con dâu lại. Bà vịn tường lần ra bàn uống nước ngồi với con, sau một đỗi bao đồng, bà lên tiếng về điều cần nói. Theo bà, ngày trước khó khăn nên người ta chỉ lo cái ăn cái mặc nhưng giờ đã khác, làm đẹp đang là nhu cầu của nhiều chị em, lắm người lúc nào cũng rực rỡ như thỏi son và thơm như lọ nước hoa mở nắp. Bà nhìn con, dịu giọng: “Con cũng nên dành thời giờ chăm chút cho mình, đừng quá vì mẹ, vì chồng con mà đâm ra lùi xùi, không chăm lo sắc vóc”. Bà ngừng một lát, giọng bỗng xa xăm: “Mẹ hiểu những nết tốt của con trai mình nhưng tình cảm đâu phải là bất biến; vả lại, đàn ông yêu bằng mắt mà. Hẳn con biết mình nên làm gì”.  Đáp lại, con chỉ cười cười rồi“dạ, dạ…”; vẫn chưa hết ngạc nhiên, bởi lần đầu nghe mẹ khuyên như một người bạn.

Sau cùng, bà đưa ra bọc giấy được bao lớp ni-lông bên ngoài và ràng mấy lớp dây chun, nhìn con nói nhỏ: “Đây là số tiền mẹ dành dụm bấy lâu để phòng thân nhưng nay đã có các con nên chẳng phải lo gì nữa. Con giữ lấy, để làm ăn hay mua sắm gì thì tùy.” Chị ngớ người, môi hấp háy định nói nhưng mẹ ra hiệu im rồi hạ giọng: “Con nên dành một phần trong số tiền này để đến thẩm mỹ viện xóa vết chàm kia đi, con ạ.”

Chị tròn mắt, nghẹn giọng: “Mẹ…”

Nguyễn Trọng Hoạt

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bếp lửa của mẹ

Trước đó, cùng với năn nỉ mẹ bỏ bếp củi, tôi kêu thợ đúc đanh, xây bệ, lát gạch men tạo nên không gian mới sáng sủa ngay cạnh gian bếp nhem nhuốc, rồi mua bếp gas lắp vào.

Bếp lửa của mẹ
Khoảng trống trên đồng

Sau những đợt quy hoạch đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa bờ vùng khiến cánh đồng làng tôi ngay ngắn, thẳng tắp.

Khoảng trống trên đồng
Bức tường rào

Nhà nàng cách nhà anh không phải dậu mồng tơi mà là bức tường quét vôi vàng, cao mét tám, mặt trên lởm chởm mảnh chai xanh đỏ trắng vàng. Sau khi ba nàng yên vị trên chiếc ghế giám đốc sở và sau nhiều bữa liên hoan chúc mừng, chia tay, cả nhà dọn lên thành phố này.

Bức tường rào
Lợi và hại

Gần cơ quan tôi có một quán cơm hến được nhiều thực khách cho là ngon nên luôn đông khách; không chỉ người trong vùng mà cả du khách từ mấy khách sạn gần đó cũng thường đến ăn.

Lợi và hại
Ai cười, ai khóc

Nhân là con út của dì tôi, chưa thành cử tri đã “thành danh” với bao tai tiếng.

Ai cười, ai khóc

TIN MỚI

Return to top