ClockThứ Bảy, 03/10/2015 07:35

Mưa Huế trong tranh Lê Văn Nhường

TTH - Ghé thăm phòng triển lãm tranh “mưa” của họa sĩ (HS) Lê Văn Nhường tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TT Huế, tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa sang trọng, vừa đằm thắm, dịu êm lại vừa mang đến cho người xem thật nhiều cảm xúc. Chỉ riêng với số lượng 20 bức tranh sơn dầu khổ lớn (nhỏ nhất là 70cm x 70cm, lớn nhất là 115cm x 160cm) được treo trong 3 phòng liền kề cũng đủ làm nên vẻ sang trọng của một triển lãm cá nhân rồi.
Với chủ đề "mưa", trong 20 bức tranh đã có 17 bức mưa, từ Mưa 1 đến Mưa 18 (không hiểu tác giả có nhầm lẫn gì không nhưng thiếu bức Mưa 15(?). "Lạc" vào phòng tranh "Mưa" này có 3 bức tranh "Hội tụ" (Hội tụ 1, Hội tụ 2 và Hội tụ 3). Nhưng xem kỹ thì thật ra 3 bức "Hội tụ" cũng là tranh "Mưa", nhưng mưa ở ba bức tranh này không tràn ra như 17 “cơn mưa” kia mà kết tụ lại thành 3 mảng mưa “Hội tụ”. Suy cho cùng thì bản chất của mưa cũng là sự kết tụ và ngưng đọng vậy.
Đến với “Mưa” có thể thấy tác giả đã đầu tư cho phòng tranh này không ít cả thời gian, công sức và tiền bạc. Cái công phu là từ mưa to nặng hạt đến mưa nhỏ lây phây, mưa ở cường độ nào cũng vẫn nhìn ra từng giọt mưa một! Có cảm tưởng là tác giả trân trọng, nâng niu từng giọt mưa trong tranh của mình. Có lẽ “mưa” (một thứ được coi như “đặc sản” của Huế) với rất nhiều cường độ và biểu cảm khác nhau, đã được Lê Văn Nhường gom hết vào tranh của mình. Những người ở xa đến Huế, gặp những ngày mưa, họ thấy e ngại cho Huế. Nhưng họ đâu biết người Huế thì yêu mưa như chính Huế vậy. Khi đi xa Huế, thứ mà người Huế nhớ nhất cũng là mưa! Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh từng tả nỗi nhớ mưa ấy: “Khi mô anh về thăm Huế xưa / Nhớ gói giùm em một chút mưa”…
Về nghệ thuật, điều nổi bật trong phòng tranh “Mưa” là tác giả đã thể hiện mưa Huế theo hai trường phái trừu tượng và siêu thực của hội họa. Tôi rất thích những bức tranh vẽ theo trường phái trừu tượng của Lê Văn Nhường đầy tính nữ nhẹ nhàng, mượt mà và dịu êm. Trong phòng tranh “Mưa”, các bức tranh vẽ theo trường phái trừu tượng như “Mưa 1, 2, 3, 6, 8, 16, 17” ngoài vẻ đẹp long lanh và trong ngần về màu sắc và đường nét (chỉ có thể cảm nhận chứ khó diễn đạt bằng lời), tất cả đều mang đến cho người xem một cảm giác thanh bình, êm dịu, thật dễ chịu… Khác với sự thanh bình, êm dịu của các bức tranh trừu tượng, các bức tranh được tác giả vẽ theo trường phái siêu thực như “mưa 4, 5, 7, 9, 10, 11, 13, 18” lại đưa đến cho người xem nhiều suy ngẫm và triết lý về sự sống giữa cái thực và cái ảo của cả thiên nhiên, con người và sự vật.
Trên phương diện là một triển lãm tranh cá nhân, tôi cho rằng triển lãm “Mưa” là triển lãm thành công và rất đáng xem. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy hơi thiếu thiếu một chút gì đó trong phòng tranh “Mưa” này để làm điểm nhấn cho nét đặc trưng của mưa Huế. Cái đặc trưng mà tôi không dễ biểu đạt bằng lời. Và không biết có quá tham lam không, nhưng tôi cũng thấy thiếu thiếu một chút “ấn tượng” và “lập thể” để tạo nên sự đa dạng góc nhìn và góc cảm về mưa Huế.
Triển lãm mở cửa đến 5/10/2015.

Bài, ảnh: Nguyễn Việt
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tết ở Grand Prairie

Lễ hội đón Tết cổ truyền của người Việt đã làm sáng bừng Asia Times Square tại Grand Prairie (Texas) vào các ngày cuối tuần từ 17/1 đến ngày 2/2. Sự kiện hàng năm này đã thu hút hàng nghìn du khách, cùng nhau chào đón năm mới Ất Tỵ để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam trên đất cờ hoa.

Tết ở Grand Prairie
Hương xuân chưa phai

Ngoại nói với tôi, dù tuổi ngoại đã cao, sức ngoại đã yếu, song ngoại vẫn còn “ham” Tết lắm!

Hương xuân chưa phai
Lễ Nguyên đán thời Nguyễn

Nguyên đán là một điển lễ triều hội của Triều Nguyễn, xưa lễ này gọi là “tiết Nguyên đán” (tết Nguyên đán). Theo quy định được tổ chức tại những địa điểm quan trọng gọi là “Ngự tiền” (là khu vực phía trước vua ngự - cụ thể là ở điện Thái Hòa và điện Cần Chánh). Lễ Nguyên đán còn tổ chức ở Từ Cung (sau này là cung Diên Thọ, nơi ở của thân mẫu nhà vua), ở điện Khôn Đức (sau này là cung Khôn Thái, nơi ở của hoàng hậu), ở Thanh Cung (nơi ở của Hoàng thái tử). Lễ tổ chức vào ngày mồng 1 Tết với những nghi tiết gắn liền điển lệ cung đình.

Lễ Nguyên đán thời Nguyễn
Nhà thơ “Vy Dã” ở Vỹ Dạ

Ông có những câu thơ hết sức tài hoa như: Thiếu sam nhân ỷ châu lan khúc/ Mang sát vương tôn tử mạch đầu”...

Nhà thơ “Vy Dã” ở Vỹ Dạ
Đưa di sản Huế vươn xa

Ở thời điểm hiện tại, hình hài của một Kinh đô xưa đã được tái hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Di sản Huế đã và đang từng bước phát huy giá trị đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Đưa di sản Huế vươn xa

TIN MỚI

Return to top