ClockThứ Hai, 12/09/2022 14:13

Những người nông dân phục dựng hát múa sắc bùa

TTH - Hát múa sắc bùa làng Phò Trạch (xã Phong Bình, huyện Phong Điền) là một hình thức lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc, tuy vậy trong khoảng 50 năm trở lại đây, nó nhiều lần có nguy cơ bị thất truyền. May mắn thay, những con dân của làng Phò Trạch đã không quản khó khăn của cuộc sống thường nhật, dành tâm sức phục dựng lại nét văn hóa của cha ông.

Gìn giữ đặc sản văn hóa làngRa mắt Đội hát múa Sắc bùa làng Phò TrạchStreet style ngọt ngào ngày giao mùa

Hát múa sắc bùa trình diễn tại Festival Huế 2022

Tuổi thơ lớn lên cùng hát múa sắc bùa

“Tuổi thơ tôi lớn lên cùng với những giai điệu của hát múa sắc bùa, với những nhân vật như chánh cai sắc, phó cai sắc, tróc quỷ hay quỷ. Bản thân tôi lúc nhỏ cũng thường được làm quỷ trong đội sắc bùa của cha”, ông Nguyễn Đức Bút, người làng Phò Trạch kể lại. Là con trai của người diễn viên cuối cùng của đội hát múa sắc bùa thuở xưa (cụ Nguyễn Đức Doãn), ông Nguyễn Đức Bút lớn lên với ký ức về cha, về những câu diễn xướng hay những ngày lễ hội xuân cùng điệu hát múa sắc bùa xua đuổi tà ma.

Theo ông Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh, hát múa sắc bùa ngày xuân ở làng Phò Trạch là một hình thức lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc, thể hiện thông qua nghệ thuật diễn xướng với trò diễn hấp dẫn. Nội dung chính của hát múa sắc bùa là tróc quỷ, đóng bùa trấn trạch, trừ tà ma… mang sự bình yên đến mọi nhà trong dịp đầu năm mới. Sắc bùa là làn điệu dân gian mang nhiều yếu tố tâm linh với những lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, bày tỏ niềm hy vọng, tin tưởng vào một năm mới mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Hát sắc bùa được người dân làng Phò Trạch tổ chức hàng năm từ ngày 30 Tết đến ngày 14 tháng Giêng. Những giai điệu tiết tấu cất lên khi khoan thai, khi dồn dập; khi trầm, khi bổng... đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của cư dân làng Phò Trạch từ xa xưa.

Toàn đội hát múa sắc bùa khoảng trên 20 người. Các nhân vật chính gồm chánh cai sắc, phó cai sắc. Tróc quỷ là người đứng tuổi, có chức sắc trong thôn, làng…; hàng đội và phụ tá cai sắc từ 10 đến 12 người, thường ở độ trung niên, ngoài ra còn có người cầm đuốc, trống, thanh la, náo bạt… Đóng vai quỷ là trẻ em từ 10 đến 15 tuổi.

Phục trang của hát múa sắc bùa cũng thật oai vệ. Ông chánh cai mặc áo mã tiên có vẽ hình long phụng, tay cầm phương thiên họa kích. Ông phó cai sắc mặc áo thụng xanh, tay cầm đại đao. Ông tróc quỷ cầm đao hoặc kiếm. Hai người phò tá cai sắc cầm huyền và ngù (hai vật dùng để trừ tà của đạo giáo). Hàng đội cầm náp (một loại gươm dài bằng gỗ).

Sau này, do chiến tranh, hát múa sắc bùa dần thất truyền, không nhiều người còn nhớ, còn biết. “Tôi cùng những người con Phò Trạch luôn đau đáu mong ước phục dựng lại nét văn hóa xưa của làng”, ông Nguyễn Đức Bút chia sẻ.

Phục dựng hát múa sắc bùa

Từ sau năm 1975, hát múa sắc bùa gần như không có cơ hội diễn xướng. Phải đến năm 2005, khi Festival Nghề truyền thống Huế được tổ chức, hát múa sắc bùa được mời tham gia mới “sống lại”. Lúc đó, hai người có công “hồi sinh” hát múa sắc bùa là cụ Phạm Bá Diện và cụ Nguyễn Đức Doãn. Cụ Phạm Bá Diện đã dành nhiều năm để tìm kiếm, sưu tầm và ghi chép lại 16 bài hát sắc bùa của làng Phò Trạch với hơn 300 câu hát vốn đã bị thất truyền hơn nửa thế kỷ qua. Cụ và một số “diễn viên” đã tổ chức truyền dạy hát múa sắc bùa cho học sinh tiểu học nhằm truyền lại những vốn quý dân gian. Thế rồi cụ Nguyễn Đức Doãn và Phạm Bá Diễn lần lượt qua đời. Hát múa sắc bùa Phò Trạch lại một phen lao đao suốt hơn mười năm vì không có truyền nhân bài bản.

Tháng 6/2022, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh, Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh đã có buổi làm việc với UBND xã Phong Bình, thống nhất kế hoạch tập luyện và phục hồi hát múa sắc bùa làng Phò Trạch. Đội Hát múa sắc bùa làng Phò Trạch với 25 thành viên đã được thành lập. Các thành viên tham gia Đội đều là những người nông dân của làng, có am hiểu và tâm huyết với loại hình văn nghệ dân gian truyền thống của địa phương nói chung và hát múa sắc bùa nói riêng. Đạo diễn hướng dẫn các buổi tập là nhà nghiên cứu Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh, vốn là con dân trong làng, có đủ trong tay 16 bài hát múa sắc bùa Phò Trạch do các cụ truyền cho.

Ngay sau khi thành lập, Đội Hát múa sắc bùa đã tiến hành họp bàn, phân vai và tổ chức tập luyện. Mặc dù vẫn bận bịu với công việc thường nhật, nhưng ai nấy cũng đều dành thời gian rảnh vào buổi trưa, buổi tối để luyện tập thêm. “Quá trình tổ chức tập luyện cũng có nhiều khó khăn. Có hôm tôi vừa trang lúa ra phơi xong rồi đi tập vào buổi trưa, ngờ mô mới tập được hơn tiếng mây đã kéo đầy trời. Vậy là đang tập dở thì ông chánh cai, ông phó cai hay quỷ, trốc quỷ… cũng phải bỏ đó chạy về dọn lúa cho kịp đã”, ông Nguyễn Ngọc Bách, Đội trưởng Đội Hát múa sắc bùa kể và bật cười.

Khó khăn là thế, nhưng với tâm huyết và tình yêu dành cho “báu vật” của quê hương, các thành viên của đội đã luôn động viên nhau tập luyện. Đến nay, Đội Hát múa sắc bùa làng Phò Trạch đã tập luyện thuần thục 6 trong 16 bài hát múa sắc bùa và đã tham gia trình diễn tại lễ hội đường phố Festival Huế 2022 cũng như lễ hội “Hương xưa làng cổ” năm 2022.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc cho biết, Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho làng Phò Trạch hoàn tất việc phục dựng 16 bài hát múa sắc bùa trong năm 2023. Ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phong Bình, cũng từng là “diễn viên” hát múa sắc bùa, chia sẻ, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục quan tâm hoạt động của Đội Hát múa sắc bùa, tổ chức tham gia biểu diễn hát múa sắc bùa tại các đợt liên hoan văn nghệ của địa phương và các lễ hội, các chương trình nghệ thuật do các cấp tổ chức. Đồng thời, vận động các thành viên Đội Hát múa sắc bùa và Nhân dân nỗ lực gìn giữ, phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của làng quê, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền hiến gần 27.000 m² đất

Ngày 24/12, Hội Nông dân huyện Phong Điền tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào Nông dân năm 2024; tổng kết thực hiện Nghị quyết 29-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VI) về “Nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2024”.

Nông dân Phong Điền hiến gần 27 000 m² đất
“Phải tự vươn lên”

“Tôi luôn dặn lòng mình phải nỗ lực để tự vươn lên, bởi chẳng ai có thể giúp đỡ mình mãi ngoài chính bản thân mình”, đó là điều ông Lê Quý (ngụ ở thôn Mong B, xã Phú Gia, huyện Phú Vang) luôn dặn bản thân khi đối mặt với những biến cố trong đời, để có cuộc sống tốt đẹp.

“Phải tự vươn lên”
“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề
Anh Ngữ vượt khó thành công

Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Anh Ngữ vượt khó thành công
“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

TIN MỚI

Return to top