ClockThứ Hai, 16/09/2019 09:36

Nghệ thuật bút sắt: độc đáo nhưng khó theo

TTH - Chỉ bằng bút, mực nho và giấy trắng, người họa sĩ có thể mặc sức sáng tạo với nghệ thuật bút sắt. Chất liệu nghệ thuật này cũng mang đến cho người xem những hiệu ứng thị giác mạnh mẽ qua hai sắc độ đen - trắng.

Triển lãm tranh mừng xuân và con giápTriển lãm mỹ thuật mừng ngày truyền thốngHơn 150 bức ảnh tham gia triển lãm "Art Journey"

Tác phẩm “Cuộc hành trình” của Tô Trần Bích Thúy

Nói đến nghệ thuật bút sắt, không thể không nhắc đến nữ họa sĩ Tô Trần Bích Thúy, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế. Tốt nghiệp sơn mài nhưng Tô Trần Bích Thúy lại có nhiều duyên nợ với bút sắt. Vì đam mê, chị tự tìm tòi, thử nghiệm, khám phá và đạt nhiều thành công với chất liệu này ở các cuộc triển lãm khu vực, quốc gia. Đây cũng là chất liệu làm nên tên tuổi của chị.

Bút sắt được chị sử dụng để diễn đạt những chủ đề về ý niệm cuộc sống, thân phận con người, những triết lý, trăn trở, cảm nhận về cuộc sống. Trong kho tranh bút sắt của Tô Trần Bích Thúy có rất nhiều tác phẩm vẽ về những phận người, cuộc đời bất hạnh. Thưởng thức tranh của chị ở đề tài này, người xem như mở rộng tấm lòng đón nhận những giá trị nhân bản chân thực mà họa sĩ chuyển tải với những triết lý về nhân sinh, suy ngẫm, trải nghiệm về cuộc đời.

Trong tác phẩm “Cuộc hành trình”, chị ví thân phận con người như kiếp bươm bướm với các giai đoạn khác nhau của đời người. Bức tranh đầu tiên vẽ con người hóa thân thành bươm bướm được sinh ra từ cái kén, mắt mở to quan sát và bay đi khắp nơi trải nghiệm cuộc sống. Màu xanh tươi của bức tranh này biểu trưng cho sức sống mạnh mẽ. Bức tranh thứ 2 có màu vàng nâu thể hiện sự trưởng thành của con người khi đã hiểu hết mọi lẽ đời. Cái kén màu vàng khô trong bức tranh thứ 3 lại biểu đạt sự đúc kết, thấu hiểu cuộc đời của con người với tư thế ngồi thiền, tĩnh lặng, am tường.

Bộ tranh “Ý niệm về cuộc sống” được Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tập cũng là những cảm nhận về cuộc sống con người với những thác ghềnh trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Đời người không ai tránh khỏi sinh tử luân hồi, đến lúc nào đó, mọi người đều nhận ra giá trị thật sự của cuộc sống và cố gắng thực hiện được những hoài bão, khát vọng là thông điệp tác phẩm muốn gửi đến người xem.

Tác phẩm “Xuống chợ” của Nguyễn Khắc Tài

Họa sĩ Tô Trần Bích Thúy tâm sự, bút sắt đi song hành với cuộc đời sáng tác của chị như một người bạn. Ngay cả lúc làm việc, đi chơi, thư giãn, trong túi chị lúc nào cũng có cây bút sắt để diễn đạt, lưu lại cảm xúc. Năm 2004, triển lãm bút sắt đầu tiên “Đối thoại với thời gian” của chị tổ chức ở Thái Lan được bạn bè trong và ngoài nước đánh giá cao.

Một họa sĩ trẻ khác cũng tạo được dấu ấn với nghệ thuật bút sắt là Nguyễn Khắc Tài, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế. Trong các tác phẩm bút sắt, anh thường sử dụng không gian theo khuynh hướng tả thực. Tác phẩm “Xuống chợ” là một bức tranh đẹp với hình ảnh dịu dàng, đằm thắm của các cô gái đương tuổi xuân thì trong trang phục truyền thống. Năm cô gái đeo gùi là 5 dáng điệu với sự uyển chuyển khác nhau được Nguyễn Khắc Tài khai thác các hình - mảng để thể hiện nhịp điệu lên - xuống, cao - thấp, lớn - nhỏ khác nhau. Nhiều tác phẩm khác cũng được Nguyễn Khắc Tài trau chuốt bởi lối tạo hình độc đáo về không gian có chiều sâu, chồng chéo tầng lớp những chi tiết của cuộc sống hàng ngày.

Họa sĩ Nguyễn Khắc Tài chia sẻ: “Bằng chất liệu bút sắt, tôi khai thác lối vẽ truyền thống, đảm bảo tính đặc trưng đan cài các nét với sự no đầy có chiều sâu của đậm nhạt, của màu. Trong tác phẩm bút sắt, tôi luôn vận dụng không gian theo khuynh hướng tả thực và có lúc sử dụng không gian ước lệ kết hợp với sự nhịp nhàng của hình, mảng, nét để tạo ra sự lan tỏa và chuyển động”.

Tranh bút sắt được biết đến như một thể loại, một chất liệu phổ cập, tiện dụng, dễ kiếm. Chỉ bằng bút sắt, mực nho và giấy trắng, người họa sĩ có thể mặc sức sáng tạo. PGS. TS. Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế cho hay, tuy lực lượng sáng tác không nhiều nhưng nghệ thuật bút sắt của Huế khá độc đáo với những bức tranh về phong cảnh, đền đài, cung điện, thành quách rêu phong… Tranh bút sắt của Huế có phong cách riêng bởi đề tài, cách vẽ, phong thái mang hơi hướng dân tộc.

Khả năng biểu cảm, diễn đạt của bút sắt vô cùng phong phú, có thể đào sâu từng chi tiết nhỏ, thể hiện độ tương phản của ánh sáng và bóng tối một cách sống động trong từng nét bút. Chỉ qua hai sắc độ đen – trắng, tranh bút sắt diễn đạt những cảm xúc mạnh mẽ của nội tâm người vẽ. Trong đó có nhiều cách biểu đạt các thang sắc độ, diễn tả được nhiều lớp lang không gian để tạo nên chiều sâu tác phẩm. Tả chất trong bút sắt cũng đa dạng, mang nét đặc trưng riêng. Chỉ bằng những chấm, nét, mảng cũng xây dựng được hình tượng hay tạo ra nhiều bề mặt chất liệu đầy cảm xúc, như diễn tả sự mềm mại của nước, của trời mây, sự trong vắt của màn sương hay nhạt nhòa của mưa…

Ưu thế của bút sắt là nét nhỏ nên có thể vẽ cả trăm ngàn hình tượng nhỏ để tạo nên một hình tượng lớn. Trong tranh của họa sĩ Bích Thúy, mỗi một góc nhỏ đều có hình tượng trong đó. Nhiều bức tranh của chị có cả ngàn nhân vật. Không chỉ tạo nên hiệu ứng thị giác mạnh mẽ cho người xem, tranh bút sắt còn mang lại giá trị thẩm mỹ mới mẻ cho người sáng tạo trong quá trình tìm tòi, khám phá.

Để tạo nên những bức tranh đẹp, bút sắt đòi hỏi ở người vẽ sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, tinh tế để tạo nên tổng thể cho tác phẩm. Để kết hợp những mảng lớn bằng những nét bút nhỏ, mỗi bức tranh bút sắt họa sĩ Bích Thúy vẽ mất khá nhiều thời gian, có khi đến vài tháng. Hẳn đây là một trong những lý do khiến không nhiều người theo đuổi bút sắt.

PGS. TS. Phan Thanh Bình cho rằng: “Để vẽ bức tranh bút sắt đẹp cực kỳ khó vì nó là tranh đặc tả trực tiếp. Tranh bút sắt kén người, phải rất yêu nghề mới làm được. Mỹ thuật Huế ghi nhận hiện có hai họa sĩ Tô Trần Bích Thúy và Nguyễn Khắc Tài tạo nên phong cách riêng với thể loại này”.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghệ thuật mang thông điệp hòa bình từ giải thưởng UOB

Năm 2024 được xem là năm thành công với họa sĩ Nguyễn Văn Hè. Không chỉ thắng giải Vàng UOB Painting of the year 2024 – hạng mục nghệ sĩ thành danh, anh còn mở cửa không gian nghệ thuật của riêng mình sau nhiều năm miệt mài gầy dựng trên ngọn đồi Kim Sơn (phường Thủy Bằng, quận Thuận Hóa, TP. Huế).

Nghệ thuật mang thông điệp hòa bình từ giải thưởng UOB
Văn học nghệ thuật Cố đô khẳng định vị thế

Cùng với cả tỉnh, đội ngũ văn nghệ sĩ (VNS) Cố đô đã có một năm 2024 với nhiều gặt hái ấn tượng. Đó là những tác phẩm, những công trình nghiên cứu, kiến trúc... Hơn thế là thành tựu được khắc họa qua Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Cố đô lần thứ VII.

Văn học nghệ thuật Cố đô khẳng định vị thế
Khi nhà giáo nghiên cứu văn học nghệ thuật và kiến trúc

Trong lễ trao tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Cố đô lần thứ VII năm 2024, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) đã có đến 5 giảng viên xuất sắc giành được giải B tại các chuyên ngành văn học, văn nghệ Dân gian và kiến trúc.

Khi nhà giáo nghiên cứu văn học nghệ thuật và kiến trúc
60 tác giả tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025

Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên (HSV) Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2025), từ ngày 9/1-18/2, HSV và Đoàn Thanh niên Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025.

60 tác giả tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025
Háo hức chờ… đếm ngược

Thời tiết đẹp, trời lạnh nhưng không mưa nên hàng ngàn người dân, du khách đã có mặt từ rất sớm để chờ đợi được hòa mình vào chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025. Sự háo hức của hàng ngàn khán giả hơn hẳn mọi năm bởi đây cũng là thời điểm họ sẽ đếm ngược đến giây phút Huế chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương.

Háo hức chờ… đếm ngược

TIN MỚI

Return to top