1. Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ doanh nhân của tỉnh ngày càng đông đảo và lớn mạnh hơn và điều hết sức quan trọng là “cái tầm” của DN ngày càng cao hơn. Nhiều DN trong tỉnh đã tích cực tìm kiếm cơ hội, liên kết với các tập đoàn kinh tế lớn và đối tác nước ngoài để đầu tư mở rộng sản xuất, vươn ra những thị trường trong nước và nước ngoài. Nhiều mặt mặt hàng mang nhãn hiệu “Made in Huế” đã xuất ngoại, được thị trường chấp nhận. Từ chỗ làm ăn nhỏ lẻ, nay, các doanh nghiệp trong tỉnh đã biết liên kết với nhau để cùng khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương. Điển hình trong sự liên kết này là các công ty Trường Sơn, An Phú, Thương mại Hương Thuỷ. Có những lĩnh vực trước đây tưởng chừng chỉ dành cho các “đại gia”, nhưng nay các doanh nghiệp của tỉnh đã tự tin bước vào sân chơi này. Mới đây, Công ty cổ phần Thuỷ điện Trường Phú đã đầu tư cả nghìn tỷ đồng xây dựng Nhà máy thuỷ điện A Lin B1 với công suất 42 MW. Không chỉ phát triển mạnh về số lượng, quy mô mà đáng mừng đội ngũ doanh nhân của tỉnh ngày càng được trẻ hoá, được đào tạo một cách bài bản, mạnh dạn bước vào thương trường với tâm huyết và nghị lực đáng khâm phục. Ngay cậu con trai của một đồng nghiệp vừa tốt nghiệp một trường đại học khá nổi tiếng, có nhiều cơ hội để tìm việc làm, nhưng đã chọn con đường cùng bạn bè góp vốn lập công ty, đem những kiến thức đã học áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh. Chưa bàn đến hiệu quả, chỉ riêng sự dám dấn thân của lớp doanh nhân trẻ hôm nay đã là điều đáng khâm phục. Thực tế, đã có khá nhiều doanh nhân trẻ đã thành đạt. Trong số 10 doanh nhân tiêu biểu của tỉnh tham gia chương trình “Thủ tướng Chính phủ đối thoại với 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu” nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội tại Hà Nội, chúng ta thấy nhiều gương mặt còn rất trẻ, như: Nguyễn Thanh Sơn, CT HĐQT, kiêm GĐ CTCP Huetronics; Lê Bá Sơn, GĐ CT TNHH Tin học và Viễn thông TST; Nguyễn Đăng Phương, TGĐ CT TNHH SX-TM-DV Đăng Tuấn; Hồ Anh Bảo, GĐ CTCP Trường Sơn.
2. Trước đây, người ta hiểu DN là nghề làm ăn, làm nghề sản xuất để kiếm lời. Ngày nay, nói đến DN là nói đến ý chí, quyết tâm làm giàu không chỉ cho doanh nghiệp, DN, mà cho cả đất nước, cho xã hội... Vì vậy, cùng với sự tôn vinh thì xã hội cũng đặt nên vai đội ngũ doanh nhân trách nhiệm nặng nề. Đó là trách nhiệm sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường; bảo vệ lợi ích quốc gia; chăm lo cộng đồng xã hội và đời sống người lao động. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp, doanh nhân nào làm tốt những vấn đề trên đều được xã hội tôn vinh, người tiêu dùng ủng hộ. Nhờ vậy, sản xuất, kinh doanh cũng ngày càng phát triển, hiệu quả kinh tế càng nâng lên. Ngược lại, những doanh nghiệp chỉ chăm chăm đến lợi ích của doanh nghiệp và cá nhân, bất chấp hậu quả mà cộng đồng phải gánh chịu đều bị người tiêu dùng quay lưng và tất yếu sẽ dẫn đến phá sản. Minh chứng rõ nhất là trường hợp của Vedan. Khi doanh nghiệp lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Nai, huỷ hoại môi trường nhưng “cù cưa” chuyện đền bù, khắc phục hậu quả liền bị các siêu thị từ chối nhập hàng và người tiêu dùng tẩy chay. Chỉ khi công ty dám nhìn thẳng vào sự thật, thành tâm đền bù, khắc phục hậu quả thì người tiêu dùng mới quay trở lại. Tương tự, các doanh nghiệp chỉ chăm chăm đến lợi nhuận mà chắt bóp, cắt xén đồng lương công nhân cũng vậy, chẳng thể nào tồn tại bền vững; công nhân giỏi cũng sẽ bỏ doanh nghiệp mà đi...
3. Tuy đã đông về số lượng, trình độ được nâng lên, nhưng thực tế đội ngũ doanh nhân và các doanh nghiệp của tỉnh ta nói riêng, nước ta nói chung vẫn đang thiếu những doanh nghiệp, doanh nhân mang tầm khu vực và quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp của tỉnh đa phần có qui mô vừa và nhỏ, năng lực sản xuất còn hạn chế do vốn ít, tốc độ đổi mới còn chậm, năng lực cán bộ điều hành, quản lý chưa tương xứng với yêu cầu trong thời kỳ hội nhập. Do vậy, việc xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ doanh nhân của tỉnh nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, là nhân tố quyết định sự nghiệp CNH- HĐH thành công, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu của đất nước. Để làm được điều này, không chỉ là sự nỗ lực không ngừng học hỏi để nâng tầm doanh nghiệp, nâng cao hiệu qủa sản xuất kinh doanh của các doanh nhân mà còn là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị.
Hoàng Giang