ClockChủ Nhật, 13/04/2014 14:48

Một đời ca Huế

TTH - Lần đầu tiên, một cuộc tôn vinh ca Huế sẽ diễn ra trong khuôn khổ Festival Huế 2014. Ở đó, có những nghệ nhân đã âm thầm gìn giữ, trao truyền để di sản ca Huế dù có lúc bỉ cực, vẫn liền mạch trong ngót nghét 5 thế kỷ.

Bà hoàng ca Huế

Với nghệ nhân Thanh Tâm, giới mộ điệu phong cho bà danh xưng: Nữ hoàng ca Huế. Trời đã ban cho bà hai thứ không thể thiếu của cuộc đời. Đó là giọng ca và nhan sắc. Một giọng ca mà giờ đây, ở tuổi 70, khi bà cất lên điệu Nam Ai bi thương, ai oán thì người nghe không thể không thổn thức.

Một tiết giảng dạy ca Huế của nghệ nhân Kim Vàng tại Học viện Âm nhạc Huế

Lên bảy, nghệ nhân Thanh Tâm đã theo cha (cố nghệ nhân tuồng Phan Hữu Lễ) vô Đại Nội Huế học hát Bội, múa Thài và ca Huế trong đoàn cổ nhạc cung đình Ba Vũ dưới triều Nguyễn. Nói về tuổi nghề hơn 50 năm qua, bà bảo, cuộc đời một nghệ nhân ca Huế chẳng khác chi những bản Nam Ai, Nam Bình ai oán, day dứt như thể đã vận vào từ kiếp trước. Cùng với chặng đường thăng trầm của ca Huế, cuộc đời bà từng đi qua những khúc bi ai. Có lúc phải ngủ gầm cầu. Có lúc phải chạy vạy buôn vài lít xăng lẻ. Có khi phải tuốt gia công bao bố đến toét tay. Có khi phải gánh nước thuê đến vẹo xương sống... để nuôi cái thú ca hát. Nghe ai kêu là rửa vội đôi tay, gửi vội hai đứa con thơ cho ông bà ngoại, mặc vội tấm áo, đi.

Khi ấy, những năm sau giải phóng, bà cùng một số nghệ nhân, nghệ sĩ như Thái Hùng, Kim Thành, Quỳnh Hoa, Lê Văn Cần, Nguyễn Văn Tân... lập nên một gánh hát, đi diễn ở vùng ven. Bà cùng nghệ nhân đàn tranh Châu Thới, hai người trên hai chiếc xe đạp cà tàng, rong ruổi khắp nơi. Có những suất diễn tận Phú Vang. Say sưa hát, khi về thì đã hai, ba giờ sáng. Tiền thù lao mỗi sô diễn chỉ vài đồng, không đủ mua vài cặp bánh chưng cho con nhưng cứ đi. “Chỉ cần được đứng trên sân khấu là quên hết. Không chỉ hát cho khán giả, nhiều khi là hát cho chính mình, thổn thức với mình”, nghệ nhân Thanh Tâm lý giải về nỗi đam mê ca Huế sâu đậm đến kỳ lạ.

Nghệ nhân Thanh Tâm cùng cố nghệ nhân Trần Kích trong chuyến lưu diễn tại Pháp năm 1995

Nhưng cũng ca Huế, đã đem đến cho nghệ nhân Thanh Tâm những giây phút thăng hoa. Khi ấy, đúng dịp tết Ất Hợi, ông Tôn Thất Tiết, nhà soạn nhạc không lời nổi tiếng châu Âu (Phó Chủ tịch điều hành Hội Âm nhạc Pháp Việt) về nước, chọn nghệ nhân tham gia chương trình quảng bá di sản âm nhạc dân tộc, trong đó có ca Huế và ca Trù. Tham khảo nghệ nhân Trần Thảo (con trai cố nghệ nhân Trần Kích), ông bảo: “Nói về ca Huế thì số một là Thanh Tâm”. Thế là tháng 10 năm 1995, bà cùng 5 nhạc công gạo cội của Huế gồm Trần Kích (đàn Nhị), Nguyễn Kế (tỳ bà), Trần Thảo (đàn bầu), Nguyễn Đình Vân (đàn nguyệt) và Thanh Thảo (đàn tranh), lên đường biểu diễn tại Nhà văn hóa Thế giới của Pháp tại Paris.

Nhớ lại giây phút ca Huế rin, ca Huế gốc, ca Huế nguyên thủy vang lên giữa khán phòng hoa lệ với những tràng pháo tay vang mãi không dứt của 20 năm trước, nghệ nhân Thanh Tâm còn bồi hồi. Bà bảo, đó là khoảnh khắc đã đưa bà đến đỉnh cao thăng hoa nghệ thuật, với tất cả sự xúc động, tự hào về một di sản văn hóa dân tộc, đã vang vọng trên xứ người. Một di sản mà sau đó, cùng với chất giọng của nữ hoàng ca Huế, lại được trải thảm đỏ trong các chuyến lưu diễn tại Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc, Luxembourg...

Vui mà rớt lệ

“Không có thứ âm nhạc nào tình cảm, quyến rũ như ca Huế. Có giai điệu buồn khi bi ai, khi da diết, man mác. Có giai điệu vui khi hứng khởi, khi dàn trải, mượt mà... Mỗi giai điệu là một cung bậc tâm hồn mà người hát như thấy cuộc đời mình trong đó” (Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Vàng)

Cũng như Thanh Tâm, nghệ nhân Kim Vàng thuộc thế hệ ca Huế nòi với ba đời gắn bó với nghệ thuật truyền thống Huế. Ông ngoại nghệ nhân Kim Vàng chính là nghệ nhân tuồng Trần Văn Nậy, thầy dạy của các thế hệ tuồng gạo cội như cố nghệ nhân La Cháu. Ông nội bà cũng là một gia đình nhạc công dưới triều Nguyễn. Bởi vậy, với bà, ca Huế có lẽ đã ngấm từ khi còn nằm trong bụng mẹ.

Lớn lên, bà theo gánh hát gia đình Kim Sanh lưu diễn nhiều nơi, phiêu dạt sang tận Lào. Những năm 1950, cuộc ca hát mưu sinh đã đưa đẩy cả gia đình lưu lạc ra Nghệ An.Tưởng như họ đã an phận với một gánh phở đắt khách. Nhưng tại nơi này, họ đã gặp lại những nghệ nhân, nghệ sĩ xưa, cùng bà Mộng Điệp, ông Năm Lượng, bà Kim Tha... thành lập đoàn ca Huế Trị Thiên (năm 1957), vốn là tiền thân của Nhà hát Nghệ thuật ca Kịch Huế ngày nay.

Cuộc đời nghệ nhân Kim Vàng ngỡ đã có một ngả rẽ, khi vào năm 1967, bà được chọn làm phát thanh viên cho Đài Giải phóng Huế. Nhưng sau trận tập kích tàn khốc trong lần phát sóng đầu tiên ở A Lưới, bà được nhạc sĩ Trần Hoàn nhận vào đoàn nghệ thuật quân khu Trị Thiên. Nhưng rồi bà lại tìm về với đoàn ca Huế như một duyên nợ.

Trở lại Huế sau ngày đất nước thống nhất, ngoài tham gia biểu diễn, gầy dựng lại nghệ thuật truyền thống trên quê nhà, hơn 30 năm nay, nghệ nhân Kim Vàng tham gia giảng dạy bộ môn ca Huế ở Trường trung học Văn hóa nghệ thuật, góp phần đào tạo nên thế hệ ca Huế kế tiếp đầu tiên sau 1975 đến nay đã thành danh như NSƯT Kiều Oanh, Đình Dũng, Kim Liên... Ở tuổi 66, bà vẫn tiếp tục đứng lớp cho sinh viên Học viện Âm nhạc Huế, tham gia viết kịch, dàn dựng chương trình, sống tằn tiện với đồng lương hưu chưa đến 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Nhớ nghề, hàng tuần, bà cùng những nghệ sĩ, nghệ nhân tâm huyết tham gia chương trình ca Huế thính phòng được tổ chức vào các tối thứ ba, thứ sáu ở Bảo tàng Văn hóa Huế (23 - 25 Lê Lợi, TP Huế). Diễn không lương với khát vọng được ca, với mong mỏi đem đến cho người nghe cái gốc của ca Huế.

Năm mươi lăm năm “cháy” hết mình với nghệ thuật, từng đi qua những năm tháng gian khổ nhất của đời người để giữ nghề, bước lên sân khấu trong ngày tôn vinh ca Huế hôm nay, nghệ nhân Kim Vàng vui đến rơi lệ. Bà kể: Hay tin Festival Huế năm nay có chương trình tôn vinh ca Huế, cô báo cho các anh em nghệ sĩ. Ai cũng mừng. Rứa là cuối cùng, đã có một sự nhìn nhận những đóng góp của bao thế hệ nghệ nhân để bảo tồn một bộ môn nghệ thuật hết sức quý giá như ca Huế”.

Cũng như Kim Vàng, nghệ nhân Thanh Tâm như bận rộn hơn trong những ngày cận kề Festival Huế. Bà khoe, mới sắm bộ áo dài mới và chiếc khăn đóng để ca trên sân khấu tôn vinh ca Huế. Nhưng rồi bà lại chạnh buồn, khi nhắc đến những thế hệ ca Huế “vàng” đi trước với những nghệ danh vang bóng một thuở: Quế Trân, Vân Phi, Minh Mẫn, Diệu Liên, Thanh Hương... Cũng như bà, họ là các thế hệ nghệ nhân, đã một đời âm thầm, một đời mãnh liệt sống với ca Huế, chết với ca Huế. Và tuổi tác đã mang không ít nghệ nhân trong số đó đi xa.

Kim Oanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà

TIN MỚI

Return to top