ClockThứ Ba, 29/06/2010 10:38

Thiết lập hệ thống bảo tàng, khu trưng bày và trình diễn tại Huế

TTH - Làm cho Huế trở nên sâu đậm, sang trong, ấn tượng và hấp dẫn trong mắt du khách hơn, theo tôi, không gì hay hơn là bên cạnh trùng tu, bảo tồn di tích, cải tạo cảnh quan đô thị, nâng cao các loại hình dịch vụ là thiết lâp một hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày và nhà trình diễn các loại hình thủ công mỹ nghệ truyền thống. 
Hệ thống trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống của văn hóa Huế có thể là đồ thêu ren, đồ mộc, đồ gốm Phước Tích và gốm dưới sông Hương, sơn mài....đặc biệt là đồ đúc đồng; trình bày không gian của nội thất và ngoại thất của ngôi nhà xứ Huế điển hình, trang phục từ cung đình cho đến thường dân,áo dài,các thú chơi của giới quyền quý đến các trò chơi dân gian; trình diễn thêu ren, chằm nón, in tranh làng Sình.


Trưng bày truyện Kiều trên đá cuội tại Công viên 3 - 2

Bên cạnh đó là hệ thống các bảo tàng về nông cụ, ngư cụ, đồ gia dụng...nhất là Bảo tàng Mỹ thuật. Xứ Huế nuôi dưỡng biết bao nhân tài về hội họa, trong số họ có người làm rạng danh cho đất nước như Tôn Thất Sa, Lê Văn Miến, Nguyễn Khoa Bảo Toàn; sau này là Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Bửu Chỉ, Vĩnh Phối, Hoàng Đăng Nhuận...và nhiều họa sĩ của lớp trẻ đang chinh phục những đỉnh cao mới của nghệ thuật.

Trong một dịp về thăm Huế , họa sĩ Đinh Cường đã bày tỏ tâm nguyện được hiến tặng cho Huế nhiều tác phẩm của mình và có mong muốn sẽ đứng ra kêu gọi nhiều văn nghệ sĩ  có tên tuổi, các nhà sưu tập tranh về Việt Nam ở nước ngoài hiến tặng tranh nếu Huế thành lập Bảo tàng Mỹ thuật, trong đó có bộ sưu tập mà theo họa sĩ là hơn 300 tác phẩm. Còn biết bao đồ vật quý hiếm đi theo người Huế xa quê sẽ có cơ hội trở về với không gian nguyên thủy của nó.


Ký hoạ chân dung ở Công viên Tứ Tượng

Một việc cần lưu tâm nữa là, chúng ta đã tổ chức thành công mấy kỳ Festival rồi nhưng việc lưu lại những tác phẩm, đạo cụ, phục trang...của các văn nghệ sĩ từ khắp bốn phương, trong nước và ngoài nước chưa được để ý đến. Sẽ là hay hơn và ý nhị hơn nếu chúng ta thiết lập một nhà trưng bày (hoặc một gian trưng bày) cho các vật phẩm đó, kể cả tư liệu phim ảnh về các kỳ Festival, các vở diễn hay... Nếu làm được như vậy, dần dà, qua nhiều kỳ Festival nữa, chúng ta sẽ có một nhà trưng bày bề thế và độc đáo. Các nghệ sĩ sẽ vui hơn , hào hứng hơn khi biết các tác phẩm, đạo cụ, phục trang của mình được lưu lại và được gìn giữ. Và rồi họ, con cháu họ sẽ quay lại với Huế. Họ thành du khách và người quảng bá. Ý tưởng này đã lóe lên trong tôi trong một lần nhìn những con ngựa trong tác phẩm “Meeting point” của Rémi Polack và Nguyễn Ngọc Lâm đang trong khuôn viên của Văn phòng Festival Huế…

Không gian tốt nhất cho hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày và trình diễn là khu vực bên tuyến đường Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám... Việc hình thành không gian mỹ thuật ở đây có thuận lợi là chúng ta không phải di dời giải tỏa nhà của nhân dân, các cơ quan nhà nước ít và nhất là không nhất thiết phải tọa lạc ở đó. Thuận lợi nữa là, hiện đã có Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trung tâm Mỹ thuật Lê Bá Đảng, khu nhà trưng bày các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ Thừa Thiên Huế .
 
Hàng thủ công truyền thống trên đường Nguyễn Đình Chiểu
 
Sau khi hình thành, hệ thống này sẽ trở thành điểm nhấn, thành centre (trung tâm) của thành phố Huế, góp phần giải quyết được bài toán khó lâu nay về hệ thống đường đi bộ, ẩm thực và mua sắm khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu, Lê Lợi và Phạm Hồng Thái. Một số hoạt động trình diễn, sắp đặt, triễn lãm cũng sẽ hình thành trên các tuyến đi bộ vào ban đêm hoặc vào các dịp lễ tết. Đặt trong tổng quan chung, việc hình thành hệ thống này cũng góp phần đáng kể ngăn chặn nạn “chảy máu” cổ vật của Thừa Thiên Huế ra bên ngoài và chấn hưng, phục dựng các làng nghề truyền thống đã, đang bên bờ của sự suy tàn.
 
Bên cạnh các địa điểm tham quan truyền thống, du khách có thêm địa điểm tham quan, thưởng ngoạn tổng quan văn hóa vật thể của Huế. Chắc chắn họ sẽ hiểu rồi yêu hơn thành phố của chúng ta. Điều này làm phong phú thêm các loại hình du lịch, dịch vụ mua sắm, góp phần làm cho du khách lưu trú lâu hơn, rồi sớm quay trở lại với Huế, quảng bá cho Huế. Kinh tế du lịch sẽ tăng trưởng mạnh. Huế trở thành điểm chọn lựa đầu tiên của du khách khi đến Việt Nam.
 
Không chỉ du khách trong và ngoài nước, mà con cháu và chính chúng ta cũng cần và hưởng lợi từ việc hình thành không gian văn hóa này. Còn gì thuận lợi hơn khi bồi dưỡng lòng yêu quê hương đất nước, truyền thống văn hóa cho lớp trẻ qua các hình ảnh cụ thể được trưng bày tại nơi đây…
 
Hoạ sĩ Võ Xuân Huy
Ảnh Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top