ClockChủ Nhật, 04/03/2018 15:03

Khẽ khàng hương mộc

TTH - Ở phố ồn quá, thi thoảng tôi lại khăn gói về nhà mệ ít ngày ở ngoại ô. Lần đầu tiên tôi đến ở nhà mệ hồi cuối năm ngoái, cây mộc đã ở đó. Tôi không biết mệ trồng nó từ bao giờ, chỉ biết nó đã có tuổi, lộ những cành khẳng khiu và dưới gốc đầy mụn sẹo.

Sống trong căn nhà ngói ba gian cùng mệ, hầu như mùa nào cũng được thưởng hương hoa, nhưng thực sự ưa nhất hương mộc. Cái mùi hương thanh nhã mộc mạc nhưng quá ư sâu lắng...

Cây mộc ra hoa quanh năm nhưng từ độ cuối năm là sây hoa nhất. Người làm vườn đã đúc kết một nhận định: mộc đã trải qua những ngày nắng gắt đến cơn mưa rào ào ạt để nuôi trong mình những giọt nhựa mặn mà, đến khi khí lạnh tràn về, dòng nhựa ấy hồi sinh và phát hương thơm nhất sau cả một năm thai nghén. Hãy thử ngắm một cành hoa mộc khi chúng bắt đầu tỏa hương, cánh hoa li ti kết thành từng chùm nhỏ màu trắng, nép mình bên những cánh lá nhỏ nhắn, dầy dặn... thực sự là một ấn tượng thẩm mỹ giá trị của mảnh vườn xưa xứ Huế. Tôi nhớ có ngày sau trận lụt hồi tháng 11, trời nắng được hai ngày, mắt mệ bừng sáng niềm vui khi biết rằng, sau mưa tới nắng là mộc sẽ cho hương thơm nhất.

Mộc vốn là một loài hoa thanh lịch nên người ta hay trồng ở những nơi trang nhã như các khu di tích, đền chùa, các ngôi Từ đường hoặc nhà vườn... Nhà mệ tôi là một căn nhà vỏ cua lợp ngói liệt nhìn ra sông Hương, cây mộc nằm ngay sát bình phong, bên cạnh cây nhãn, hải đường, hoa sói... Mệ ưa nhất hương mộc và thường hái một nhúm hoa bỏ vô cái rá nhỏ cho thơm cả căn nhà. Có ngày sau một chặp đi bộ lên chùa về, mệ nấu hoa mộc với dầu vừng để chải lên tóc. Mệ bảo, xưa thời còn con gái, mệ hay dùng hoa mộc để gội đầu cho thơm tóc, vì mùi hương của nó rất thanh tao, quyến luyến không thể lẫn với loài hoa nào được.

Đêm cuối năm, mệ ướp trà mộc để Tết thết đãi bạn bè. Những bông hoa mộc được hái khi còn đương nụ để giữ trọn mùi hương, bỏ vào một chiếc khăn cùng với búp chè, đặt trong chiếc rá tre rồi phủ khăn kín để hoa tự nở. Ướp hương trong suốt 12 tiếng rồi bỏ ra sấy khô. Mệ bảo, trà mộc đơn sơ nhưng lại rất khó tính, nếu không đủ tinh tế nhẫn nại thì không nên dùng.

Tôi thấy hương mộc khẽ khàng quá, nhẹ quá và hiền quá. Nói đến hương hoa, người ta vẫn nghĩ đến hoa hồng, hoa sen, hoa bưởi... chứ ít ai nghĩ đến hoa mộc. Mà thực ra, nhiều người cũng chẳng để ý vì nó nhỏ và dung dị quá. Mộc không ồn ào, không sặc sỡ, chỉ biết lẩn mình vào khu vườn chẳng mong được gọi tên. Những chiều trễ nải sau trận lụt loang lổ đường sá vườn tược, những tưởng hương mộc đã bỏ người đi nhưng một hôm bước chân chợt ngang qua hàng chè tàu, bỗng dưng dừng lại vì mùi hương thân thuộc đã ở đó tự bao giờ. Thật tình, nếu lúc ấy so lòng mong mỏi về một cơn nắng để hong khô những tàn dư sau bão với mùi hương đã mất quay về thì có lẽ sẽ làm khó lòng kẻ ở người đi...

NGUYÊN HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tặng em mùa xuân”

Đó là khi tôi bắt gặp hai cụ già ngồi uống nước trà dưới gốc thanh trà vào một sớm mùa xuân.

“Tặng em mùa xuân”
Hương mộc

Buổi sáng thức dậy, nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tôn, chợt thấy chưng hửng bởi lòng còn mong những ngày nắng dài, nhưng những ngày nắng hiếm hoi của mùa đông đã chấm dứt, ngoài kia là bình minh mưa. Chợt nhớ tác phẩm "Hoa hồng vàng và bình minh mưa" mà tôi đã từng đọc thời còn đi học. Thế nhưng, trong khu vườn đang được tắm mưa rơi, chẳng tìm thấy được một bông hồng vàng nào.

Hương mộc
Gác vắng

Trà sen đã pha xong. Cô lặng lẽ rót và không nói thêm bất cứ điều gì. Nơi này bỗng như biệt lập hoàn toàn với cuộc sống ngoài kia. Chỉ có tiếng chim, hương sen và khói trà phảng phất.

Gác vắng
Nhan sắc bằng lăng

Tôi thích cảm nhận sự bí ẩn của mùa qua đời sống những loài hoa. Hiện lên chậm rãi nhưng sâu thẳm, buốt nhói giữa khung trời mùa hạ chính là nhan sắc của bằng lăng.

Nhan sắc bằng lăng
Nói chuyện với người dưng

Có những chuyện ta không thể nói với bạn bè, càng không thể nói với những người ruột thịt nhưng lại có thể nói với người dưng.

Nói chuyện với người dưng

TIN MỚI

Return to top