ClockThứ Tư, 10/08/2011 21:10

Văn hóa giao thông

TTH - Tai nạn giao thông đang là nỗi kinh hoàng để lại hậu quả đau lòng cho nhiều gia đình. Số người chết và bị thương trong các vụ tai nạn giao thông ngày càng gia tăng, nhiều vụ thảm khốc đến khiếp sợ. Thấy được những hậu họa do các vụ tai nạn giao thông gây ra, những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, thực thi nhiều giải pháp nhằm kiềm chế các vụ tai nạn giao thông. Mở mang hệ thống đường sá ở các đô thị, nhất là ở các thành phố lớn, Chính phủ đã đầu tư xây mới và nâng cấp các tuyến Quốc lộ, đường cao tốc, xây nhiều cây cầu hiện đại, xóa các điểm đen và mở nhiều nút giao thông giải quyết ùn tắc giao thông ở một số khu vực, địa phương.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Chính phủ cũng chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai các cuộc vận động có ý nghĩa xã hội rộng lớn như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, xây dựng nếp văn hóa giao thông trong cộng đồng dân cư.

 

Thế nhưng, tai nạn giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối. Qua các vụ tai nạn, con số thống kê chỉ cho chúng ta thấy rằng thủ phạm gây ra tai nạn giao thông có tới 80% đều thuộc lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Điều này cho thấy ý thức chấp hành luật lệ cũng như nếp văn hóa của người tham gia giao thông còn quá yếu. Việc mà nhân dân ca thán là nhiều lái xe phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu, uống bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông. Một thực tế cho thấy việc đào tạo và cấp bằng cho người điều khiển các phương tiện giao thông ở một số nơi còn buông lỏng, dễ dãi, khóa học chưa đủ dữ liệu cho người học nhận thức được thế nào là văn hóa giao thông. Dư luận xã hội, kể cả phản ảnh của công luận nhiều lần đề cập tính chưa nghiêm minh của lực lượng cảnh sát giao thông cũng là nguyên nhân góp phần làm cho tai nạn giao thông dễ xảy ra. Công tác tuần tra, kiểm soát trên mặt đường chưa nghiêm túc, xử lý chưa kiên quyết thậm chí có hiện tượng tiêu cực. Chính vì vậy mà nhiều loại phương tiện giao thông quá khổ, chở quá tải vẫn ngang nhiên lăn bánh trên các tuyến đường.

 

Tai nạn giao thông và tìm giải pháp khắc phục nó là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò của chính quyền và các ngành chức năng ở địa phương được xem là yếu tố quyết định. Đó là vấn đề làm sao để đường thông, hè thoáng. Tránh tình trạng đỗ xe vô tội vạ, hè đường bị lấn chiếm, tệ hại nhất là tình hình vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt ngày càng gia tăng, bất chấp sự lên án của công luận và dư luận xã hội.

 

Mới đây, thấy được thực trạng này, thành phố Huế đã tổ chức ra quân lập lại trật tự, an toàn đô thị, chống lấn chiếm lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Thành phố Huế phát động cuộc vận động này khá bài bản, gắn trách nhiệm của các phường, xã, địa bàn dân cư vào trọng tâm công tác. Đợt ra quân bước đầu có hiệu quả, thành phố chỉ đạo kéo dài và làm rốt ráo cho đến hết tháng 8-2011, sau đó rút kinh nghiệm cho các bước tiếp theo với mục tiêu nâng cao nhận thức trong người dân về nếp văn hóa giao thông. Thành phố Huế làm được thì thị xã và các huyện cũng phải làm được, bằng không thì nếp văn hóa giao thông chưa thể lan tỏa trên địa bàn toàn tỉnh. Ngược lại thành phố Huế làm tốt mà một số huyện lơ là, thậm chí làm ngơ trước hiện tượng lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng, đấu nối đường trái phép thì quả là một hình ảnh phản cảm.

 

Muốn an toàn thực sự khi tham gia giao thông đòi hỏi mọi người phải ý thức tự giác chấp hành luật, luôn tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ mọi người cùng tham gia giao thông, xem đây là văn hóa giao thông mà mọi người đều nhận biết một cách chủ động, tạo nếp quen thể hiện mình có suy nghĩ, hành động văn minh trong tham gia giao thông.

 

Mỗi người khi tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng, ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra tai nạn giao thông; tận tình giúp đỡ người già, tàn tật, trẻ em... trong tham gia giao thông. Để văn hóa giao thông đi vào cuộc sống, các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các tiêu chí văn hóa giao thông, biểu dương người tốt việc tốt, nét đẹp trong văn hóa giao thông; lên án và phê phán những cá nhân, tập thể có hành vi thiếu văn hóa ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Các cơ quan văn hóa cần sử dụng áp phích, băng rôn, khẩu hiệu về an toàn giao thông trên các tuyến đường, nơi đông người. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, trật tự an toàn giao thông đến các đoàn thể, tổ dân phố, trường học, gia đình....

 

Bên cạnh công tác truyền thông về văn hóa giao thông, các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, xử lý và khắc phục điểm đen giao thông. Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông một cách hợp lý, mở rộng lòng, lề đường, mở thêm nhiều tuyến đường tránh, phân luồng giao thông khoa học; tăng cường các phương tiện vận tải công cộng nhằm giảm bớt lưu lượng phương tiện giao thông lưu thông trên đường.

Xây dựng nếp văn hóa giao thông cần có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp; sự phối hợp đồng bộ, nhất quán sẽ tạo sức mạnh mới hình thành nếp văn hóa giao thông đến với mọi người. Mỗi một thành viên trong xã hội có ý thức cao, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, chắc chắn tai nạn giao thông sẽ giảm thiểu, đem lại nguồn vui cho cộng đồng xã hội.

Chiến Hữu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top