ClockThứ Hai, 12/07/2010 10:18

Thành phố Festival trong chiến lược quảng bá hình ảnh đất nước

TTH - Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đã và đang đồng hành cùng thế giới trên con đường phát triển. Quá trình hội nhập đã khẳng định một “chân dung” Việt Nam giàu bản sắc, với sự quyết định cho bản sắc ấy là yếu tố di sản văn hoá, mà ngoại giao văn hoá luôn giữ vai trò hạt nhân.
Festival Huế với bản chất cuối cùng của nó vẫn là ngoại giao văn hoá. Thông qua các kỳ Festival, Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng có thể giới thiệu với quốc tế về những tài nguyên di sản của mình, về những bản sắc vùng miền của mình một cách sống động nhất.


Sắc màu lễ hội - ảnh từ internet

Đặc biệt, từ khi Huế tồn tại với tư cách là Kinh đô của cả nước nên càng hội tụ được nhiều giá trị của các vùng miền và hình thành nên đặc trưng văn hóa giàu bản sắc. Dưới triều Nguyễn, nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được kế thừa từ các triều đại trước, đồng thời những giá trị văn hóa mới cũng được sáng tạo thêm. Bộ mặt của một kinh đô Việt Nam vào thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 đã khẳng định với nhiều phức hệ kiến trúc bao gồm thành quách, đền đài, đình tạ, lầu các, miếu điện, lăng tẩm...song song với sự tồn tại của các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật diễn xướng, ngành nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực...

Từ Kinh Thành, Hoàng Thành đến Đàn Nam Giao, Văn Miếu, Võ Miếu, Quốc Tử Giám, Trấn Hải Thành, Hổ Quyền, Điện Voi Ré cùng các khu lăng tẩm của các vua, chúa Nguyễn đã khẳng định rõ những giá trị văn hóa vật thể của Huế. Từ Nhã nhạc đến Tuồng cung đình, Múa cung đình cũng như các lễ hội, các ngành nghề truyền thống rồi nghệ thuật ẩm thực... đã khẳng định những giá trị văn hóa phi vật thể của Huế. 
 

Khai mạc Festival Huế 2010 - ảnh Võ Nhân

Với những giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 11/12/1993, Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản văn hóa Thế giới. Đây là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được công nhận. Ngày 11/7/2003, với những giá trị ngang tầm kiệt tác và có sức lan toả, tác động lên nhiều giá trị văn hóa trong khu vực, Âm nhạc cung đình Việt Nam-Nhã nhạc triều Nguyễn đang bảo lưu ở Huế đã được UNESCO ghi vào Danh mục Kiệt tác Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại. Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận. Huế song hành hai di sản được công nhận, tạo nên một chỉnh thể văn hóa, mở ra những trang mới trong hành trình hội nhập của mình, mà những giá trị văn hóa luôn trở thành những động lực để phát triển, đặc biệt là thông qua các kỳ festival.

Quần thể di tích kiến trúc cung đình Huế đã trở thành hạt nhân gắn kết với nhiều nội dung trong việc tổ chức Festival. Các di tích như những chứng nhân đã kể lại những câu chuyện của mình bằng tiếng nói của thời gian, bằng những giá trị hữu hình và vô hình, nhất là bằng không gian tồn tại của những sinh hoạt gắn liền với chúng. Những lễ hội cung đình cũng đã trở thành những điểm nhấn quan trọng trong việc xác định những nội dung của các kỳ Festival.
 

Ảnh minh họa từ internet
 
 
Trải qua nhiều kỳ Festival, chính thức từ năm 2000, đến nay Thừa Thiên Huế đã tổ chức được nhiều festival định kỳ. Trong đó đã có 05 kỳ festival chính vào các năm 2000, 2002, 2004, 2006, 2008 2010 và 02 kỳ festival Nghề truyền thống vào các năm 2005, 2007. Các kỳ festival ở Huế đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế. Thông việc tổ chức festival, một lần nữa Thừa Thiên Huế lại có dịp giới thiệu và quảng bá về những giá trị văn hoá của mình, nhất là giới thiệu về các lễ hội có quy mô gắn kết với các không gian văn hoá Huế như lễ Tế Giao, lễ Tế Xã Tắc, lễ hội Truyền Lô-Vinh quy bái tổ, Lễ hội lên ngôi Hoàng đế của Quang Trung, Hành trình mở cõi, Tái hiện cuộc thao diễn thủy binh thời các chúa Nguyễn... với những dấu ấn sâu đậm về di sản văn hoá truyền thống.
 
Festival Huế là nơi hội tụ nhiều yếu tố văn hoá đa sắc màu với các đặc trưng của truyền thống và hiện đại bằng nhiều biểu hiện lịch sử và địa lý rất rõ nét. Tính truyền thống và hiện đại biểu hiện ở rất nhiều mặt trong văn hoá ứng xử, trong sinh hoạt, trong sáng tạo văn học nghệ thuật ... Có nhiều giá trị nghệ thuật truyền thống được bảo tồn một cách nguyên vẹn, có những giá trị nghệ thuật đã được kế thừa để sáng tạo nên những giá trị mới, bên cạnh đó có những sáng tạo nghệ thuật mới mẻ với dấu ấn đương đại đã làm cho Festival Huế trở nên phong phú và đa dạng. Có thể điểm lại sự tham gia của các đoàn nghệ thuật qua các kỳ Festival Huế như sau:
 
- Festival Huế 2000 diễn ra trong 12 ngày đêm, với sự tham gia của trên 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên kỹ thuật;
 
- Festival Huế 2002 diễn ra trong 12 ngày đêm với sự tham gia của 33 đoàn nghệ thuật tiêu biểu đến từ các nước Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam gồm 1.554 nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên kỹ thuật; 
- Festival Huế 2004 diễn ra trong 9 ngày đêm với sự tham gia của 15 đoàn nghệ thuật nước ngoài đến từ các nước Pháp, Trung Quốc, Argentina, Úc, Ấn Độ, Đức, Mỹ; 25 đoàn nghệ thuật trong nước với 1.300 diễn viên chuyên nghiệp, gần 2.000 nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên kỹ thuật;
 
- Festival Huế 2006 diễn ra trong 9 ngày đêm với sự tham gia của 22 đoàn nghệ thuật đến từ các nước: Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Argentina, Indonesia, Úc và 22 đoàn nghệ thuật trong nước với 1.440 nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên kỹ thuật;
 
- Festival Huế 2008 diễn ra trong 9 ngày đêm với sự tham gia của 60 đoàn nghệ thuật của 25 quốc gia nước ngoài và Việt Nam.
 
- Festival Huế 2010 diễn ra trong 9 ngày đêm 28 quốc gia với khoảng 550 nghệ sĩ nước ngoài và 2.300 nghệ sĩ trong nước tham gia biểu diễn 117 chương trình nghệ thuật
 
Festival Huế hiện vẫn là lễ hội quy tụ, gặp gỡ của nhiều chương trình nghệ thuật, đại diện và mang dấu ấn của nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới, trở thành nơi quảng bá hình ảnh văn hoá của Việt Nam và các nước rất hiệu quả.
 

                      Tái hiện lại cuộc thao diễn thuỷ binh thời các chúa Nguyễn
 
Sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong nước đến từ nhiều vùng miền khác nhau không những đã thể hiện một phức hệ văn hoá tinh thần đa dạng và phong phú của Việt Nam mà còn tiếp thị với cộng động quốc tế bức chân dung văn hoá Việt trong bước đường hội nhập và phát triển. Thông qua các phương tiện thông tin truyền thông tại các kỳ Festival, thông tin và hình ảnh của văn hoá Việt Nam có cơ hội được quảng bá, đó cũng chính là sự quảng bá hình ảnh của đất nước đến với cộng đồng quốc tế.
 
Với sự hợp tác của các Đại sứ cùng nhiều tổ chức khác ở nước ngoài, nhiều đoàn nghệ thuật từ nhiều quốc gia khác nhau đã đến với Festival Huế. Sự tham gia của các đoàn nghệ thuật nước ngoài tại các kỳ Festival Huế không dừng lại ở việc giao lưu, trao đổi văn hoá mà còn để lại các cơ hội cọ xát văn hoá để ngày càng phát hiện ra nhiều cái hay, cái đẹp trong mỗi loại hình. Mỗi một âm thanh của từng nhạc cụ đều có thể ngân lên các cung bậc tình cảm, mỗi một hoa văn, hoạ tiết trong trang trí sân khấu, trong trang phục biểu diễn đều có thể “trang trải” được tâm tư, tình cảm của dân tộc. Và theo chân các đoàn các đoàn nghệ thuật nước ngoài văn hoá Việt Nam, hình ảnh đất nước lại có dịp đến với cộng đồng quốc tế.
 
Lượng khách nước ngoài tăng đáng kể qua các kỳ festival cũng đã thể hiện sự quan tâm hưởng ứng của quốc tế đối với Festival Huế. Và thông qua nhiều phương thức khách nhau, thông qua du lịch, hình ảnh của Huế, của Việt Nam hơn bao giờ hết sẽ đến với bạn bè quốc tế.  
 

Vũ điệu của đoàn nghệ thuật nước ngoài tại Festival Huế

 
Cùng với việc phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Thừa Thiên Huế cũng đang tập trung xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng thành phố Festival, trung tâm văn hoá du lịch của cả nước. 
 
Ngoài những vấn đề cơ bản và nhiều nội dung liên quan đến việc quản lý, tổ chức, từ các cơ sở và điều kiện đã có, để có thể phát triển được vai trò là thành phố Festival trong chiến lược quảng bá hình ảnh đất nước, Thừa Thiên Huế cần tập trung xây dựng thành phố Huế - thành phố Festival có tầm cỡ quốc gia và quốc tế gắn với đặc trưng văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam; xây dựng thành phố Huế - thành phố du lịch trong sự gắn kết với thành phố Festival; xây dựng không gian văn hóa Festival gắn kết với việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và khai thác các giá trị văn hóa vật thể, các giá trị cảnh quan môi trường thiên nhiên, xã hội trên địa bàn thành phố Huế và các vùng phụ cận v.v.
 
Bên cạnh đó, việc khôi phục và từng bước phát triển các nghề và làng nghề truyền thống là hết sức cần thiết. Trước mắt, tập trung phát triển các nghề ở địa bàn thành phố Huế như đúc đồng, làm nón, sơn mài, sơn son thếp vàng, cùng một số nghề khác ở địa bàn phụ cận như làm gốm ở Phước Tích; mộc mỹ nghệ ở Mỹ Xuyên; hoa giấy ở Thanh Tiên; tranh dân gian ở làng Sình, làng Chuồn.
 
Festival Huế thật sự đã trở thành một ngày hội lớn của các sắc màu văn hoá Việt Nam. Tại “sân khấu” có tính cộng đồng quốc tế này, các giá trị văn hoá Việt Nam lại có dịp toả sáng cùng nhiều phức hệ văn hoá của nhiều châu lục. Bằng những nỗ lực không ngừng của nhiều cấp, nhiều ngành, thông qua những tính chất đặc thù, các kỳ Festival đã ở Huế đã đang và sẽ mở ra một con đường mới trong giao lưu văn hoá, góp phần khẳng định diện mạo văn hóa và quảng bá hình ảnh của đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển.
 
KTS Phùng Phu
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế
  
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top