ClockThứ Năm, 24/12/2015 14:44

Bảo vật quốc gia

TTH - Đã có thêm 5 cổ vật của Thừa Thiên Huế được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thống nhất đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia (BVQG) vào thời điểm cuối năm 2015, bao gồm: Áo tế giao triều Nguyễn, ngai vàng triều Nguyễn, bia Khiêm Cung ký (lăng vua Tự Đức), sưu tập vạc đồng thời chúa Nguyễn và bệ thờ Vân Trạch Hòa. Như vậy, tính đến thời điểm này, Thừa Thiên Huế có 8 cổ vật được công nhận là BVQG. Trước đó, có 3 cổ vật là bộ Cửu đỉnh, bộ Cửu vị thần công và Đại hồng chung chùa Thiên Mụ.

Theo Luật Di sản, BVQG là những hiện vật nguyên bản, độc bản, có hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học. Như vậy, BVQG không nhất thiết phải là cổ vật (có niên đại trên 100 năm) mà có thể bao gồm cả các tác phẩm nghệ thuật. Các tiêu chí để một hiện vật được công nhận làm BVQG phải là: Hiện vật nguyên gốc, độc bản; hình thức độc đáo; có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học. Đó là tiêu chí khó, được công nhận BVQG do thế là “ước mơ” đối với các cổ vật.

Hàng trăm năm là thủ phủ xứ Đàng Trong và kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, việc sở hữu nhiều cổ vật được công nhận là BVQG cũng là chuyện bình thường đối với Thừa Thiên Huế. Đáng nói ở đây là sự xuất hiện những BVQG tiêu biểu như bệ thờ Vân Trạch Hòa đã mở ra một cách nhìn mới về cổ vật xứ Huế. Vân Trạch Hòa là tên gọi chung của một quần thể phế tích kiến trúc Chăm nằm ở xóm Cồn Chùa, thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu, huyện Phong Điền. Quần thể di tích kiến trúc này đã bị đổ nát từ lâu. Các điều tra báo cáo đầu tiên về phế tích Vân Trạch Hòa được H.Parmenier đưa vào danh mục “Thống kê và miêu tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ “xuất bản năm 1919.

Tháng 8/ 1991, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh chính thức khai quật và năm 1991, bệ thờ Vân Trạch Hòa được tìm thấy. Bệ được làm bằng đá, có hai tầng chồng khít lên nhau bằng mộng khớp giá lắp. Bốn mặt của hai tầng bệ thờ đều có chạm khắc các họa tiết trong đạo Hindu (Ấn Độ giáo). Căn cứ vào các họa tiết, các chuyên gia về cổ vật xác định bệ thờ Vân Trạch Hòa có niên đại từ thế kỷ thứ IX đến X. Đây là bệ thờ cổ độc đáo của người Chăm được tìm thấy ở Thừa Thiên Huế. Hy vọng rồi đây, bên cạnh những BVQG có giá trị tiêu biểu gắn liền với giai đoạn hoàng kim của vùng đất dưới thời Chúa Nguyễn và Vua Nguyễn, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục có thêm những BVQG khác có giá trị không chỉ về lịch sử mà còn cả trên lĩnh vực văn hóa, khoa học.

Một trong những vấn đề đặt ra, cùng với niềm vui được công nhận BVQG là nỗi lo về việc bảo tồn, phát huy giá trị của các bảo vật ấy. Giá trị lịch sử của các bảo vật là vô giá, việc bảo quản, lưu giữ các bảo vật này vậy nên phải là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trong ý nghĩa đó, việc xây dựng ý thức bảo vệ hiện vật đối với người dân cũng là một cách thức bảo quản tốt. Chính sách, chế độ bảo vệ đặc biệt cho các BVQG là điều cần có. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng việc quảng bá giá trị của bảo vật tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân có ý thức cao trong việc bảo vệ, gìn giữ các BVQG.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top