ClockThứ Sáu, 20/02/2015 06:18

Nồng ấm mứt gừng

TTH - Giàu nghèo chi tết cũng phải có món mứt gừng. Người Huế lại càng trọng, xem món mứt gừng, ấm trà ngon là cách để đưa câu chuyện đầu xuân thêm phần nồng ấm.

Theo đông y, mứt gừng có tác dụng làm ấm tì vị, chống nôn, giải độc, chữa ho. Củ gừng đất Huế ngậm đủ nắng gay gắt, mưa khắc nghiệt nên vị cay nồng của nó đậm đà hơn. Riêng củ gừng Tuần nhỏ nhưng thơm, ngon, cay hơn gừng những nơi khác nên được ưa chuộng và giá đắt hơn. Những người sành ăn, nhất là Việt kiều bao giờ cũng lên làng mứt gừng Kim Long đặt mua bằng được loại mứt gừng Tuần mang qua xứ người để sẻ chia cùng cộng đồng chút hương vị quê nhà.

Mứt gừng Huế. Ảnh: Thanh Trà
Làm mứt gừng kỳ công bởi qua nhiều khâu từ ngâm, cạo, bào gừng, luộc, xên đường cho đến bắt mứt. Lát mứt gừng ngon vàng sậm, khô, nồng, cay kích thích vị giác người ăn, nhất là trong tiết xuân se lạnh. Mứt gừng Huế, nhất là mứt gừng Kim Long nổi tiếng từ Nam chí Bắc. Có những nhà làm mứt nối nghiệp đến đời thứ ba. Từ đầu tháng chạp, làng mứt ở đường Phạm Thị Liên phường Kim Long đỏ lửa từ sáng đến tối mịt, gió quyện mùi thơm nồng nàn phủ lên con đường một không khí tết sớm. Trong những căn nhà vườn xanh um, tiếng củi tí tách, tiếng nói cười râm ran, những con đường nhỏ ra bờ sông tấp nập người chuyển gừng, rửa gừng. Thứ âm thanh cuộc sống rộn ràng, sôi nổi ấy chỉ có ở làng mứt gừng những ngày giáp tết.
Để có được lát mứt thơm nồng đúng nghĩa, người làm phải trải qua cay, nóng thực sự. Hai bàn tay cạo gừng, xắt gừng nóng như xát ớt; đứng bên bếp lửa xên đường cho đến khi chảo mứt khô, cuối cùng là dùng tay bắt lát mứt nóng hổi thật thẳng trước khi mứt nguội. Nội kể, ngày trước, các mệ ở nhà danh gia vọng tộc còn có món mứt gừng nguyên củ. Người ta xăm đều củ gừng rồi ngâm nước, luộc qua cho bớt cay, xả nước cho thật sạch rồi xên đường như mứt lát. “Ăn mứt gừng nguyên củ đậm đà lắm, chỉ có người già mới thích chứ con nít con non tụi bây ăn chi nổi”, nội nói.
Nội già, ngày Tết con cháu mua về đủ thứ nhưng không ăn, chỉ dặn: “Chi cũng phải có món mứt gừng cho tau tiếp chuyện mấy người bạn già nghe bây. Thương mệ thì mua thêm ấm trà ngon nữa. Mai mốt tau chết ngày Tết nhớ cúng món ni là được”! Con cháu than nói gở, mệ cười: “Ai mà chẳng phải về với đất, tau già rồi chớ trẻ mỏ chi mô”!
Ba tôi bảo, lúc cảnh nhà còn khó khăn, để kiếm thêm tiền sắm đồ tết cho con, lo cơm nước cho cả nhà xong, nội sang mấy lò mứt đứng bếp, bắt mứt đến hai giờ sáng mới về. Năm giờ sáng, nội lại dậy lo cơm nước, tất cả chạy chợ kiếm miếng ăn. Thi thoảng, nội lại thu thu giấu giấu nhà chủ gói mứt vụn về cho mấy đứa con chấm mút. 29 Tết, sau khi thanh toán tiền công làm thêm, nhà chủ thường cho những người làm thuê chia nhau cả đống gừng vụn bỏ đi, nội lấy về một ít nấu nước chè, còn lại những miếng lớn hơn trộn thêm ít mứt gừng mua về làm nên chảo mứt gừng riêng cho cả nhà. Thêm ít bánh in xanh đỏ tím vàng, vậy là có món dọn tết mời khách.
Giờ tôi mới hiểu thêm món mứt gừng “chắt chiu” của nội và sở thích ăn món này ngày tết, khi cả nhà đủ sức lo mâm cao cỗ đầy.
Thúy Liên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top