ClockThứ Năm, 01/03/2018 09:01

Bảo tồn giá trị văn hóa từ cộng đồng

TTH - Phát huy vai trò các nghệ nhân, các sinh hoạt lễ hội trong đời sống, huyện A Lưới đã kết hợp việc sưu tầm, phục dựng và bảo tồn với phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

A Lưới tổ chức truyền dạy văn hóa truyền thống cho thanh niên, học sinh

Dệt Zèng, nghề thủ công truyền thống của đồng bào được quan tâm bảo tồn và phát huy

Đánh thức tiềm năng cộng đồng

Khác với mọi khi, căn nhà của già Quỳnh Hầu, làng Tà Roi, xã A Ngo những ngày này thật đông các thanh niên trong làng. Mọi người đều trong trang phục truyền thống, xếp thành đội hình theo sự hướng dẫn của già. Các điệu múa, lời hát truyền thống bắt đầu vang lên theo từng nhịp… Già Quỳnh Hầu tự hào: “Để gìn giữ các bản sắc văn hóa, già đã mở nhiều lớp truyền dạy cho con cháu và thế hệ trẻ các điệu múa hát truyền thống, cách múa đánh cồng chiêng, thổi khèn, giữ gìn tiếng nói, chữ viết, trang phục và các nét hoa văn trang trí của đồng bào mình…”. Dừng buổi tập để trò chuyện, già Quỳnh Hầu nhớ lại: “Tôi bắt đầu học thổi khèn, các điệu múa, lời hát, chơi cồng chiêng từ khi còn nhỏ. Ban đầu học vất vả lắm, các nhạc cụ này không dễ cảm nhận và khó chơi thành thạo. Tôi phải mất nhiều thời gian cùng các bậc cao niên trong làng tập hát, tập múa, chơi cồng chiêng mới ăn sâu vào trí nhớ được”.

Trong ngôi nhà của già Quỳnh Hầu, những bộ nhạc cụ được treo trên giá rất cẩn thận. Tất cả được ông xem như gia tài của mình và gìn giữ hàng ngày. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe đã yếu dần, nhưng già Quỳnh Hầu vẫn mong muốn được góp sức mình bằng việc chỉ dạy, truyền thụ cho lớp trẻ học múa hát, cồng chiêng, khèn, hay bất cứ làn điệu, nhạc cụ nào của dân tộc mình. Ông sẵn sàng bỏ ra cả ngày để truyền lại âm nhạc cho thanh niên trong thôn, xã. Ông vui mừng: “Nhờ có Đảng và Nhà nước quan tâm tuyên truyền, vận động, bà con bây giờ đã nhận thức được giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình rồi…”.

Anh Hồ Văn Huỳnh, một thanh niên địa phương, cũng có những đóng góp quan trọng trong việc lưu giữ lại những vốn quý văn hóa của đồng bào mình. Hiện tại, anh tự bỏ công sức tìm hiểu, sưu tầm, bảo tồn được nhiều hiện vật văn hóa của vùng cao A Lưới. Anh còn cất công theo các già làng trong vùng học cách chế tác, sử dụng các công cụ, nhạc cụ truyền thống đang có nguy cơ mai một. Anh Huỳnh cho biết, các hiện vật sẽ được anh hồ sơ hóa.

Tạo động lực

Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện A Lưới Lê Thị Thêm cho biết: "Để bảo tồn các giá trị văn hóa, ngành chức năng huyện A Lưới đã triển khai công tác sưu tập, đánh giá về giá trị và thí điểm trưng bày các hiện vật văn hóa vật thể của các dân tộc thiểu số (DTTS) ở A Lưới; phục dựng các kiểu kiến trúc nhà cộng đồng, nhà sàn, nhà dài truyền thống. Ngành nghề dệt Zèng và thủ công mỹ nghệ cũng được quan tâm bảo tồn và phát huy. Đến nay, hoạt động dệt Zèng được tổ chức hằng trăm đợt triển lãm phục vụ trong các dịp lễ lớn và du khách đến tham quan, góp phần tích cực trong việc bảo tồn nét văn hoá đặc sắc về trang phục của đồng bào".

Cùng với bảo tồn văn hóa vật thể, huyện A Lưới đã quan tâm phát huy vai trò của các nghệ nhân, già làng, cộng đồng các làng, bản trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể gồm các lễ hội truyền thống: Ariêu Car (Lễ hội đoàn kết giữa các làng), Ariêu Piing (Lễ cải táng), Ariêu Aza (Tết truyền thống, mừng lúa mới). Qua đó, các tập tục văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc được phục dựng, duy trì thường xuyên. Đồng thời, thông qua các nghệ nhân, già làng, cộng đồng các dân tộc, nhiều thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ của các DTTS đã được sưu tầm, bảo tồn, phát huy và hòa nhập cùng phát triển.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, khẳng định: "Địa phương đang huy động cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa riêng có của đồng bào các DTTS. Huyện tích cực vận động 100% đồng bào DTTS sử dụng trang phục truyền thống trong những ngày lễ hội; tiếp tục nghiên cứu, biên soạn và xuất bản chữ viết, tục ngữ, ca dao, các làn điệu dân ca, dân vũ, truyện cổ... của các DTTS. Có chính sách phát huy vai trò các nghệ nhân, già làng, cộng đồng các thôn, bản trong công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, tiến đến tổ chức các lễ hội của đồng bào theo định kỳ để trở thành các sản phẩm du lịch của địa phương".

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụ nữ chợ Đông Ba chia sẻ vì cộng đồng

Dù công việc buôn bán khá bận rộn, nhưng nhiều hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) chợ Đông Ba vẫn sắp xếp thời gian để tham gia các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng.

Phụ nữ chợ Đông Ba chia sẻ vì cộng đồng
GIÁO SƯ SATOH SHIGERU:
Hiếm nơi nào có cảnh quan văn hóa sơn thủy như Huế

Trong hơn 25 năm cộng tác với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Giáo sư (GS) Satoh Shigeru - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu cảnh quan và quy hoạch đô thị Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng, Trường đại học Waseda Nhật Bản - đã có nhiều phát hiện thú vị về cảnh quan sơn thủy của Huế. Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc gặp gỡ và phỏng vấn GS. Satoh Shigeru xung quanh những phát hiện thú vị này.

Hiếm nơi nào có cảnh quan văn hóa sơn thủy như Huế
UNESCO tăng cường phục hồi sau thảm họa tại Mexico thông qua văn hóa

Quỹ khẩn cấp về di sản của UNESCO đang góp phần phục hồi văn hóa và nghệ thuật cho vùng ven biển Guerrero tại Mexico, thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng cường khả năng phục hồi tâm lý - xã hội cho những người bị ảnh hưởng bởi hai cơn bão lớn trong hai năm liên tiếp vừa qua.

UNESCO tăng cường phục hồi sau thảm họa tại Mexico thông qua văn hóa
Bảo tồn văn hóa dân tộc Pa Hy

Tiếng cồng chiêng vang lên từ ngôi nhà cộng đồng xã Bình Tiến (thị xã Hương Trà) là âm thanh quen thuộc mỗi buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) Dân ca truyền thống dân tộc Pa Hy. Đây là buổi sinh hoạt định kỳ góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong thời đại mới.

Bảo tồn văn hóa dân tộc Pa Hy

TIN MỚI

Return to top