ClockThứ Năm, 05/02/2015 06:35

Bến đò năm cũ

TTH - Ngày đầu năm ông anh đồng hương đề nghị mình viết bài về bến đò Đồng Dạ mà theo như lời anh là “Cái bến đò tấp nập mỗi ngày hồi trước chừ không mấy ai đặt chân đến nữa. Em viết đi để mấy đứa nhỏ sau ni còn biết về nơi thông thương một thời nổi tiếng của làng mình”.

Làng mình chia thành 4 ngụ dân cư là Nhất Đông, Nhì Đông, Nhì Tây, Nhất Tây đặt theo vị trí địa lý hướng mặt trời mọc và lặn. Ngoài 4 ngụ ni, làng còn có xóm Chợ và xóm Đồng Dạ. Không như những cánh đồng khác có thể trồng lúa, Đồng Dạ là một đồng cát khá lớn tiếp giáp với sông Ô Lâu, nằm cạnh con khe Ngòi Viết. Có lẽ trong một trận lũ lụt lớn nào đó năm xửa năm xưa, con khe Ngòi Viết đã ầm ầm cuộn cát từ độn cao vùi lấp cánh đồng này và từ đó nó trở thành Đồng Dạ… Đó là một bãi cát rộng mênh mông lau cỏ mọc um tùm. Những năm đầu hòa bình, người dân trong làng đã khai hoang Đồng Dạ để trồng khoai sắn, nhưng kể cả hai loại cây lương thực dễ tính này cùng không mấy ưa cái khô cằn, bạc màu của Đồng Dạ…

Đồng Dạ có hai điểm nổi tiếng cả làng ai cũng biết đó là sân banh Đồng Dạ và bến đò Đồng Dạ. Hồi trước cạnh sân banh xóm Đồng Dạ chỉ lưa thưa vài chục nóc nhà, nay thì nhà cửa đã san sát mọc lên ngay trên sân banh xưa. Ông anh là người gắn bó với sân banh Đồng Dạ bởi anh là tiền đạo của đội bóng xã một thời, chơi bóng rất kỹ thuật, nhất là những pha bay người móc bóng biểu diễn. Sau đó anh đi bộ đội biên giới và bến đò Đồng Dạ là nơi chứng kiến cảnh người thân trong làng tiễn những người con lên đường bảo vệ đất nước. 

Cái bến đò Đồng Dạ cũng là một bãi cát rộng chứ không phải “trên bến dưới thuyền” chi cả. Tầm chín giờ sáng, khi chợ Đại Lược đã vãn; mấy o, mấy mệ bắt đầu gánh những sản phẩm rau củ, cá tôm ra bến đò. Đường từ chợ ra đến bến đò chừng hơn một cây số và là đường cát lầy nên chỉ có gánh gồng chứ không thể dùng xe vận chuyển được. Mình nhớ có những người làm nghề gánh thuê, nhớ nhất là ông Câm khỏe hơn người, gánh cả tạ mà vẫn chạy băng băng. Khách đi đò cũng đông, bởi chuyến đò Huế - Đại Lược là chuyến đò chung của các làng từ Thanh Hương, Vĩnh Xương, Kế Môn và Đại Lược làng mình… Tất nhiên, trước khi lên đò, khách ghé chợ Đại Lược làm tô bún mụ Xuân, cháo lòng o Gái hay mấy dĩa bánh đúc mụ Xích lót bụng bởi đò đến Huế cũng tầm 3 giờ chiều… Có khi đò còn chở thêm cả chục con heo bị trói ngược bốn cẳng cho nằm dưới khoang đò. Thời còn ngăn sông cấm chợ, chủ đò và mấy người buôn heo cũng cực theo heo khi ngang qua bến đò chợ Biện xã kêu vô phạt, ngang qua ngã ba Sình thuế vụ kêu vô phạt… Nhưng buôn heo hồi đó một vốn bốn lời nên đến chỗ ba toa đường Huỳnh Thúc Kháng, mấy người buôn heo vẫn cười toe toét đếm tiền.

Những chuyến đò thường được gọi theo tên chủ đò là đò ông Lan, đò mụ Thuận, đò ông Quyệt, đò ông Hồng. Mình vẫn thích đi đò ông Hồng nhất bởi ông là người làng mình và mấy đứa con gái của ông ai cũng dễ thương. Cách đây mấy tháng, ngồi cà phê với bé Hiền, cô con gái xinh nhất của ông Hồng từ Mỹ về Huế chơi và nhắc lại chuyện đi đò năm nao. “Chiếc đò là tài sản lớn nhất của gia đình em. Cái bến đò Đồng Dạ đã đón những bước chân của em từ ngày còn nhỏ xíu. Khi mô đò cập bến Đông Ba là em ba chân bốn cẳng chạy vô chợ ăn hàng. Chao ơi từ bún, bánh lọc, bánh ít, bánh canh… Chừ thỉnh thoảng em vẫn nằm mơ những món ăn ở chợ…”.

Còn mình thì cứ mãi nhớ cảm giác lần đầu tiên đi đò. Chiếc đò nổ máy chầm chậm rời bến để lại đằng sau thôn xóm, ruộng đồng thân thuộc. Thiệt tình là khi đó mình chỉ muốn đò quay lại với làng quê của mình…

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top