ClockThứ Tư, 18/02/2015 08:47

Sinh viên nước ngoài ăn Tết Việt: Để hiểu và yêu Việt Nam hơn

TTH.VN - Đối với các sinh viên nước ngoài, Tết Nguyên đán vừa là một trải nghiệm thú vị, vừa là cơ hội để tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống của Việt Nam. 

Tết Nguyên đán với sinh viên trong nước là sự háo hức, mong chờ được trở về bên gia đình. Còn với nhiều sinh viên nước ngoài đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam vừa là một trải nghiệm thú vị, vừa là cơ hội để tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống của Việt Nam.  

Sinh viên Lou Vargas (Pháp) và Hitomi Okamara (Nhật Bản): Ăn Tết Việt để hiểu hơn về văn hóa Việt Nam

 

Yêu Việt Nam qua những trang sách, báo, thước phim tại Pháp, Lou Vargas đã chọn Khoa Việt Nam học, trường Đại học Hà Nội để tìm hiểu về con người và văn hóa Việt Nam. Sau một năm học tiếng Việt tại Pháp, Lou sang Việt Nam để học tiếp năm thứ 2.

Được ăn các món ăn Việt, nghe bạn bè kể về Tết cổ truyền nên Lou quyết định ở lại ăn Tết Nguyên đán Ất Mùi để có dịp tìm hiểu sâu về văn hóa của Việt Nam. Dịp Tết Nguyên đán này Lou có dịp tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán của người Việt trong ngày Tết, những món ăn, lời chúc đầu năm mới.

Lou Vargas cho biết: “Tôi mong chờ hiểu biết hơn về Tết Việt Nam và năm nay tôi sẽ về quê ở Nghệ An để ăn Tết với bạn là người Việt Nam nên tôi rất vui vì tôi sẽ được tìm hiểu hơn về phong tục của Việt Nam vào ngày Tết. Tôi muốn biết là trong gia đình của người Việt Nam tổ chức Tết như thế nào. Chắc là tôi sẽ mua một số thứ và mang về, mua hoa quả cho bố mẹ và mua mứt, kẹo mứt để tặng”.

Cùng tâm trạng lần đầu tiên được ăn Tết Việt Nam, sinh viên Hitomi Okamara- quốc tịch Nhật Bản, đang học tại trường Đại học Hà Nội và Oshani Aluthsale- quốc tịch Sri Lanka, học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, lý do chọn đón Tết với gia đình bạn cùng lớp để hiểu thêm về văn hóa, tập tục đón Tết của người Việt Nam. Các em cũng tìm hiểu về món ăn trong ngày Tết ở các tỉnh phía Bắc như: bánh chưng, giò, canh măng,...

 

Các em cũng tìm hiểu về món ăn trong ngày Tết ở các tỉnh phía Bắc như: bánh chưng, giò, canh măng,... 

 

Kể về dự định trong những ngày Tết sắp tới, Hitomi và Oshani nói: “Tôi muốn trải nghiệm Tết của Việt Nam như thế nào. Người Việt Nam xuất hành, đi ra khỏi nhà vào ngày đầu năm mới để tìm sự may mắn cho gia đình và cho mình. Tôi sẽ đi xem lễ hội của quê bạn tôi”. “Tôi sẽ về nhà bạn ở Bắc Giang để ăn Tết. Cô ấy nói sẽ dạy tôi một số món ăn ngày Tết cổ truyền. Tôi rất thích điều đó. Tôi hi vọng có thể học thêm một số món ăn ở nhà của bạn như món nem rán. Tôi rất thích món này nên tôi sẽ cố gắng học để có thể làm được”.

Với sinh viên Shehan Ruwanma Perera – quốc tịch Sri Lanka, học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ăn Tết ở Việt Nam không chỉ giúp tôi tìm hiểu về văn hóa Việt Nam mà còn là dịp để giới thiệu về văn hóa, các món ăn của Sri Lanka với các bạn học cùng lớp. Vì vậy Shehan dự định sẽ tới thăm nhà của một số bạn học cùng lớp để có thể cảm nhận được hương vị ngày Tết ở nhiều địa phương khác nhau. Shehan đã chuẩn bị một số món ăn đặc trưng của Sri Lanka cho các bạn.

“Tôi chuẩn bị món cà - ri cho các bạn của tôi. Tôi đã từng nấu một số món cho bạn người Việt ăn, nhưng món ăn của Sri Lanka rất cay và mặn nữa. Các bạn Việt không thích ăn mặn và cay nhiều, đặc biệt là món cà ri hơi cay. Tôi có kế hoạch Tết này khi về quê một số bạn tì cũng sẽ làm nhưng mà giảm bớt cay đi để phù hợp với các bạn người Việt”, Shehan chia sẻ.

Cũng ở lại đón Tết tại Việt Nam, nhiều sinh viên chọn đi du lịch và ăn Tết với người dân để khám phá vẻ đẹp và sự ấm áp trong tình cảm người Việt Nam. Soren Drott, quốc tịch Australia, học năm thứ 2 khoa Việt Nam học, Đại học Khoa học xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, năm nay sẽ đi du lịch và đón Tết tại Đà Lạt. Đây là lần thứ 2 ăn Tết tại Việt Nam nhưng Soren vẫn có cảm giác hồi hộp, chờ đón. Điều ấn tượng nhất đối với Soren trong Tết cổ truyền của Việt Nam đó là không khí đầm ấm, vui vẻ khi cả gia đình sum họp.

 

Nhiều sinh viên chọn đi du lịch và ăn Tết với người dân để khám phá vẻ đẹp và sự ấm áp trong tình cảm người Việt Nam

 

Soren cho biết: “Tôi sẽ đi lên Đà Lạt, sau đó đi mua áo mới, cắt tóc, đi ăn Tết, khoảng ngày 19/2 thì qua Cầu Đất. Ăn tết với một gia đình nông dân. Người đó rất hiền, vui vẻ. Tôi quan tâm về rất nhiều phong tục của người Việt Nam trong ngày Tết. Tôi thích món ăn Việt Nam, bánh tét rất ngon. Năm nay là một Tết đặc biệt vì Tết ngày thứ 2 là sinh nhật của mình”.

Một điều dễ nhận thấy là những sinh viên nước ngoài đón Tết Việt Nam đều mong chờ Tết đến để hiểu thêm về văn hóa truyền thống Việt Nam. Dù ăn Tết tại nhà bạn bè của mình, hay đi du lịch đón Tết, đó đều là những trải nghiệm thú vị với các sinh viên, để nhớ và yêu hơn Tết cổ truyền nói riêng và đất nước, con người Việt Nam nói chung./.

 

Theo VOV
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top