ClockChủ Nhật, 29/01/2012 12:43

Huế & “những con yêu bánh nậm”…

TTH - Hình ảnh đẹp của nữ sinh Đồng Khánh đã "đóng dấu" lên văn hóa Huế, trở thành "bản sắc" chuẩn mực, không thể nhầm lẫn với bất cứ một bản sắc văn hóa nào khác. E ấp với vành nón lá che nghiêng, điệu bộ đài các, kiêu sa, đi nhẹ nói khẽ, giọng nói nhẹ nhàng "dạ, thưa" kính cẩn, tâm hồn sâu lắng, đức hạnh... Chính vẻ đẹp lắng đọng, kín đáo này là mạch nguồn xúc cảm cho bao bậc thi nhân sáng tạo.

Những “con yêu bánh nậm”

“Con yêu bánh nậm” là cách gọi yêu các cô gái Huế tinh nghịch, phá phách mà lại… dễ thương. Tình cờ, tôi được gặp những “con yêu bánh nậm” thứ thiệt một thời ở nhà của TS Triết học Thái Kim Lan trong cuộc hạnh ngộ giữa các cựu nữ sinh Đồng Khánh và nhạc sĩ Phạm Duy. Từng nghe nhiều về hình ảnh đẹp của nữ sinh Đồng Khánh, được nghe họ nói, ngắm họ tới lui, tôi bỗng có cảm giác như họ hiện ra từ miền xưa cổ. Đẹp và trẻ. Điệu đà và hồn nhiên. Cổ kính mà vẫn hiện đại.
Những lần tao ngộ sau đó, tôi càng cảm nhận được chất Huế rặt trong họ. Thuở đôi mươi, họ hội tụ những yếu tố đẹp của thiếu nữ Huế: công, dung, ngôn, hạnh. Đến giờ, khi đã luống tuổi, vẫn toát lên vẻ đằm thắm, phong thái dịu dàng, cốt cách tao nhã đã từng đi vào thơ ca, nhạc họa. Vẫn duyên dáng, trang trọng trong tà áo dài truyền thống. Vẫn xôn xao, ríu rít như thuở học trò, họ kể về buổi biểu diễn văn nghệ trong lần hội trường mới đây, cùng nhau ôn lại thời vô tư, hoa mộng lúc còn học trường Đồng Khánh, không thiếu những tinh nghịch của tuổi “nhất quỷ, nhì ma”… Nghe họ trò chuyện, tôi được nghe rặt tiếng Huế xưa, êm ả, ấm áp.
 

Hồn nhiên, tinh nghịch khi trở lại trường cũ

Bao giờ cũng vậy, những lần hội ngộ của cựu học sinh Đồng Khánh không thiếu lời ca. Bởi, tuổi trẻ của họ đã gắn với những bài tình ca lãng mạn, những giai điệu mượt mà, sâu lắng của Trịnh, của Văn Cao, Phạm Duy... Vì thế, gặp và hát cho nhau nghe là cách để họ thỏa niềm đam mê. Gian phòng như lặng đi trong tiếng hát thánh thót, vút cao. Mấy mươi năm về trước, họ từng hát khi còn là thiếu nữ đôi mươi. Nay, có người đã là bà nội, bà ngoại nhưng họ vẫn hát say sưa, trong trẻo, vẫn luyến láy nhả chữ một cách điệu nghệ. Dường như, trong giọng hát ấy, không tồn tại những dấu tích của tuổi tác. Cứ thế, họ thả hồn theo nốt nhạc, bay bổng trong những tình ca bất hủ. Những bài ca quen thuộc và đi vào lòng người của nhiều thế hệ, như: Diễm xưa, Hãy yêu nhau đi, Đưa em tìm động hoa vàng, Thiên thai, Ngậm ngùi… và cả những bài nhạc Pháp làm người nghe xao xuyến.
Đó cũng là dịp để họ trổ tài khéo tay từ ngày còn học nữ công gia chánh với cô giáo Trường Nữ sinh Đồng Khánh - Hoàng Thị Kim Cúc, người đã khơi nguồn cho thi sĩ Hàn Mặc Tử làm nên bài thơ nổi tiếng “Đây thôn Vỹ Dạ”. Những món ăn dân dã, các loại bánh Huế càng làm buổi gặp gỡ thêm nồng phong vị Huế. Đã nấu ăn ngon, các cựu học sinh Đồng Khánh còn trình bày món ăn tinh tế. Bằng đôi tay tài hoa của mình, những chiếc bánh đơn giản, các món ăn bình thường cũng được các cô tô vẽ để thành những tác phẩm nghệ thuật, như nhà văn Nguyễn Tuân nói: “Người Huế ăn bằng mắt, bằng mũi trước khi ăn bằng miệng”. Còn nhớ trong dịp ra mắt cuốn sách “Văn hóa ẩm thực Huế” của Bác sĩ Bùi Minh Đức hay khai mạc Liên hoan phim Đức tại Huế, nhiều người cứ tấm tắc tài nữ công gia chánh của các cô gái Huế xưa khi được thưởng thức những món bánh Huế vừa ngon vừa đẹp mắt.
 

Dù tóc đã điểm bạc, các cựu nữ sinh Đồng Khánh - Hai Bà Trưng vẫn giữ tâm hồn tươi trẻ, vẫn múa, hát vang tình ca

Những lần được tham dự cuộc gặp của họ, tôi không tránh khỏi thắc mắc: Sự gắn kết nào khiến các cựu học sinh Đồng Khánh thuộc nhiều thế hệ khác nhau vẫn thường xuyên gặp gỡ để cùng nấu nướng, trò chuyện, hát cho nhau nghe... ? Vì răng họ giữ được sự dễ thương đó như thuở học trò ngay khi đã về già? Tò mò bật ra câu hỏi thì được cô Thái Kim Lan giải đáp: “Người ta nói Huế sống với quá khứ hơn hiện tại, nhưng chính quá khứ đó cũng là Huế ngày nay. Giữ gìn Huế mà vẫn trẻ, hình như đó cũng là nét tự tin của Huế về quá khứ của mình. Chúng tôi chỉ muốn Huế của mình vẫn trẻ và không mai một”.
Chất Huế đã thấm vào máu thịt
Hỏi vì răng nữ sinh Đồng Khánh thời đó hội tụ đủ những đặc trưng “rất Huế”, tôi nhận được sự “ngúng nguẩy” đúng chất “mệ” của những “con yêu bánh nậm”, như câu hỏi của tôi là tào lao, làm bộ: “Tại rứa chơ răng! Tại Huế rứa thì mấy cô rứa. Tại Huế là xưa mà, không xưa thì không Huế, đó hầu như là... định mệnh”. Tôi ngẩn tò te. Rứa thì chẳng khác nào nói Huế thường... mưa dầm dề vào mùa đông. Ngẫm kỹ, lời nói có vẻ hơi “chua” ấy đã hàm chứa câu trả lời cụ thể: Do đặc trưng văn hóa của đất Thần kinh và cả sự giáo dục khắt khe của gia đình.
 

Nữ sinh Đồng Khánh đã trở thành hình ảnh đẹp của văn hóa Huế

Sợ thế hệ hậu bối như tôi không hiểu, cô Thái Kim Lan cắt nghĩa tường tận: “Khung cảnh, điều kiện xã hội, văn hóa của Cố đô Huế cộng thêm giáo dục gia đình còn giữ nề nếp truyền thống là hai yếu tố chính tạo nên “bản sắc” Huế của các thế hệ thập niên 40, 50, 60, 70. Tính chất văn minh, văn hóa của Kinh đô khiến con người hướng đến thái độ sống kính cẩn đạo lý và tâm linh, coi trọng sự cao quý của tâm hồn. Chính khung cảnh tiểu gia đình và đại gia đình với sự liên hệ rất mật thiết “kẻ đi trước làm gương cho người đi sau” đã nhấn mạnh đến đức hạnh của người phụ nữ, kiểm soát cách ăn mặc, nói năng giữ gìn, đi đứng thanh nhã, khéo léo nội trợ. Tuy nhiên, giáo dục luôn đi kèm với tự nguyện và sức hút của trào lưu xã hội”.
Để minh chứng thêm, cô Tăng Bảo Nguyệt kể: “Thời ấy, chúng tôi được học nhiều lắm. Ngoài kiến thức, đạo đức, nhà trường còn dạy nhạc, họa, nữ công gia chánh, thêu thùa, may vá... Ở nhà, chúng tôi được gia đình dạy dỗ nghiêm khắc về tam tòng, tứ đức, công dung ngôn hạnh. Con gái phải học ăn, học nói, học gói, học mở, ngay cả cách rửa chén bát. Chưa đi đã chạy, chưa nói đã cười là điều cấm kỵ”. Vì thế, trong mắt của nhiều người, nữ sinh Đồng Khánh mang phong cách đầy nữ tính của người con gái Huế, vừa đẹp vừa đa tài.
Khi trở thành người vợ, người mẹ, ẩn sau nét dịu dàng ấy là sự chịu thương chịu khó, hy sinh tất cả vì chồng vì con. Họ đã tạo nên hình ảnh “nội tướng” tuyệt vời: giỏi việc nhà, nấu ăn ngon, thêu thùa đẹp, quán xuyến mọi việc chu toàn... Cô Mộng Huyền tâm sự: “Với thế hệ của cô, lấy chồng có nghĩa là lấy cả gia đình bên chồng. Ngoài nghĩa vụ của người vợ, người mẹ, nuôi dạy con cái nên người, cô còn ý thức mạnh mẽ rằng, mình phải làm tròn bổn phận dâu con, giữ gìn nề nếp gia phong”. Qua nếp sống của mình, họ chính là tấm gương cho con cái noi theo.
Những nữ sinh Đồng Khánh nay đã lên chức bà nhưng vẫn giữ cốt cách trang nhã. Vẫn từ tốn, đằm thắm, ăn nói nhỏ nhẹ và có duyên nhưng đã thêm phần quyết đoán và dứt khoát. Vẫn nét dịu dàng, tươi trẻ, có khi còn tinh nghịch... Vẫn mê sông Hương núi Ngự, chùa Linh Mụ, biển Thuận An. Vẫn thương trời mưa, háo hức vì hoa cau buổi sáng và dạ lan buổi chiều. Vẫn muốn hát một bài hát với tất cả tâm hồn. Vẫn giữ những tà áo đẹp, vẫn làm thơ, họa để di dưỡng tâm hồn và trang trọng nhân cách của mình. Nhất là, vẫn thích nấu ăn thật ngon cho cả gia đình. Chất Huế trong con người họ không phải là chất Huế khuôn sáo mà là sự sang trọng pha lẫn hồn nhiên, chịu chơi của một... tâm hồn trẻ.
Có lần tôi cắc cớ hỏi: Sống đến thời đại @ rồi, răng mấy cô vẫn Huế cổ kính rứa? Cô Như Ngân cười giản dị: “Chất Huế ăn sâu vào tính cách, tâm hồn chúng tôi rồi”. Còn cô Thái Kim Lan lý giải một cách “triết học”: “Tại mấy cô thủ cựu đó mà!!! Thủ cựu không phải là dở, tỉ như say mê đồ cổ, vì nó đẹp, có giá trị. Nó hàm chứa cả một lịch sử văn hiến dài lâu. Vì thế mà Huế “chay” còn hơn Huế lai căng. Người Huế ít thích bắt chước vì tự hào về gia sản truyền thống văn hóa của gia đình cũng như của đất Thần kinh - nơi sinh thành của chính mình”.
Có lẽ ý thức được điều đó nên cô Thái Kim Lan là người lúc nào cũng tỉ mẩn giữ riết Huế trong mình khi sống xa Huế những 40 năm trong môi trường văn hóa phương Tây. Ai gặp đều thấy ở bà một Huế rất tự nhiên, một Huế luân lưu sâu nặng. Có lẽ chính chất Huế ấy đã thôi thúc bà làm cầu nối để quảng bá văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Huế ra nước ngoài và ngược lại bằng việc thành lập, đồng thời là chủ biên Tuyển tập văn học Đức – Việt; Chủ tịch Hội giao lưu văn hoá Đức – Á của Munich; Phó Chủ tịch Hội Thân hữu Phật tử châu Âu…
Cô trải lòng: “Khi có khoảng cách với quê hương, sự nhận diện mình càng rõ hơn và sự khám phá kho tàng quý báu của truyền thống gia đình cũng như nơi chốn sinh thành càng có chiều sâu. Hoài niệm quá khứ là một tâm trạng không thể thiếu của người đi xa. Không chỉ giữ Huế cho mình, bà còn truyền nó sang cô con gái Thái Mai Lan. Huế ở Thái Mai Lan là giọng Huế, là sự say mê với các hoạt động quảng bá văn hóa như mẹ... Đó như sự tiếp truyền truyền thống Huế cho thế hệ sau.
 

Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top