ClockThứ Bảy, 20/04/2019 10:55

Mảnh đất nào cũng sẽ nở hoa

TTH - Sang cười. Vẫn nụ cười vô hồn mỗi khi trở về nhà. Nó khác hẳn với vẻ mặt hạnh phúc của Sang khi ở với bạn bè hay những người đàn bà khác.

Dòng sông trôi mãiĐến với tình yêu

Đã ba đêm nay, sau khi ru các con ngủ say, Xuyên lại ngồi trước trang giấy trắng. Nhưng không một dòng chữ nào được viết ra, tay nặng như chì, cất lên chẳng nổi. Vậy mà trước đây những lúc buồn tủi chị đã nghĩ chỉ cần có một tờ giấy trắng, một cái bút trong tay là cuộc hôn nhân này sẽ kết thúc nhanh thôi. Chị phải thương lấy mình chứ, cứ sống như thế mãi sao được. Người ta có chồng là để cùng nhau đỡ đần, chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống. Chị có chồng như không, quanh năm thui thủi gánh gồng. Chồng chị là kiểu đàn ông đề cao bản thân và tự huyễn hoặc về nỗi cô đơn. Lúc nào Sang cũng nghĩ mình bị cả thế giới bỏ rơi, không một ai hiểu mình nên cứ lăn xả đi tìm người tri kỷ. Mặc kệ vợ con mình nheo nhếch với món nợ mấy trăm triệu đồng do làm ăn thua lỗ. Một người chồng như thế chị còn tiếc nuối gì?

Sang nghe chuyện ly hôn chỉ cười. Ai đó hỏi định tính thế nào? Sang bảo chả có gì phải tính. Con chia đôi, tài sản cũng không có gì ngoài món nợ hai bên gia đình. Nợ ai người ấy trả, con ai người ấy nuôi. Nhẹ bẫng như thể suốt bao nhiêu năm nay Xuyên xoay xở mưu sinh là vì người khác. Nếu Sang chỉn chu làm ăn thì đâu đến nỗi nợ nần chồng chất. Ba năm trời đằng đẵng, Sang ở nhà chìm đắm trong những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Mấy đêm nay khi ngồi trước tờ giấy trắng chị cay đắng tự hỏi từ khi về nhà chồng đã bao giờ chị không làm tròn phận sự dâu con? Chị vừa về làm dâu thì mấy cô em chồng thi nhau cưới. Lo từ đôi đũa mớ rau đến vài chỉ vàng cho em dắt lưng về nhà chồng. Rồi thì ma chay, mồ mả, giỗ tết một năm biết bao nhiêu khoản. Người ta nói, “gái có công chồng chẳng phụ”, vậy mà Sang tệ quá. Lúc ngồi trong buồng tắm nhìn cơ thể mình bầm dập sau trận cãi vã với chồng, Xuyên thương mình đến từng ý nghĩ.

- Anh có chắc nuôi nổi con không?

- Cô đừng lo. Tôi chắc chắn sẽ kiếm cho con một người mẹ tốt.

- Một người mẹ tốt ư? Anh là bố nó, anh đã tốt được với con mình chưa mà chờ thiên hạ?

- Cô nói xem tôi có gì không tốt?

- Vậy anh nói xem anh tốt ở điểm nào?

Sang cười. Vẫn nụ cười vô hồn mỗi khi trở về nhà. Nó khác hẳn với vẻ mặt hạnh phúc của Sang khi ở với bạn bè hay những người đàn bà khác. Nhiều năm qua Xuyên chịu đựng cảnh chồng mình chung chạ hết người này đến người khác chỉ vì nuôi hy vọng rằng sẽ có lúc người chồng quay đầu lại. Giờ ly hôn kiểu gì Sang cũng giành nuôi một đứa dù có khi chẳng phải vì “không thể sống thiếu con”. Chị thừa biết nhà chồng toan tính, muốn giành nuôi đứa cháu đích tôn. Để sau này còn lo việc hương khói tổ tiên. Chị chẳng muốn xa con vì biết thằng bé sống với cha sẽ khổ. Rồi Sang sẽ lấy vợ, sinh con. Rất ít người đàn bà đủ bao dung để yêu thương con riêng của chồng mình. Đến lúc đó đứa con trai bé bỏng của chị sẽ sống trong buồn tủi. Ngày xưa, Xuyên từng đứng bên hàng rào cúc tần nghe người đàn bà vừa ru con vừa khóc: “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Hỏi ra mới biết cô ấy vừa phải đành lòng bỏ lại một đứa con đứng bơ vơ bé bỏng ngoài cổng nhà chồng.

Xuyên gập tờ giấy trắng trước mặt mình lại, lên giường nằm cùng các con. Chị hít hà mùi tóc, nắm níu từng ngón tay xinh. Đôi khi tiếng gió khua cũng tưởng như tiếng người mở cổng. Đã bao lâu rồi Xuyên cứ đợi cạn ngày như thế, thấp thỏm lo âu trong từng đêm vắng. Chắc là đã đến lúc chị phải sống khác đi. Sáu năm nay chị chưa từng nghĩ đến bản thân mình. Chị lao vào bán buôn cóp nhặt từng đồng bạc lẻ nuôi cả gia đình. Vậy mà Sang vẫn trách móc đủ đường. Những người chỉ biết cầm tiền tiêu sẽ không hiểu nổi nỗi vất vả của người kiếm nó. Lỗi là tại Xuyên đã quá dung túng cho chồng. Xuyên phải học cách để Sang bươn chải và thấm thía. Phải chờ trong bao lâu thì Xuyên không biết. Chị cũng không dám chắc mình đủ kiên nhẫn để chờ. Biết đâu đến một lúc nào đó con tim chị sẽ vui trở lại mà chẳng cần đến sự tồn tại của Sang. Giờ thì chị sẽ chọn giải pháp ly thân để có thêm thời gian được gần gũi các con. Biết đâu sau này nếu Sang đi bước nữa có khi anh sẽ nghĩ lại chuyện giành quyền nuôi thằng nhỏ. Thế sẽ tốt cho mẹ con Xuyên…

- Mẹ ơi! Sao mấy sáng nay thức dậy con đều thấy trên bàn có một tờ giấy trắng. Mẹ định viết gì sao?

- Đúng con à. Nhưng có lẽ là không cần nữa.

- Chắc là điều khó viết phải không hả mẹ? Con cũng đang có bài tập làm văn không biết viết thế nào?

- Đề bài như thế nào vậy con?

- “Các em hãy tả về bữa cơm chiều sum vầy ấm cúng có đầy đủ các thành viên gia đình sau một ngày làm việc”. Mà nhà mình thì lâu lắm rồi đâu có bữa cơm nào đầy đủ. Mẹ bảo con phải viết thế nào?

Xuyên ôm con vào lòng. Có những nỗi buồn trong lòng con trẻ khó có cách gì xoa dịu nổi. Như thỉnh thoảng con vẫn hỏi “sao lâu rồi không thấy bố về nhà?”. Rồi con không hỏi nữa vì sợ mẹ buồn. Đến bữa cũng không còn lấy thêm bát đũa vì sợ lúc dọn mâm đứa em gái sẽ hỏi “bố không ăn cơm nhà thì ăn cơm ở đâu vậy mẹ?”. Có hôm con mang đôi dép của bố ra đặt trước cửa nhà. Hỏi để làm gì? Con gãi đầu cười bảo “cho người lạ tưởng nhà mình có đàn ông sẽ không dám nhòm ngó nữa. Tại con thấy cụ Thêm từng bảo mấy kẻ gian hay để ý những nhà toàn đàn bà trẻ con mẹ ạ”. Có hôm nửa đêm con vòng tay ôm lưng Xuyên, thủ thỉ “mẹ đừng buồn. Sau này lớn lên con sẽ thay bố lo cho mẹ và em”. Thấy con hiểu chuyện hơn những đứa trẻ cùng trang lứa, Xuyên lại thêm buồn.

- Có khi chỉ cần ba người cũng đủ vui con à.

- Vậy thì mẹ đừng khóc đêm nữa nhé. Nhà mình sẽ luôn đầy ắp tiếng cười.

- Ừm… mẹ hứa.

- Mà mẹ ơi. Nếu sau này bố trở về nhà thì bốn người chúng ta vẫn sẽ như xưa chứ?

- Đó là chuyện của sau này con à.

Câu hỏi của con khiến lòng Xuyên thắt lại. Chị không biết có ngày ấy thật không. Nếu có, mọi chuyện cũng khó như xưa được. Những vết thương trong lòng người lớn khó lành hơn con trẻ. Mọi thứ đều cần có thời gian. Tha thứ hay buông bỏ. Ra đi hay trở về âu cũng là số phận. Trải qua những biến cố thăng trầm Xuyên nhìn cuộc đời đã khác xưa. Bây giờ một ngày của chị chật ních những thương yêu. Dẫu nhọc nhằn mưu sinh nhưng chỉ cần nghĩ về các con là thấy lòng ấm cúng. Sau một ngày buôn bán ngược xuôi Xuyên bình thản rẽ vào ngõ chợ. Mua con cá tươi, vài quả me chua là đủ ấm một gian bếp nhỏ. Ba mẹ con quây quần ngồi gắp cho nhau những miếng ngon, kể chuyện vui ở trường, nói với nhau về tổ chim trên cây khế cơm trong sân xóm trọ. Những tiếng gió trong đêm cũng không còn khiến Xuyên thao thức. Vùi mặt vào mớ tóc thơm tho của các con mà ngủ để sáng mai thức dậy bắt đầu một ngày mới nhọc nhằn. Lúc ấy Sang ở đâu? Làm gì? Với ai? Thực ra cũng không còn quan trọng nữa.

- Sau này, khi trả xong hết nợ nần mẹ sẽ mua một mảnh đất xây nhà. Sẽ chừa một mảnh đất nhỏ để trồng cây. Các con thích cây gì?

- Con thích trồng một giàn nho nhỏ. Chiều mùa hè kê bàn ngồi học dưới tán nho. Những chùm quả treo trên đầu lủng lẳng.

- Con thích trồng hoa hồng mẹ ạ. Và thêm những cây ớt góc vườn.

- Sao con gái mẹ lại thích trồng ớt chứ?

- Là con trồng cho bố. Bữa cơm nào bố cũng phải có vài quả ớt đấy thôi.

Xuyên ngồi dưới hiên nhà miên man nghĩ về một ngôi nhà và mảnh vườn qua lời kể của những đứa con. Trong mắt của trẻ thơ mảnh đất nào rồi cũng nở hoa. Khu vườn nào rồi cũng xanh bóng mát…

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khơi nguồn hạnh phúc

Người khuyết tật có thêm cơ hội phát triển sinh kế, trẻ mồ côi được đồng hành và tiếp sức đến trường. Những việc làm ý nghĩa và nhân văn này của Hội Người khuyết tật – Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi (NKT – BT NKT&TMC) tỉnh (nay là thành phố Huế) đã giúp hàng nghìn hoàn cảnh yếu thế trên địa bàn.

Khơi nguồn hạnh phúc
Khởi nghiệp trên đất biên cương

Từng bôn ba vài năm ở TP. Hồ Chí Minh để lập nghiệp, nhưng Hồ Viết Ái Duy (27 tuổi) đã quyết định trở về khởi nghiệp trên chính mảnh đất biên giới A Lưới quê hương, với mô hình nuôi heo hữu cơ.

Khởi nghiệp trên đất biên cương
Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1: Áp lực từ trường học

Tại Thừa Thiên Huế, nhiều trường học đang hướng đến xây dựng một môi trường giáo dục lý tưởng khi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc, là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp.

Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1 Áp lực từ trường học
Thông tin doanh nghiệp:
Thông báo thành lập Quỹ từ thiện Hạnh Phúc (Happy Charity Fund)

Quỹ Từ thiện Hạnh Phúc hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế...

Thông báo thành lập Quỹ từ thiện Hạnh Phúc Happy Charity Fund
Xây dựng trường mầm non hạnh phúc

Ngày 18/10, tại Trường mầm non I, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị chuyên đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc – Lấy trẻ làm trung tâm”.

Xây dựng trường mầm non hạnh phúc

TIN MỚI

Return to top